Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 20/6/2010 20:36'(GMT+7)

Đào tạo sinh viên báo chí cần kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: “Sinh viên báo chí phải được “va đập” trong thực tế”

Báo chí là một nghề, vì vậy, trước hết cần phải bắt đầu học nghề từ việc học những ngành học cơ bản. Theo tôi, tốt nhất là các sinh viên hãy học các ngành khác như luật học, văn học, sử học, tâm lý học, xã hội học… kể các ngành thuộc khoa học tự nhiên, và có một bằng cử nhân của các chuyên ngành đó, rồi mới vào học khoa Báo. Vì khi đã nắm vững được một chuyên ngành nào đó, các em chỉ cần học thêm chuyên ngành báo chí ở khoa báo đã là rất tốt. Đặc biệt là phải học vững chuyên ngành văn hoá học, trong đó, học thật tốt môn “Cơ sở văn hóa Việt Nam” nhằm “giải mã” văn hoá Việt Nam. Phàm đã là nhà báo Việt Nam thì phải nắm chắc về văn hóa Việt Nam. Rất giản dị, vì bao giờ cũng thế, một nền báo chí chính là diễn đàn của một nền văn hoá. Báo chí Việt phải phục vụ cho nền văn hóa Việt. Hiểu được một nền văn hóa thì chúng ta sẽ có cách sống chung, cách giải mã với những biến động văn hóa luôn xảy ra, luôn là dòng chảy thế sự của đời sống xã hội Việt Nam và biết cách thông tin hiệu quả nhất về chúng.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái
 (Khoa Báo chí – Truyền thông, trường ĐH KHXH&NV)

Tôi buồn là hiện nay sinh viên khoa Báo có quan niệm sai lầm, cho rằng học nghề báo thì chỉ cần học những môn chuyên về báo chí, còn những môn cơ sở khác thì chỉ cần học “lớt phớt”. Vì vậy mới có tình trạng “chuồn chuồn đạp nước”, mỗi thứ biết một ít, không đến đầu đến đũa.

Nghề báo vốn là một nghề khó khăn, nguy hiểm, nhiều thách thức, nên nhà báo phải làm việc một cách độc lập và chủ động, sáng tạo. Vì thế muốn thành nhà báo thì sinh viên khoa báo phải học phong cách độc lập, phải đi nhiều, đọc nhiều và phải hiểu biết toàn diện. Đặc biệt phải hiểu biết về con người và xã hội.

Để thành nhà báo, trước hết phải có năng khiếu thông tin và sau đó mới đến việc học nghề thông tin. Theo tôi, các sinh viên báo chí có thể học ở 3 “trường đại học”, đó là: trường đại học báo chí; trường đời và những bài báo, những tờ báo hay, những nhà báo giỏi. Quan niệm của tôi về học đại học là tự học nên sinh viên khoa báo càng cần phải tự học nhiều và phải đọc nhiều trên một tinh thần chủ động.

Sinh viên báo chí phải được va đập trong thực tế và thực hành ngay những gì “mắt thấy tai nghe”, đó là cách thức đào tạo và học nghề báo một cách hiện đại. Tôi hy vọng với cách đào tạo này, sau khi ra trường các em có thể bắt tay ngay vào công việc, với cách thức và cảm giác hành nghề của nhà báo chuyên nghiệp. Đừng yên chí lớn sau khi học ĐH Báo chí là đương nhiên trở thành nhà báo.

Tôi mong rằng, khi ra trường tất cả các em sinh viên có thể làm được việc ngay, nhưng rất tiếc, rất ít trong số đó trở thành nhà báo chuyên nghiệp. Bởi việc học kiểu “chuồn chuồn đạp nước”, lý thuyết rời xa thực tế, thực hành, khiến các em thiếu nền tảng cơ bản. Vì thế, đa số các em khi ra trường chỉ viết được những mẩu tin hoặc có viết về các thể loại khác thì cũng chỉ có thể “phơn phớt phía trên ngọn” chứ không thể viết sâu được.

Xuất phát từ bản chất nghề nghiệp báo chí, tôi ao ước khi khoa Báo tuyển sinh đầu vào, phải kiểm tra năng khiếu thông tin của thí sinh. Nhưng hiện nay khoa báo chưa làm được điều đó. Tuy nhiên, khoa Báo bao giờ cũng lấy điểm đầu vào cao nhất trong các khoa ở trường ĐHKHXH &NV.

PGS.TS Nguyễn Đức Dũng: “Đào tạo sinh viên phải gắn lý thuyết với thực tiễn báo chí”

Báo chí là hoạt động chính trị, nghiệp vụ. Khác với văn chương, nghệ thuật, phẩm chất của người làm báo thường được ví như “gừng càng già - càng cay”. Đã có không ít người làm thơ, viết văn, chơi nhạc, vẽ tranh... nổi tiếng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường - thậm chí là từ khi còn là thiếu nhi. Nhưng từ trước đến nay chưa từng có sinh viên báo chí nào vừa mới ra trường mà đã nổi tiếng, đã trở thành một cây bút có thương hiệu. Sau khi đã được học những kiến thức cơ bản trong nhà trường, sinh viên báo chí còn phải tiếp tục học tập, rèn luyện nhiều năm ở tòa soạn và nhất là phải học trong thực tế cuộc sống để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm nghề nghiệp...

PGS.TS Đức Dũng - Phó trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình
– Học viện Báo chí & Tuyên truyền

Trong nhiều năm qua, các khoa đào tạo báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Khoa Báo chí, Khoa Phát thanh – Truyền hình) đã có nhiều thay đổi tích cực về chương trình, giáo trình và phương thức tổ chức đào tạo theo hướng giúp cho sinh viên gắn lý thuyết với thực tiễn của đời sống báo chí. Riêng về các hình thức thực hành, các khoa luôn tìm tòi hướng đi để tạo điều kiện cho sinh viên có thể bước đầu vận dụng lý thuyết trong hoạt động thực tiễn.

Phần thực hành và lý thuyết có tỷ lệ thông thường là: 50/50. Với những môn học phải sử dụng máy móc, thiết bị kỹ thuật chuyên ngành - nhất là các môn học về sáng tạo tác phẩm báo chí của các chuyên ngành báo in, báo ảnh, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử và quay phim truyền hình, phần thực hành có thể được tăng lên đến 70, 80% trong tổng thời lượng của môn học.

Ưu điểm của phương thức này là phần thực hành được thể hiện không chỉ trong cả khóa học mà ngay trong từng học phần. Thậm chí, ngay cả trong hình thức đánh giá kết quả học phần (thi hết môn) cũng là bằng tác phẩm thực hành. Do đó, sinh viên được trang bị không chỉ về lý thuyết mà còn về những kỹ năng thực tiễn (dù chỉ là ở mức ban đầu) nên không quá bỡ ngỡ khi bước chân vào cơ quan báo chí.

Từ nhiều năm qua, thầy và trò Khoa Báo chí có tờ Báo chí trẻ dành cho sinh viên thực hành. Cùng với việc duy trì, phát triển chương trình truyền thanh nội bộ Tiếng nói trẻ, từ năm 2008, Khoa Phát thanh – Truyền hình đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp phép cho ra đời trang tin điện tử Sóng trẻ (http//www.songtre.vn). Đặc biệt, từ tháng 1/2010 đến nay, thầy và trò chuyên ngành Phát thanh đã sản xuất một chương trình phát thanh có thời lượng 30 phút, phát sóng hàng tuần trên sóng FM tần số 90MHZ của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội... Chương trình phát thanh này (cũng lấy tên là Sóng trẻ) phát lần 1 lúc vào lúc15h30 ngày Chủ nhật, phát lại lúc 14h05 phút ngày thứ Ba tuần kế tiếp. Có thể nói đó là những môi trường rèn luyện nghiệp vụ cực kỳ cần thiết và bổ ích cho sinh viên trước khi thực sự bước vào hoạt động báo chí trong thực tiễn.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: “Nghề báo không thể coi thường sự học tập”

Trong gần 15 năm chính thức đi dạy môn phóng sự ở Khoa báo chí trường ĐHKHXH&NV, Tp.Hồ Chí Minh và giảng dạy ở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ của Hội nhà báo Việt Nam, tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi về chất lượng giảng dạy báo chí hiện nay. Hiện nay, tôi thấy công tác đào tạo sinh viên báo chí và phóng viên đã có những thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, nhiều thực tiễn hơn và quy củ hơn. Việc chia ra từng chuyên lớp sâu như báo in, phát thanh, truyền hình, điện tử... hay mở lớp theo từng chủ đề, thể loại… giúp sinh viên, học viên nghiên cứu cụ thể và định hướng rõ ràng hơn công việc mình sẽ chọn.

Công tác đào tạo phóng viên hiện nay cho thấy đã có những thay đổi trong công tác giảng dạy. Việc dạy và học theo tín chỉ làm giảng viên phải động não nhiều hơn và sinh viên báo chí phải tích cực và chủ động hơn. Việc chấm điểm thực hành rất cao làm cho sinh viên phải toát mồ hôi đi thực tế và từ đó chú ý khâu thực hành hơn.

 Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân -
Khoa Báo chí – trường ĐH KHXH&NV Tp. Hồ Chí Minh

Hàng năm các trường đào tạo báo chí cho ra lò cả ngàn cử nhân báo chí. Tất nhiên không phải sinh viên nào ra trường cũng thành nhà báo. Chỉ có khoảng 30 % trụ được với nghề, còn lại cũng rơi rụng hay chuyển hướng làm nghề khác. Nhưng đáng mừng nhất là nhiều sinh viên báo chí mới ra trường đã nhanh chóng trở thành lực lượng kế thừa cho các báo. Con số đó đã thực sự làm hùng hậu thêm đội ngũ báo chí cả nước tới 17.000 người mà có tới 40 % chưa qua đào tạo chính quy về báo chí.

Hiện nay đang có tranh luận về ý kiến cho rằng các trường báo chí dạy lý thuyết nhiều, thực hành ít, một số giảng viên thì lại chưa qua thực tiễn làm báo mà đã đi dạy nghề báo. Nhiều giảng viên báo chí của các trường không đồng ý với nhận định cho rằng chương trình đào tạo báo chí quá nghiêng về lý thuyết mà thiếu thực hành, thiếu cọ xát thực tế. Vấn đề nằm ở chỗ đại học báo chí đào tạo cử nhân hay đào tạo nghề? Phải xác định trường đại học báo chí nằm trong hệ thống Khoa học xã hội và nhân văn. Là đại học thì phải bảo đảm lý luận, khoa học, nghiên cứu. Trường chỉ cung cấp cho sinh viên báo chí kiến thức căn bản. Các môn chuyên ngành báo chí thì có sự giúp sức của các nhà báo giàu kinh nghiệm.

Bản thân sinh viên phải chủ động, rèn luyện, trau dồi kiến thức và học hỏi các biện pháp nghiệp vụ. Trong nghề báo, yếu tố cá nhân con người là rất quan trọng. Không ai có thể đào tạo một nhà báo nếu người ấy không có sự say mê và không thật sự vào cuộc. Như vậy trường đại học là đào tạo cử nhân chứ không phải là đào tạo nghề nghiệp mà thôi. Còn phần nghề nghiệp, hầu như báo nào cũng phải đào tạo thêm kỹ năng và kiến thức chuyên sâu cho phù hợp với báo mình, hay nói là đào tạo lại, đào tạo tiếp cũng không sai. Hội nhà báo với chức năng của mình cũng luôn mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ là vì lẽ đó.

Tôi xin nhấn mạnh rằng trong nghề báo không thể coi thường sự học tập, nhưng yếu tố chính vẫn là con người nhà báo. Trường Đại học cho anh ta 60 % kiến thức. Còn lại 40 % là năng khiếu và lao động, là sự nỗ lực hoặc là cái duyên của anh ta với nghề báo.


   Người thực hiện
Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất