Từng nổi tiếng bởi câu ca "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến" và được phong là tiểu Tràng An của bốn phương, Phố Hiến Hưng Yên có nhiều nét đặc sắc, khác biệt trong hệ thống đô thị cổ Việt Nam.
Trải qua nhiều biến động của lịch sử, Phố Hiến hôm nay vẫn còn lưu giữ được một quần thể di tích khá phong phú, có giá trị độc đáo về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Trong đó, 16 di tích hợp thành "khu di tích Phố Hiến" vừa được xếp hạng "Di tích quốc gia đặc biệt".
Một thời hưng thịnh
Theo sử sách ghi lại và các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, Phố Hiến nằm sát bên bờ tả ngạn sông Hồng, có vị trí là cửa ngõ của mọi tuyến giao thương đường thủy quốc tế đặc biệt quan trọng, kết nối với nhiều nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp... Vào khoảng thế kỷ 16 - 17, Phố Hiến nổi tiếng là một thương cảng ở Đàng ngoài, với không khí nhộn nhịp, buôn bán tấp nập "trên bến dưới thuyền".
Các thuyền buôn từ các nước Đông Á, phương Tây tràn ngập thương cảng trao đổi hàng hóa, chiếm phần lớn là thuyền buôn của người Hoa, người Nhật. Hàng hóa giao thương thời ấy chủ yếu là tơ lụa, nông lâm thổ sản, gốm sành sứ, kim loại... Đất lành chim đậu, các thương gia nước ngoài đã lập thương điếm tại đất Phố Hiến để làm ăn buôn bán. Do vậy, Phố Hiến không những là một đô thị hành chính mà còn là trung tâm kinh tế thương mại sầm uất.
Cuộc sống sinh hoạt và nếp sống văn hóa của các thương gia ngoại quốc đã để lại cho nơi đây những di sản văn hóa quý giá, với những công trình mang nhiều nét kiến trúc độc đáo. Theo thời gian, cùng với những thăng trầm của lịch sử, Phố Hiến nay dù đã trở thành phế tích, nhưng vẫn còn bảo tồn, giữ gìn được hơn 100 di tích lịch sử văn hóa có giá trị. 18 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Điển hình như: đền Mây, đền Trần, đền Mẫu, Đông Đô Quảng hội, Chùa Chuông, Văn Miếu Xích Đằng... Nhiều lễ hội gắn liền với các di tích được duy trì hàng năm, tái hiện hình ảnh Phố Hiến xưa đã thu hút hàng vạn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu.
Dấu xưa còn lại
Dấu tích còn lại của Phố Hiến ngày nay là những công trình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo. Vẻ đẹp của các di tích này là sự kết tinh của nền kiến trúc thuần Việt đan xen kiến trúc Trung Hoa và các nền kiến trúc phương Tây. Trong quần thể di tích Phố Hiến, chùa Chuông là một điểm đến có vẻ đẹp nao lòng. “Trải qua bao cuộc bể dâu”, Phố Hiến dù không còn là thương cảng huyết mạch, nhưng chùa Chuông vẫn tồn tại thanh bình giữa lòng thành phố Hưng Yên, ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ cùng những dấu xưa trầm mặc. Bên trong ngôi chùa là hệ thống tượng Phật Bồ Tát, La Hán, cùng với những bức phù điêu mang giá trị nghệ thuật sống động, mô tả cảnh nhục hình dưới cõi âm, tô đậm thêm bầu không gian thiêng liêng, cổ kính.
Tọa lạc bên sông Hồng, cạnh bến đò Mây, Đền Mây được dân gian ca ngợi "Trăm cảnh nghìn cảnh không bằng Bến Lảnh, Ðò Mây". Trong cụm di tích Phố Hiến, Ðền Mây cùng với chùa Chuông là hai di tích nổi tiếng vì còn lưu giữ được phong cách kiến trúc thuần Việt. Nơi đây có 27 pho tượng cổ mang phong cách thời Hậu Lê, cùng các bức đại tự, khảm trai, kiệu bát cống, bia đá và 23 bản sắc phong của các vua triều Lê - Nguyễn. Đây là những hiện vật mang nhiều giá trị đặc sắc và vô cùng quý hiếm, thể hiện sự sáng tạo không ngừng của những nghệ nhân xưa, đã để lại cho hậu thế những giá trị mỹ thuật của một thời kỳ lịch sử vàng son.
Về Phố Hiến, du khách không thể không đến thăm đền Mẫu, ngôi đền mang nhiều nét kiến trúc rẩt riêng, thấp thoáng trong những tán cây đại thụ nằm bên bờ hồ Bán Nguyệt thơ mộng và yên bình. Tương truyền, đền Mẫu được xây dựng ở nơi có địa thế đẹp, tọa lạc trên hình đầu rồng. Sân đền được trùm phủ bởi bóng của 3 cây cổ thụ gồm: đa, sanh, si xoắn bện vào nhau rất độc đáo mà người dân vẫn gọi là cây "3 gốc".
Đền Mẫu là công trình kiến trúc cổ có quy mô tương đối lớn với nhiều mảng chạm khắc đẹp và các cổ vật mang đậm dấu ấn thời Lê - Nguyễn. Ngôi đền còn là biểu tượng cao đẹp về truyền thống nhân nghĩa của người Phố Hiến Hưng Yên. Trong dòng chảy hối hả của đời sống hôm nay, Phố Hiến với nét xưa trầm mặc cổ kính của một thời vang bóng vẫn hiện hữu hài hòa giữa lòng thành phố Hưng Yên trẻ trung, hiện đại bên bờ sông Hồng.
Người Hưng Yên hôm nay vẫn đang cố gắng bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị của Phố Hiến cổ. Với những giá trị và tiềm năng vốn có, Phố Hiến được công nhận là "di tích quốc gia đặc biệt" sẽ tạo đà cho Hưng Yên có vị thế nhất định về văn hóa du lịch, mở ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh nằm vùng kinh tế trọng điểm khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Theo báo Tin tức