Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 498/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Thường trực Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia.
Thông báo nêu: Trong 9 tháng của năm 2024, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu đi lại tăng cao đã tạo áp lực lớn đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình trật tự an toàn giao thông về cơ bản được bảo đảm.
(Ảnh minh họa).
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN VÀ ỨNG DỤNG KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ, THIẾT BỊ KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ
Về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tiếp tục thực hiện tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm TTATGT.
Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, hệ thống camera giám sát để phát hiện và xử lý vi phạm, tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.
Đồng thời, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan có liên quan xây dựng Đề án tổng thể lập lại TTATGT tại thành phố Hà Nội, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trong tháng 12/2024.
Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong các cơ sở giáo dục; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về TTATGT, nhất là những hành vi có nguy cơ gây tai nạn đối với lứa tuổi học sinh, trong quá trình thực hiện phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục, chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục để cùng quản lý; có nội dung chương trình giảng dạy cả kiến thức về TTATGT, kỹ năng về thực hành điều khiển phương tiện đối với lứa tuổi học sinh được phép sử dụng xe gắn máy theo quy định của pháp luật.
Hà Nội thông qua Đề án phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt điện.
Bộ Giao thông vận tải tiếp tục hoàn thiện, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy hoạch về bảo đảm TTATGT như: Hành lang giao thông, thiết kế hạ tầng, kết cấu giao thông, cảnh báo, biển báo, phương tiện giao thông… theo chức năng nhiệm vụ.
Tiếp tục rà soát, xử lý các "điểm đen", "điểm tiềm ẩn" tai nạn giao thông; khắc phục các hư hỏng của kết cấu hạ tầng giao thông do mưa, lũ gây ra; ưu tiên hệ thống báo hiệu, chiếu sáng, tăng cường tường phòng hộ, xây dựng các đường, hốc cứu nạn đối với các tuyến đường đèo dốc, vực sâu nguy hiểm.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, đôn đốc các Sở Giao thông vận tải tăng cường quản lý vận tải; bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép điều khiển phương tiện; xây dựng các cơ sở dữ liệu ngành giao thông vận tải để phục vụ công tác quản lý nhà nước và bảo đảm TTATGT.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn thiện chương trình, nội dung, hình thức giáo dục, giảng dạy về TTATGT cho học sinh các cấp; xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai Kế hoạch hành động về "Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông" đối với học sinh trên phạm vi toàn quốc; tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của địa phương; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, chính quyền địa phương, gia đình để quản lý học sinh trong việc chấp hành các quy định về TTATGT.
Bộ Y tế tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải trong ứng phó với các vụ tai nạn giao thông; thành lập lực lượng cấp cứu ngoại viện, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xây dựng tăng cường tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, tuyên truyền Kế hoạch số 282/KH-UBATGTQG ngày 29 tháng 9 năm 2024 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về thực hiện quy định của pháp luật "Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông".
Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tăng cường phối hợp với Bộ Công an trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ tai nạn giao thông; nghiên cứu, xây dựng các án lệ về một số trường hợp vi phạm TTATGT điển hình, nhằm góp phần xử lý nghiêm các vi phạm, tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác của người dân trong chấp hành pháp luật về TTATGT.
Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng điều khiển xe gắn máy an toàn cho học sinh.
Các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật TTATGT đến phường, xã, thị trấn, tổ dân phố; phát huy hiệu quả hệ thống đài truyền thanh cơ sở; đổi mới phương thức tuyên truyền, xây dựng văn hoá giao thông theo tổ chức, gắn với vai trò nêu gương của người đứng đầu; tập trung xây dựng văn hoá giao thông an toàn trong đơn vị kinh doanh vận tải, doanh nghiệp, khu công nghiệp có đông công nhân, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ, nhóm tự quản tham gia bảo đảm TTATGT tại cộng đồng dân cư.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, bộ, ngành về công tác bảo đảm TTATGT; xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể, chi tiết phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, đặc biệt là cấp cơ sở.
KHẨN TRƯƠNG HOÀN THÀNH ĐỀ ÁN KIỆN TOÀN MÔ HÌNH CỦA ỦY BAN AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC GIA
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành có liên quan rà soát về cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn, xây dựng Đề án kiện toàn mô hình của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới (hoàn thành trong tháng 11 năm 2024). Trong đó: Kiện toàn mô hình các cấp từ cấp trung ương đến cơ sở (huyện, xã, phường), rà soát bổ sung một số cơ quan của Đảng, cơ quan của Quốc hội, cơ quan về an ninh hàng không (ACV) vào thành phần Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
Kiện toàn tổ chức, quy chế hoạt động, mở rộng phạm vi của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đối với tất cả các lĩnh vực của ngành giao thông vận tải (hình thành các tiểu ban kỹ thuật gắn với từng lĩnh vực). Các đồng chí lãnh đạo, Ủy viên thường trực là lãnh đạo các bộ, cơ quan có liên quan thường xuyên, trực tiếp đến công tác bảo đảm TTATGT, phân công nhiệm vụ, cụ thể hoá trách nhiệm cho từng bộ, ngành, cơ quan là thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
Nghiên cứu, xây dựng các quyết sách, mang tính đột phá để giải quyết được những vấn đề lớn, phức tạp, có tính liên ngành về an toàn giao thông. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia với các bộ, ngành, địa phương; cập nhật và thống nhất kế hoạch giữa các cấp, các ngành, các địa phương và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; tăng cường theo dõi, nắm tình hình, kiểm tra kết quả thực hiện của các bộ, ngành, địa phương… bảo đảm sự đồng bộ và hiệu quả trong quá trình triển khai nhiệm vụ bảo đảm TTATGT./.
VÂN KHÁNH