Thứ Bảy, 28/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 8/1/2009 22:7'(GMT+7)

Đẩy mạnh hợp tác Việt – Lào trên nhiều lĩnh vực

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: Chinhphu.vn

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: Chinhphu.vn

Kỳ họp lần thứ 31 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Lào (UBLCP) về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật diễn ra từ ngày 4 đến 8/1/2009. Tại phiên họp chính thức sáng 8/1, Đoàn đại biểu Chính phủ hai nước đã trao đổi và thống nhất ghi nhận về tình hình thực hiện hợp tác các lĩnh vực trên trong năm 2008, trao đổi phương hướng nhiệm vụ hợp tác năm 2009.

Trên cơ sở Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giai đoạn 2006 – 2010 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào ký ngày 4/1/2006 tại Viêng Chăn, thủ đô nước CHDCND Lào và Hiệp định hợp tác năm 2008, hai bên đã triển khai thực hiện nhiều thỏa thuận, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh. Các Bộ, ngành, địa phương hai bên đã có nhiều hoạt động phối hợp, hỗ trợ nhau dưới nhiều hình thức đa dạng và hiệu quả, hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa hai nước đạt được nhiều kết quả tích cực.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Phiên họp lần này của UBLCP Việt Lào diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động và ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Việt Nam cũng như Lào. Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ hai nước, thông qua UBLCP, hợp tác chặt chẽ hơn nữa để vượt qua những khó khăn trong năm 2009 để đạt được hiệu quả trong hợp tác song phương.

Quan hệ hợp tác đầu tư Việt – Lào chuyển biến tích cực

Phó Thủ tướng Lào Somsavath Lengsavath cho rằng mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng hai bên đã đạt những thành quả nhất định trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, quan hệ thương mại, đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực. Kim ngạch xuất khẩu hai chiều 10 tháng đầu năm 2008 đạt 374,4 triệu USD, cả năm 2008 đạt khoảng 450 triệu USD, tăng 44% so với năm 2007. Hoạt động đầu tư tại Lào của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tăng. Từ năm 2001 đến nay, Việt Nam là nước thứ 3 đầu tư vào Lào sau Thái Lan và Trung Quốc. Riêng trong năm 2008, Việt Nam đứng đầu danh sách các nước đầu tư vào Lào.

Các cơ chế nhằm tạo thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hóa giao thương giữa hai nước đã bước đầu phát huy hiệu quả, thực sự góp phần đẩy mạnh hợp tác đầu tư thương mại giữa hai bên

Hợp tác giáo dục đào tạo được hai bên chú trọng, số học sinh Lào du học tại Việt Nam năm 2008 với hơn 700 người, tăng 12% so với năm 2007, tăng 10,8% so với thỏa thuận từ đầu năm.

“Tuy nhiên, kết quả hợp tác giữa hai nước còn chưa tương xứng với tiềm năng, quan hệ và các ưu đãi mà hai nước dành cho nhau.”, Phó Thủ tướng Lào nhấn mạnh.

Mở rộng các mặt hàng hưởng thuế suất nhập khẩu 0%

Lễ ký kết Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam và Lào năm 2009 - Ảnh: Chinhphu.vn

Tại phiên họp này, UBLCP Việt Nam – Lào khẳng định quyết tâm không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thời kỳ mới; tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu đã thỏa thuận tại Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ giai đoạn 2006 – 2010.

Hai bên thống nhất thúc đẩy phối hợp xây dựng kế hoạch hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp hai nước vào mỗi nước trong những năm tới; tiếp tục dành ưu tiên ưu đãi về thuế suất thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ hai nước, nghiên cứu mở rộng danh mục các mặt hàng được hưởng thuế suất bằng 0%. Kể từ năm 2009 trở đi, danh mục hàng hóa đã được hưởng ưu đãi giảm thuế từ 0% đến 50% của hai bên sẽ tiếp tục được áp dụng cho những năm tiếp theo.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, hợp tác giáo dục đào tạo phải là ưu tiên số một. Không chỉ đào tạo học sinh, sinh viên mà còn đào tạo cán bộ các cấp trong bộ máy quản lý; mở rộng hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực đào tạo, đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế, xã hội của Lào và Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo của hai nước cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm về chất lượng đào tạo trong những năm qua để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu, hai bên thúc đẩy xây dựng các dự án đã được khởi công và các dự án đã ký hợp đồng theo đúng tiến độ; tăng cường hợp tác ở các vùng cửa khẩu. Bộ Công Thương 2 nước cần đưa ra danh mục yêu cầu tăng trưởng đầu tư, phát triển thương mại giữa hai nước. Hai Bộ Ngoại giao cần thúc đẩy nhanh hơn việc cắm mốc biên giới giữa hai quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác toàn diện.

Kết thúc phiên họp lần thứ 31, UBLCP hai nước đã tiến hành ký kết Biên bản kỳ họp và Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào năm 2009. Hiệp định gồm 9 điều bao gồm về vốn hợp tác phát triển; đào tạo nâng cao chất lượng phát triển nguồn nhân lực; hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, tài nguyên và môi trường, thương mại, tài chính, ngân hàng…

Theo Kiều Liên-Cổng Thông tin CP

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất