Thứ Sáu, 29/11/2024
Chính sách
Chủ Nhật, 12/4/2009 6:45'(GMT+7)

Ðầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Theo Ủy ban Dân tộc, hiện cả nước có 53 dân tộc thiểu số, với gần 12 triệu người, chiếm 14% dân số cả nước. Các dân tộc thiểu số sống xen kẽ và có số dân không đồng đều, chủ yếu ở vùng rừng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, điều kiện vật chất, tinh thần khó khăn, vì vậy Ðảng, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm cho khu vực này bằng việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc của đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Giai đoạn 2001 - 2008, thông qua các chương trình, dự án, chính sách cụ thể Nhà nước đã đầu tư gần 86 nghìn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng miền núi, thực hiện giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn. Chương trình 134 thực hiện từ năm 2005 đến hết năm 2008 đã có hơn 360 nghìn hộ nghèo đồng bào dân tộc được hỗ trợ cải thiện nhà ở; 62 nghìn hộ được giải quyết đất ở; 69 nghìn hộ được hỗ trợ đất sản xuất, 135 nghìn hộ được hỗ trợ nước sạch phân tán và hơn 3.000 công trình nước sạch tập trung được xây dựng, với tổng số tiền đầu tư gần 4.500 tỷ đồng. Trong ba năm 2006 - 2008 triển khai thực hiện Chương trình 135 với tổng đầu tư hơn 8.500 tỷ đồng, đã có hơn 36 nghìn công trình hạ tầng và gần 400 trung tâm cụm xã được xây dựng. Nhờ vậy, đến nay 98,5% số xã có đường ô-tô đến trung tâm xã, 90% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm, hơn 70% số hộ được dùng điện; 81% số xã có hạng mục công trình thủy lợi nhỏ... Các công trình này đã phát huy được hiệu quả kinh tế, xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn, góp phần quy hoạch, bố trí lại dân cư cho hàng nghìn hộ dân. Sản xuất lương thực ở nhiều vùng đồng bào dân tộc đã chuyển dần sang thâm canh, góp phần tăng năng suất và sản lượng. Nhiều nơi từ sản xuất tự nhiên, tự cung, tự cấp đã chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, từ chỗ phải cứu trợ lương thực đến nay đã cơ bản bảo đảm được lương thực. Các hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển đã góp phần thu hút và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, thu nhập và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo, xã, bản nghèo giảm dần.

Tuy nhiên trước yêu cầu CNH, HÐH đất nước thì vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện cả nước còn hơn 27 xã chưa có đường ôtô đến trung tâm xã; hàng nghìn thôn, bản chưa có đường giao thông; nhiều xã chưa có trạm y tế và trường học đạt chuẩn; nhiều thôn, bản thiếu điện, chợ, điểm bưu điện-văn hóa xã, nhà văn hóa, trụ sở ủy ban... khiến cho việc tiếp cận và mức độ hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân như y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin hạn chế, và có khoảng cách khá lớn với vùng nông thôn đồng bằng. Số hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số hiện chiếm gần 64% tổng số hộ nghèo cả nước và có tỷ lệ cao ở tất cả các vùng. Ðặc biệt trong số 61 huyện nghèo nhất hiện nay, đều là các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số cá biệt có những xã, bản tỷ lệ nghèo lên tới 70-80%. Ðặc biệt do ảnh hưởng của thiên tai và khủng hoảng kinh tế trong những năm gần đây đã làm cho kết quả giảm nghèo thiếu tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn thiếu đói, nhất là vào những tháng giáp hạt hoặc sau những đợt thiên tai.

Ðể việc xóa đói, giảm nghèo nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng từng bước được cải thiện một cách vững chắc, cần tiếp tục tập trung các nguồn lực để tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội thông qua hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, đủ mạnh. Ðầu tư có trọng tâm, trọng điểm phù hợp đặc điểm địa lý, phong tục tập quán của từng vùng, từng dân tộc. Có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ, để bảo đảm hiệu quả đầu tư, nhất là đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao biên giới. Trước mắt tập trung ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu nước gay gắt vào mùa khô ở vùng khó khăn, nhất là vùng núi cao; quy hoạch, sắp xếp bố trí lại dân cư cho đồng bào dịch cư, di cư tự do, di dân ra biên giới một cách hợp lý, đồng thời làm tốt công tác tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số diện thu hồi đất ở các công trình thủy điện, thủy lợi, các công trình trọng điểm quốc gia. Về lâu dài, cần xây dựng đồng bộ hệ thống chính sách an sinh xã hội, hình thành các quỹ chống rủi ro đáp ứng nhu cầu bức xúc và khẩn cấp cho các nhóm đồng bào nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, không để xảy ra tình trạng đói đứt bữa và ngăn chặn tái nghèo./.

(Theo: Nhân dân)


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất