Thứ Bảy, 28/9/2024
Chính sách
Thứ Tư, 10/6/2009 22:22'(GMT+7)

Đào tạo nghề khu vực nông thôn: Mong cho niềm vui trọn vẹn!

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Một trong những vấn đề bức xúc đặt ra hiện nay đòi hỏi cần giải quyết là vấn đề đào tạo nghề và tạo việc làm cho người nông dân khi diện tích đất ngày càng thu hẹp dần để phục vụ cho phát triển công nghiệp. Lời giải hợp tình hợp lý cho vấn đề này cũng chính là một phần lời giải của bài toán tổng thể đảm bảo an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay. Mặc dù, đang trong giai đoạn khó khăn của cuộc khủng hoảng, nguồn thu ngân sách nhà nước bị sụt giảm mạnh nhưng xác định đây là vấn đề hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội nên Chính phủ cũng đã có nhiều động thái mạnh mẽ trong việc chỉ đạo, đầu tư cho việc phát triển lĩnh vực này...

Thực trạng đòi hỏi nhiều quyết sách

Một trong những nền tảng vững chắc để tạo bước bứt phát trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo bộ mặt mới cho kinh tế địa phương là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho khu vực này. Trong khi đó, hầu hết tại các vùng nông thôn trình độ lao động còn thấp, thậm chí còn rất thấp so với mặt bằng chung trong trình độ lao động của các lĩnh vực. Căn nguyên của vấn đề này là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong một thời gian dài chưa được coi trọng đúng mức. Nhiều Bộ, ngành, địa phương, cán bộ, đảng viên và xã hội nhận thức chưa đầy đủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, coi đào tạo nghề chỉ là giải pháp có tính thời điểm, không phải là vấn đề quan tâm thường xuyên, liên tục và có hệ thống.

Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề đến nay mới đạt 18,7%, còn rất thấp so với bình quân chung của cả nước là 25%; lao động nông thôn qua đào tạo nghề có sự chênh lệch lớn giữa các vùng kinh tế (vùng Đồng bằng Sông Hồng 19,4%, đồng bằng Sông Cửu long 17,9%; trong khi đó vùng Tây Bắc chỉ có 8,3%).

Theo dự báo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB & XH), lao động nông thôn và lao động nông nghiệp có xu hướng giảm dần, tới năm 2015 chiếm khoảng 63,09% (33,1 triệu người) và năm 2020 chiếm khoảng 57,33% (32,1 triệu người). Trong khi đó, số lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có nhu cầu học nghề hàng năm vào khoảng 50.000 người. Tại 16 địa phương có số lượng đất thu hồi lớn, chỉ có 13% lao động nông thôn được đào tạo để chuyển đổi ngành nghề. Còn hầu hết nông dân có được kiến thức, kỹ năng sản xuất thông qua kinh nghiệm là chính, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, chậm đổi mới nên năng suất lao động, giá trị sản phẩm hàng hoá tạo ra không tương xứng với thời gian lao động.


 
Mạng lưới cơ sở dạy nghề phát triển chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị, còn ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, số lượng cơ sở dạy nghề rất ít, quy mô dạy nghề nhỏ và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngân sách Nhà nước bố trí cho dạy nghề nói chung và dạy nghề cho lao động nông thôn nói riêng chưa tương xứng với yêu cầu tăng quy mô và nâng cao chất lượng dạy nghề. Kinh phí Dự án "Tăng cường năng lực dạy nghề" thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục-đào tạo đến năm 2010 trong những năm qua tăng nhanh, nhưng số lượng trường và trung tâm dạy nghề được hỗ trợ đầu tư của Dự án còn ít (mới chỉ hỗ trợ cho 3 trường tiếp cận trình độ khu vực; 60 trường trọng điểm; 50 trường trung cấp nghề khó khăn; 219 trung tâm dạy nghề cấp huyện). Mức kinh phí hỗ trợ cho các trung tâm dạy nghề huyện cũng hạn chế, mỗi trung tâm dạy nghề mới được hỗ trợ với mức 500-800 triệu đồng/năm, nhiều trung tâm dạy nghề mới được đầu tư trong 1-2 năm gần đây. Dự án mới chỉ bố trí kinh phí để xây dựng các chương trình khung dạy nghề trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề, chưa bố trí kinh phí để xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên; kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn trong Dự án mới chỉ hỗ trợ cho khoảng 300.000 người/năm. Mức hỗ trợ như vậy là thấp so với yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách về dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn được ban hành tản mạn, không thống nhất dẫn tới sự chồng chéo, kém hiệu quả và bất cập như bị giới hạn về đối tượng, thời gian đào tạo; mức hỗ trợ chi phí đào tạo thấp... Đó là chưa kể chương trình dạy nghề đã lạc hậu, cơ cấu trình độ và nghề đào tạo chưa phù hợp, chưa bổ sung kịp thời các nghề mới; mạng lưới cơ sở dạy nghề nói chung tuy đã phát triển nhưng chủ yếu tập trung ở đô thị; đội ngũ cho giáo viên dạy nghề thiếu về lượng, yếu về chất… Những tồn tại trên khiến cho chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, học viên sau khi học nghề xong không tìm được việc làm, may mắn hơn có việc thì cũng không làm đúng nghề, thu nhập thấp.

