Thứ Bảy, 28/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 3/4/2014 10:38'(GMT+7)

Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Tiến trình cổ phần hóa DNNN trong thời gian qua còn chậm so với kế hoạch. Nguồn: internet

Tiến trình cổ phần hóa DNNN trong thời gian qua còn chậm so với kế hoạch. Nguồn: internet

Sáng ngày 02/4, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương phối hợp Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Hội nghị ''Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương đến năng 2015''. Dự Hội nghị có đồng chí Vũ Văn Ninh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng đại diện lãnh đạo Bộ quản lý ngành của các đơn vị trong Khối DNTW; đại diện lãnh đạo các Ban Đảng Trung ương, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và Văn phòng Chính phủ…

Báo cáo tại hội nghị đồng chí Nguyễn Văn  Ngọc – Phó Bí thư Đảng uỷ khối nêu rõ: Thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Trung ương Đảng, Chính phủ về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, 3 năm qua các cấp ủy Đảng trong Khối DNTW đã tập trung lãnh đạo các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối tổ chức thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu đạt được một số kết quả. Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối đã ban hành Kết luận số 13 KL/ĐUK, ngày 3/1/2014 về tái cơ cấu tập đoàn, TCT, ngân hàng trong Khối; thông qua Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp của các tập đoàn, tông công ty, ngân hàng trong Khối DN Trung ương'. Các đảng uỷ trực thuộc đã tổ chức hội nghị quán triệt và ban hành các kết luận, chương trình hành động để chỉ đạo triển khai công tác tái cơ cấu doanh nghiệp.

Đảng bộ Khối có 32 tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng, trong giai đoạn 2011 - 2015 có 28 đơn vị thuộc đối tượng cần xây dựng đề án tái cơ cấu. Đến nay toàn bộ 28 đơn vị trong diện xây dựng đề án cơ cấu đều đã hoàn thành xây dựng đề án, trong đó có 24 đơn vị đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu (18 đề án do Thủ tướng phê duyệt và 06 đề án do các Bộ chủ quản phê duyệt). Còn 4 đơn vị đã trình đê án, đang tiếp thu, hoàn thiện và chờ được phê duyệt là: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam. Theo đề án, tất cả 24 đơn vị được tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con, trong đó có 15 công ty mẹ Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, có 9 công ty mẹ cần tiến hành cổ phần hoá. Đến nay có 3 công ty mẹ đã cổ phần hóa là Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam; các công ty mẹ sẽ cổ phần hóa trong năm 2014 là: Tập đoàn Dệt may, Tổng công ty Hàng không. Năm 2015 cần cổ phần hoá 4 công ty mẹ của các tổng công ty còn lại là: Tổng công ty Hàng Hải, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị, Tổng công ty CN Xi-măng.

Về thoái vốn, đồng chí Nguyễn Văn  Ngọc – Phó Bí thư Đảng uỷ khối cho biết: Tổng số DN cần thực hiện thoái toàn bộ vốn nhà nước theo đề án là 642 doanh nghiệp, số đã thực hiện thoái vốn xong kể từ khi đề án được duyệt là 167 doanh nghiệp, tổng số vốn đã thoái thu về đạt trên 7,8 nghìn tỷ đồng. Từ nay đến năm 2015 còn cần tiếp tục thoái vốn toàn bộ tại 472 doanh nghiệp. Công tác kiện toàn tổ chức Đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp được quan tâm thực hiện đồng bộ. Mô hình tổ chức đảng và phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng được nghiên cứu đổi mới cho phù hợp với doanh nghiệp sau tái cơ cấu. Tổ chức và hoạt động của các đoàn thể trong doanh nghiệp tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh.

Cần đề ra các giải pháp để khắc phục những hạn chế để làm tốt tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước

Đảng ủy Khối đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối giai đoạn 2014 - 2015, trọng tâm là hoàn thành cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà nhà nước không cần nắm giữ tại doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả. Chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối, đảm bảo chỉ tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính và các ngành nghề liên quan đã được phê duyệt trong đề án tái cơ cấu. Kiện toàn cán bộ quản lý, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tăng thu nộp ngân sách nhà nước hằng năm. Đối mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp cho phù hợp với mô hình tổ chức doanh nghiệp sau tái cơ cấu.

Chỉ đạo các đảng uỷ trực thuộc xây dựng chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối khẩn trương, quyết liệt thực hiện triển khai đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Theo dõi, nắm bắt tình hình công tác chỉ đạo của các đảng uỷ trực thuộc và các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp thuộc Khối trong thực hiện tái cơ cấu để kịp thời báo cáo, đề xuất, kiến nghị với Trung ương và Chính phủ có giải pháp tháo gỡ. Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về đẩy mạnh tái cơ câu các doanh nghiệp trong Khối để tăng cường chỉ đạo và tạo điều kiện chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong triển khai đề án tái cơ cấu.

Phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức nghiên cứu, tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành qui định về mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các đảng uỷ trực thuộc về chỉ đạo thực hiện đề án tái cơ cấu và về thực hiện các Nghị quyết, Kết luận, văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về tái cơ cấu.

Đề cao trách nhiệm đảng viên trong chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu. Các đảng viên là người đứng đầu cấp uỷ, đảng viên là lãnh đạo doanh nghiệp để chậm trễ hoặc không nghiêm túc tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu, hoặc thực hiện không có kết quả, hoặc không báo cáo đầy đủ, kịp thời về tình hình thực hiện Đề án thì được xác định là đảng viên không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, bị xử lý nghiêm theo các qui định của Đảng.

Đối với các đảng uỷ trực thuộc, tiếp tục quán triệt sâu sắc các Nghị quyết, Kết luận, văn bản chỉ đạo về tái cơ cấu của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Đảng uỷ Khối, Bộ quản lý ngành và các bộ, ngành liên quan, làm tốt công tác tư tưởng, tạo ra sự nhất trí cao về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Xây dựng chương trình, kế hoạch chỉ đạo công tác tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu được phê duyệt, phân công các đồng chí trong cấp uỷ chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc thực hiện từng nội dung tái cơ cấu cụ thể, gắn kết quả chỉ đạo thực hiện với việc đánh giá, xếp loại đảng viên cuối năm.

Chỉ đạo, đôn đốc xây dựng kế hoạch triển khai đề án tái cơ cấu sau khi được phê duyệt, đặc biệt là kế hoạch, tiến độ cổ phần hoá (bao gồm cả mốc thời gian cho từng bước công việc) và kế hoạch, tiến độ thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính theo hướng bảo đảm nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, hiệu quả và hoàn thành thoái vôn trước ngày 31/12/2015.

Quyết liệt chỉ đạo và tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu, tập trung vào cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước, tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh, kiện toàn cán bộ quản lý, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, trong đó đảm bảo cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước theo đúng tiến độ và trọng tâm hàng đầu.

Chỉ đạo hoàn thành sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Điều lệ và hệ thống các quy chế quản lý; kiểm soát nội bộ, quy chế về công tác cán bộ; Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu, tăng cường trách nhiệm, quyền hạn và chỉ đạo của đơn vị đối với người đại diện vốn của công ty mẹ trong các doanh nghiệp khác.

Đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trước hết là trách nhiệm của đảng viên là lãnh đạo cấp uỷ và doanh nghiệp, xử lý nghiêm về kỷ luật đảng đối với những đảng viên không chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hoặc thực hiện không có kết quả đề án tái cơ cấu và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp. Định kỳ hàng quý, năm báo cáo với Đảng uỷ Khối tình hình chỉ đạo và kết quả thực hiện các nội dung của đề án tái cơ cấu, giải trình cụ thể những nội dung không đạt tiến độ đề ra và biện pháp khắc phục. Kịp thời báo cáo với Đảng ủy Khối và Bộ quản lý ngành những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong triển khai đề án và các đề xuất, kiến nghị nếu có./.

Vân Khánh


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất