Những văn kiện của Đảng và Nhà nước đã soi đường chỉ lối cho những người làm công tác thể dục thể thao phấn đấu xây dựng một nền thể dục thể thao phát triển và tiến bộ, mang đậm tính dân tộc, khoa học, đại chúng và nhân dân. Những văn kiện ấy đã đặt nền tảng cơ bản về quan điểm, tư tưởng, về xây dựng tổ chức, về hoạt động thể dục thể thao (TDTT) qua các thời kỳ, hướng TDTT phục vụ đắc lực nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc, góp phần nâng cao sức khỏe cho nhân dân, rèn luyện con người mới phát triển toàn diện.
Tiếp nối các văn kiện của Đảng về công tác TDTT, trong thời kỳ phát triển mới của đất nước với bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, về phương hướng phát triển TDTT, Đại hội lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định các quan điểm nhất quán của Đảng trên lĩnh vực công tác TDTT, báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình bày tại Đại hội XII nêu rõ: “Phát triển thể dục thể thao toàn dân để góp phần nâng cao sức khỏe cho nhân dân, đồng thời làm cơ sở để phát triển thể thao thành tích cao”; Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm, xây dựng chiến lượng phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Đẩy mạnh phát triển sự nghiệp thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe cho người dân cả về thể chất, tin thần, tầm vóc, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống”.
Tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 1/12/2011 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ TDTT đến năm 2020” (Nghị quyết 08), được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội, với những nỗ lực của toàn ngành Thể dục thể thao, công tác TDTT đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào thành tích chung trong sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch trong việc chuẩn bị bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, kết quả được thể hiện một số nét chính như sau:
Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác TDTT đã được nâng lên rõ rệt, do vậy, các cấp ủy, chính quyền tăng cường chỉ đạo, đầu tư và phát triển phong trào TDTT. Ở nhiều địa phương, các cấp uỷ đảng, chính quyền đã coi trọng việc sử dụng TDTT như là một công cụ hữu hiệu để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hoá mới, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, có hơn 95% số trường học trên cả nước đã thực hiện chương trình giáo dục thể chất chính khóa, 75% số trường có hoạt động TDTT ngoại khóa và số học sinh, sinh viên tham gia tập luyện TDTT ngoại khóa đạt hơn 70%; trong quá trình xây dựng chương trình môn học giáo dục thể chất (GDCT) đã từng bước được mở rộng, trong đó, có các nội dung tự chọn, có sự liên thông giữa các bậc học theo nguyên tắc kế thừa và phát triển; chương trình giảng dạy môn học GDTC đã có nhiều đổi mới về mục tiêu, nội dung và phương pháp, cung cấp được một phần về kiến thức, kĩ năng vận động, hình thành thói quen tập luyện TDTT cho học sinh và xây dựng lối sống lành mạnh, giáo dục đạo đức, ý chí; giúp học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào hoạt động thường ngày, nhằm nâng cao sức khỏe và hoàn thiện thể chất, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Phong trào TDTT quần chúng ở cơ sở tiếp tục được phát triển rộng trên tất cả các đối tượng và địa bàn theo hướng xã hội hóa với nhiều hình thức đa dạng; chất lượng phong trào từng bước được nâng lên. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Chương trình xây dựng nông thôn mới” tiếp tục được mở rộng, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng, góp phần nâng cao sức khoẻ, xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh ở cơ sở; chỉ đạo, phối hợp với các ngành, địa phương tuyên truyền, phát động và tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và phong trào toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước,... Hoạt động TDTT của người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm hơn; các phương pháp dưỡng sinh cổ truyền, các trò chơi dân gian và một số môn thể thao dân tộc được khôi phục và phát triển mạnh mẽ.
Năm 2020, số người tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn quốc đạt 33,6%; số gia đình tập luyện TDTT đạt 25%; số câu lạc bộ thể thao: 73.155 CLB; số cộng tác viên thể thao: 65.611 người.
|
Thể thao thành tích cao có bước tiến bộ vượt bậc, thể hiện qua số lượng, cơ cấu huy chương đã đạt được tại các kỳ đại hội thể thao. Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao lớn, tạo tiền đề và cơ sở để đăng cai các kỳ SEA Games và Đại hội thể thao châu Á (ASIAD).
Cơ sở vật chất kỹ thuật được nâng cấp và xây dựng mới cả ở cấp trung ương và địa phương; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thể dục thể thao tiếp tục được tăng cường và mở rộng theo hướng thiết thực và hiệu quả, vị thế của thể thao Việt Nam đã được nâng cao,...