Động thái đầy quyết tâm

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN & PTNT) Cao Đức Phát cho rằng: Đã đến lúc cần phải quan tâm đầu tư mạnh mẽ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho khu vực nông thôn. Bởi, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là con đường có hiệu quả cao nhất, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp nông thôn. Theo tính toán, 179 nghề cần phải đào tạo cho nông dân, đồng thời cần phải thay đổi cung cách đào tạo, để người nông dân được chọn trường, chọn nghề cần học. Trường đào tạo nghề cho nông dân không nhất thiết là trường của nhà nước, do vậy cần đẩy mạnh xã hội hóa và đào tạo nghề cho nông dân; ưu tiên đào tạo nghề cho những người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp để chuyển sang đất công nghiệp, đô thị.

Hiện Bộ LĐ-TB & XH, Bộ NN & PTNT, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành, các tổ chức đoàn thể liên quan đang gấp rút xây dựng Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" để trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới. Theo đó, Đề án xây dựng cho 3 giai đoạn. Trong giai đoạn 2009-2010, một mặt tiếp tục thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn theo Dự án "Tăng cường năng lực dạy nghề" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục-đào tạo đến năm 2010 (khoảng 800.000 người trong 2 năm 2009-2010), mặt khác thực hiện các công việc cần thiết để chuẩn bị triển khai đại trà cho các giai đoạn tiếp. Giai đoạn 2011-2015: Đào tạo nghề cho 5.200.000 lao động nông thôn. Giai đoạn 2016-2020: Đào tạo nghề cho 6.000.000 lao động nông thôn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế-xã hội, đào tạo chuyên sâu cho 500.000 lượt cán bộ, công chức xã. Tổng kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn Ngân sách Nhà nước dự kiến là 32.679 tỷ đồng. Trong số đó, kinh phí dạy nghề lao động nông thôn là 31.153 tỷ đồng (25.551 tỷ đồng để chi hỗ trợ nông dân học nghề; 5.105 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các trường, trung tâm dạy nghề huyện). Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã là 1.526 tỷ đồng.

Mong cho miềm vui trọn vẹn!

Mặc dù chưa được phê duyệt chính thức nhưng qua những động thái đầy quyết tâm của các Bộ, ngành cũng đã tạo cho nông dân niềm lạc quan vì họ - những người bị mất đất đã sẵn tay nghề sẽ nhanh chóng biến thành những công nhân các khu công nghiệp, hay đi xuất khẩu lao động với tay nghề và thu nhập cao hơn. Song niềm vui cũng đi kèm với không ít những băn khoăn, lo lắng. Không ít người tỏ ra lo ngại những đồng tiền của Nhà nước và tiền làm ra bằng chính những giọt mồ hôi nước mắt của người nông dân sẽ lại “bỏ sông, bỏ bể” nếu một khi cái vòng “luẩn quẩn” đào tạo – việc làm – thu nhập ổn định không giải quyết được. Vì thế, người lao động phải được thông tin rõ về việc học nghề, trước khi đi học họ phải được tư vấn về việc làm và không được để tình trạng học xong không có việc làm. Hãy hình dung nông dân được cấp một số tiền đi học nghề như lái xe, sửa chữa điện tử… kể cả nghề nông hiện đại nhưng không có xe để lái, không có đồ điện tử để sửa, không có các doanh nghiệp thuê mướn, tiếp tục đào tạo họ thành thợ lành nghề, liệu những thanh niên học nghề ấy sẽ giữ được nghề trong bao lâu và có sống được với nghề? Hơn bao giờ hết, những người chịu trách nhiệm đào tạo nghề cần phải có tầm nhìn rộng và xa để gắn liền việc dạy nghề với những dự án cụ thể, đào tạo xong là có việc, có thu nhập sao cho người nông dân vững vàng bước sang một cuộc sống mới khi không còn đất canh tác. Ngoài ra, số tiền của gói đào tạo nghề cho nông dân cũng có thể được dùng để nâng cấp trường dạy nghề, hiện chất lượng còn thấp và cấp những suất học bổng cho con em nông dân theo học... Có thể nói, học nghề gắn với việc làm là mấu chốt để gói tiền có thể tạo ra một bộ mặt mới cho nông thôn, tạo bước đột phá trong chính sách tam nông, không chỉ thời khủng hoảng, mà còn về lâu về dài. Tiền không phải là tất cả. Nếu bỏ đồng tiền không ra đúng cách, không đúng nhu cầu thực tế thì cả núi tiền cũng trở nên vô ích, điều này càng đúng đối với những người nông dân. Chúng ta có không ít bài học làm theo phong trào, manh mún mà hậu quả là người nông dân nghèo vẫn hoàn nghèo. Trong khó khăn, Nhà nước vẫn quyết định dành tiền hỗ trợ người nông dân. Hy vọng những đồng tiền đó sẽ phát huy hiệu quả với trách nhiệm cao của những người thực hiện.

Niềm vui đến đó, nhưng người dân cũng không hẳn đã hết băn khoăn giữa được đào tạo nghề, được hành nghề, được kiếm tiền từ những ngành nghề đã qua đào tạo. Bởi thực tế đã có rất nhiều trường hợp học ra rồi lại bỏ đó./.

Đỗ Văn Hải

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất