Chủ Nhật, 24/11/2024
Hoạt động y tế
Chủ Nhật, 11/9/2016 17:19'(GMT+7)

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để hạn chế tình trạng trục lợi quỹ BHYT

Bệnh viện Đa khoa Mường La (Sơn La) đã áp dụng CNTT quản lý bệnh nhân điều trị bằng thẻ BHYT.

Bệnh viện Đa khoa Mường La (Sơn La) đã áp dụng CNTT quản lý bệnh nhân điều trị bằng thẻ BHYT.

Phóng viên (PV): Thưa ông, ông có thể cho biết tình hình sử dụng quỹ chi trả KCB BHYT của các địa phương trong 6 tháng đầu năm?

Ông Phạm Lương Sơn: Trong 6 tháng đầu năm, tình hình chi phí KCB BHYT gia tăng bất thường, chưa bao giờ chúng ta có tốc độ gia tăng chi phí lớn đến như thế. Tổng quỹ KCB BHYT 6 tháng đầu năm 2016 được giao là 28.220 tỷ đồng, nhưng tổng chi đã lên tới 30.372 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 42% dự toán Chính phủ giao. Đã có 37 tỉnh, thành phố có số chi vượt quỹ KCB được giao, tăng 22 tỉnh, thành phố so với cùng kỳ năm 2015, với số tiền bội chi tăng thêm 2.897 tỷ đồng. Nhiều tỉnh, thành phố có số vượt quỹ 6 tháng đầu năm là rất lớn (hơn 100 tỷ đồng) gồm: Thanh Hóa 370 tỷ đồng, Nghệ An 351 tỷ đồng, Quảng Nam 238 tỷ đồng, Cà Mau 221 tỷ đồng, Thái Bình 213 tỷ đồng, Đà Nẵng 167 tỷ đồng, Bắc Giang 142 tỷ đồng, Phú Thọ 125 tỷ đồng, An Giang 116 tỷ đồng, Hải Dương 115 tỷ đồng, Bình Định 109 tỷ đồng, Quảng Ninh 102 tỷ đồng.

PV: Nguyên nhân bội chi quỹ KCB BHYT do đâu, thưa ông?

Ông Phạm Lương Sơn: Có thể kể đến 3 nhóm nguyên nhân, nhóm nguyên nhân thứ nhất là gia tăng cơ học, nghĩa là tăng số đối tượng tham gia BHYT lên thì đương nhiên chi phí KCB cũng phải tăng theo. Nhóm nguyên nhân thứ hai thuộc về yếu tố khách quan, đó là việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, chúng ta mới điều chỉnh giá dịch vụ y tế từ 1-3, nghĩa là mới chỉ có 4 tháng thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế nhưng đã có sự gia tăng chi phí hết sức lớn. Như vậy là có chút bất thường. Nhóm nguyên nhân thứ ba, đó là tác động của những yếu tố mới, quy định mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Trong đó đáng nói nhất là chế độ KCB thông tuyến ở tuyến huyện, ở các cơ sở KCB, từ trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực cho đến các bệnh viện huyện trong địa bàn tỉnh.

PV: BHXH Việt Nam đã có những biện pháp nào để kiểm soát được chi phí một cách hợp lý?

Ông Phạm Lương Sơn: Giải pháp quan trọng nhất mà BHXH Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh đó là áp dụng công nghệ thông tin. Từ 29-6-2016, hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam với gần 14.000 cơ sở KCB trên cả nước đã chính thức được khai trương và đi vào hoạt động. BHXH Việt Nam sẽ tổ chức thực hiện tốt việc kết nối liên thông dữ liệu giữa cơ sở KCB và cơ quan BHXH để phục vụ việc giám định, thanh toán BHYT theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Kịp thời phát hiện những trường hợp đi khám, chữa bệnh nhiều lần để tránh chỉ định trùng, đồng thời việc giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT sẽ thuận lợi hơn, dễ dàng hơn khi có đầy đủ dữ liệu trên phần mềm giám định, bảo đảm thanh toán đúng quy định. Yêu cầu lãnh đạo BHXH tỉnh cập nhật tình hình liên thông dữ liệu hằng ngày, kịp thời yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện ngay khi bệnh nhân ra viện và từ chối thanh toán đối với cơ sở KCB không thực hiện việc liên thông dữ liệu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; theo dõi chi KCB BHYT phát sinh hằng tuần, hằng tháng trên Hệ thống thông tin giám định BHYT để điều hành, chỉ đạo công tác giám định BHYT, tổ chức kiểm tra ngay các đơn vị phát sinh chi phí tăng cao bất thường.

PV: Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT hiện nay như thế nào, thưa ông?


Ông Phạm Lương Sơn: Hiện nay, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT đang diễn ra ở nhiều nơi và ngày càng tinh vi, một số cơ sở khám, chữa bệnh đã lợi dụng những kẽ hở trong chính sách, trong đó có việc lợi dụng chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT và những chính sách khác trong khám, chữa bệnh hoặc việc cơ quan BHXH hiện nay còn thiếu nhân lực, thiếu phương tiện hữu hiệu kiểm tra, giám sát để lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. BHXH các tỉnh phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan chức năng cần tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; thông tin kịp thời cho các cơ quan chức năng về những hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh để xử lý theo quy định của pháp luật; yêu cầu cơ sở KCB tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh, tinh thần phục vụ người bệnh, có trách nhiệm kiểm tra, khai thác tiền sử KCB của người bệnh để tránh cấp thuốc điều trị trùng nhau…

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

Nguồn: QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất