(TG)
- Ngày 22-8-2018, Đoàn công tác liên ngành do Ban Tuyên giáo Trung ương
tổ chức đã khảo sát tại tỉnh Cà Mau về kết quả thực hiện Nghị quyết 29
về “Đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp
hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Đổi mới giáo dục là đột phá cho phát triển của tỉnh
Sau buổi sáng khảo sát tại huyện Năm Căn, Đoàn đã buổi làm việc tại Tỉnh ủy Cà Mau. Đồng chí Dương Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau và đồng chí Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì buổi làm việc.
Đánh giá kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, đồng chí Hồ Trung Việt, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau nhận định: Triển khai thực hiện Nghị quyết 29, các cấp ủy, chính quyền, các ngành và xã hội ngày càng nhận thức sâu sắc và quan tâm đặc biệt đối với công tác phát triển giáo dục và đào tạo, coi đây là bước đột phá mang tính quyết định cho sự phát triển toàn diện của tỉnh.
Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết nêu, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai thực hiện quy hoạch hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Hoạt động giáo dục và đào tạo có bước chuyển biến theo hướng chuẩn hóa, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của xã hội và đào tạo nhân lực. Quy mô, mạng lưới cơ sở trường, lớp phát triển; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từng bước được đầu tư theo hướng đạt chuẩn, tiên tiến. Công tác đào tạo nguồn nhân lực có chuyển biến tích cực. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đạt chuẩn và nâng chuẩn về trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ ngày càng nhiều. Công tác xã hội hóa giáo dục được triển khai khá đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và đạt hiệu quả ngày càng cao.
Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo, đồng chí Nguyễn Đình Luân nhấn mạnh, xác định công nghệ thông tin là điều kiện tiên quyết, đổi mới phương pháp giáo dục là then chốt, chuyển đổi của người thầy là điểm nhấn, tỉnh Cà Mau cũng đã có nhiều nỗ lực, đạt nhiều kết quả tích cực trong đổi mới giáo dục.
Còn nhiều điểm “vướng”
Nhiều ý kiến trao đổi tại buổi làm việc đều nhấn mạnh đến tính đặc thù của địa phương. Cà Mau là tỉnh nông nghiệp còn nhiều khó khăn, chưa nhiều doanh nghiệp mới, lao động chủ yếu còn thô sơ trong lĩnh vực thủy sản, lao động di dân ngày càng nhiều. Hiện, tỉnh Cà Mau đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và đang tiếp tục duy trì kết quả trên, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt trên 99,1%. Tuy nhiên, trong đó, tỷ lệ trẻ 3-4 tuổi học mầm non chỉ chiếm tỷ lệ hơn 50%. Tỷ lệ học sinh bỏ học theo cha, theo mẹ đi lao động có xu hướng tăng. Việc huy động học sinh đến trường và ngăn chặn nguy cơ bỏ học gặp nhiều khó khăn, nhất là ở cấp mầm non và giáo dục thường xuyên.
Chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về địa phương, đơn vị ở Cà Mau cũng chưa đồng bộ. Công tác xã hội hóa các hoạt động giáo dục và đào tạo chưa đồng đều, sự phối hợp giữa gia đình với nhà trường trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh chưa chặt chẽ.
Việc đổi mới nội dung, hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy năng lực và phẩm chất của người học ở Cà Mau còn nhiều lúng túng, thiếu đồng bộ; một số đơn vị trường học chưa thật sự đổi mới hình thức và phương pháp thi, việc kiểm tra, đánh giá còn theo cách cũ, ngại khó.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, bộ tiêu chuẩn về kiểm định chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia còn chồng chéo, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Đổi mới giáo dục ở địa phương: Chú trọng tính đặc thù
Các đề xuất, kiến nghị của các sở, ngành tỉnh Cà Mau đều tập trung vào những vấn đề liên quan đến các chính sách phân bổ kinh phí đầu tư cho giáo dục, kiên cố hóa trường, lớp ở những xã còn khó khăn. Các vấn đề về phổ cập giáo dục, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, xây dựng đội ngũ giáo viên giảm nơi thừa, bù nơi thiếu, xây dựng trường chuẩn cũng được bàn thảo và nhấn mạnh. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có những chính sách đặc thù hơn đối với những tỉnh đồng bằng phía Nam như Cà Mau. Trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, việc mở rộng xã hội hóa giáo dục được là hướng đi lâu dài trong đầu tư cho giáo dục…
Trước đó, sáng 22/8, Đoàn đã khảo sát tại huyện Năm Căn, lãnh đạo huyện cho hay Năm Căn hiện rất thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau cũng cho biết, tỉnh Cà Mau đang tập trung sắp xếp trường, lớp và nhu cầu biên chế sự nghiệp giáo dục trong toàn tỉnh trước thềm năm học mới 2018-2019. Mặc dù, thực tế vẫn còn thiếu nhiều giáo viên, nhất là bậc học Mầm non, việc sàng lọc giáo viên nhằm hướng đến việc sắp xếp lại, cân đối việc nơi thừa, nơi thiếu. Rà soát các trường hợp trường tự ý hợp đồng với hàng loạt giáo viên mà chưa có sự đồng ý của tỉnh, Tỉnh Cà Mau quyết định sẽ chấm dứt hợp đồng với 1.405 giáo viên thuộc diện này trước ngày 1/9/2018.
Về xóa điểm trường lẻ, theo thống kê của Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Cà Mau, trên địa bàn có 606 điểm lẻ từ Mầm non đến THCS. Điểm trường lẻ có số lớp ít nhất là một lớp với 5 học sinh. Hầu hết các điểm lẻ không được quản lý chặt chẽ. Đến nay, tỉnh đã tiến hành xóa 148 điểm trường lẻ không còn phù hợp.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận những nỗ lực trong đổi mới giáo giáo dục - đào tạo của tỉnh Cà Mau và chia sẻ với những vướng mắc do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Đồng chí cho biết, những thông tin phản ánh từ tình hình thực tiễn địa phương, những kiến nghị, đề xuất sẽ là cơ sở thực tế để Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29.
Phương Nam