Đạt được những thành tựu trên là nhờ có sự phấn đấu nỗ lực của đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân, của Ngành thể dục thể thao; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự tham gia tích cực và có hiệu quả của các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức kinh tế và đông đảo nhân dân. Có thể khẳng định rằng, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, TDTT nước ta có những đóng góp tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội và đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu xuất sắc giành 98 HCV, 85 HCB, 105 HCĐ, xếp vị trí thứ thứ 2/11 quốc gia tham dự SEA Games 30, đặc biệt đội tuyển Bóng đá U22 nam lần đầu tiên trong lịch sử vô địch SEA Games, đội tuyển bóng đá nữ lần thứ 6 vô địch SEA Games và nhiều thành tích xuất sắc của các đội thể thao tham dự SEA Games 30.
Các đội tuyển bóng đá thi đấu xuất sắc, như: Đội tuyển Bóng đá nữ vô địch Đông Nam Á, đội tuyển U23 Việt Nam xếp vị trí nhất bảng K và giành quyền thi đấu vòng chung kết tại giải vô địch U23 châu Á năm 2020 và giành HCB giải Bóng đá King Cup 2019 tại Thái Lan.
Đội tuyển Taekwondo giành 1HCV, 1 HCB, 1 HCĐ tại giải GranPrix thế giới và 26HCV, 20HCB, 43HCĐ tại vô địch trẻ ĐNA.
Đội tuyển Aerobic giành 3 HCV, 3HCB, 3 HCĐ tại giải Cup Suzuki thế giới.
Đội tuyển Cử tạ giành 6 HCV, 4 HCB tại giải Cup thế giới, 3 HCV, 3 HCB tại giải vô địch trẻ thế giới và 3 HCV, 2 HCV, 4HCĐ tại giải vô địch châu Á.
Đội tuyển Thể dục dụng cụ giành 1HCV, 1HCB, 1HCĐ tại giải Cup trẻ thế giới.
Đội tuyển Điền kinh giành 1 HCV tại giải vô địch châu Á và 7 HCV, 9HCB, 12 HCĐ tại giải vô địch trẻ ĐNA.
Đội tuyển Cờ vua giành 1HCV, 2HCB tại giải vô địch châu Á,….
|
Trong năm qua, công tác TDTT đã đạt được những thành tích đáng phấn khởi, song vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác TDTT ở một số địa phương và ngành chưa được quan tâm đúng mức; phong trào TDTT phát triển chưa sâu rộng, nhất là ở nông thôn, miền núi và ở các khu công nghiệp; công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong HS,SV kết quả đạt chưa như mong muốn; văn minh, văn hóa trong thể thao và hưởng thụ thể thao còn thấp, tiêu cực trong thể thao vẫn còn; các nguồn lực đầu tư cho TDTT còn hạn hẹp,…
Để khắc phục những hạn chế, nhằm đẩy mạnh công tác thể dục thể thao theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, trong thời gian tới cần tập trung một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về công tác TDTT, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác TDTT.
Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học, bộ phận quan trọng của phong trào TDTT; đồng thời, triển khai có hiệu quả “Ðề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học”; phát triển mạnh các hoạt động thể thao của học sinh, sinh viên bảo đảm mục tiêu phát triển thể lực toàn diện và kỹ năng vận động cơ bản của học sinh, sinh viên góp phần đào tạo năng khiếu và tài năng thể thao,…
Ba là, đẩy mạnh hoạt động TDTT quần chúng thông qua phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu đô thị văn minh. Phát triển các môn thể thao dân tộc và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong các hoạt động TDTT; chú trọng phát triển TDTT trong lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Bốn là, nâng cao hiệu quả đào tạo tài năng thể thao, chú trọng đội ngũ kế cận có chất lượng; phát triển các trường, lớp năng khiếu thể thao ở các tỉnh, thành phố. Tiếp tục mở rộng quy mô và hiện đại hóa các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Đổi mới tổ chức, quản lý thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp; ưu tiên đầu tư của Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo vận động viên các môn thể thao, nhất là những môn thể thao trọng điểm,…
Năm là, tích cực và chủ động thể chế hoá các chủ trương của Đảng, nhằm tạo dựng các hành lang pháp lý để tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá TDTT và thu hút mọi nguồn lực của xã hội, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia phát triển sự nghiệp TDTT,…
Sáu là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài và cán bộ TDTT, đặc biệt, là công tác giáo dục chính trị, tư tuởng cho các vận động viên, huấn luyện viên trong các đội tuyển quốc gia, với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng.
Bảy là, các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác TDTT, nhất là TDTT cơ sở; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác TDTT; xây dựng tổ chức và bố trí cán bộ có phẩm chất và năng lực để lãnh đạo, quản lý công tác TDTT, trong đó, chú trọng cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ về TDTT tham gia cơ cấu lãnh đạo, quản lý.
Tám là, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết tại các cấp, các ngành, các địa phương, trên cơ sở đó, tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị./.
TS. Phạm Thanh Cẩm
Ban Tuyên giáo Trung ương