Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 1/12/2008 14:15'(GMT+7)

ĐBSCL: Đô thị, khu công nghiệp "nuốt" đồng lúa

Khu đô thị đang "nuốt" dần đất trồng lúa. Ảnh www.vietnamplus.vn

Khu đô thị đang "nuốt" dần đất trồng lúa. Ảnh www.vietnamplus.vn

Khu, cụm công nghiệp làm "bốc hơi" đất nông nghiệp

Theo thống kê của ngành chức năng, tính đến nay Đồng bằng sông Cửu Long đã có 134 khu, cụm công nghiệp thuộc cấp tỉnh và cấp huyện, trong đó Đồng Tháp có đến 18 khu, cụm công nghiệp được quy hoạch.

Thành phố Cần Thơ có 4 khu công nghiệp, chiếm diện tích trên 1000ha, nhưng hiện nay mới chỉ có khu công nghiệp Trà Nóc là có sức thu hút các nhà đầu tư. Tỉnh Hậu Giang, sau khi chia tách từ tỉnh Cần Thơ (cũ) dù còn nhiều khó khăn cũng đã "gồng mình" quy hoạch 3 khu công nghiệp và nhiều cụm công nghiệp ở các huyện, thị xã. Tỉnh Cà Mau, nơi còn rất thiếu sức hút đầu tư, cũng đã quy hoạch 4 khu công nghiệp.

Tuy nhiên, các khu công nghiệp ở khu vực sau khi quy hoạch từ đất nông nghiệp hiện nay hầu hết đều vắng vẻ. Toàn vùng chỉ có 4 khu công nghiệp đã lấp đầy 100% diện tích, còn lại vẫn dừng lại ở tỷ lệ 10-50% do triển khai chậm hoặc không có nhà đầu tư.

Những dự án đô thị đang hình thành với tốc độ chóng mặt cũng là "thủ phạm" khiến đất sử dụng cho nông nghiệp ngày càng thu hẹp.

Tại huyện Bình Minh (Vĩnh Long) - một vùng chuyên canh nông nghiệp nổi tiếng, ngay từ khi triển khai dự án cầu Cần Thơ, chính quyền tỉnh đã quy hoạch thành những khu dân cư, đô thị theo kiểu "đón đầu" dự án. Theo quy hoạch của tỉnh, khu công nghiệp Bình Minh được xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp rộng 130ha nhưng 4 năm qua khu công nghiệp này vẫn chưa nên hình và chưa có nhà xưởng nào mọc lên. Hiện chỉ có Công ty cổ phần địa ốc Hoàng Quân Mêkông xin đầu tư tại đây nhưng lại xin bổ sung mục đích đầu tư là xây dựng khu nhà chuyên gia thuộc đô thị Bình Minh.

Thành phố Cần Thơ cũng là một điển hình của phong trào đô thị hóa gây lãng phí đất nông nghiệp rất lớn. Từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo Cần Thơ đã phê duyệt hàng loạt dự án khu đô thị ở những nơi trước đây là vùng chuyên canh sản xuất lúa. Chỉ riêng tại khu đô thị Nam Cần Thơ đã có 2000ha đất nông nghiệp bị quy hoạch và hơn 1000ha đã được giao đất cho các chủ đầu tư. Giao đất tràn lan đã gây xáo trộn rất lớn đến đời sống của nông dân. Người dân đổ xô bỏ ruộng vườn bán đất. Những doanh nghiệp ào ạt đăng ký để "xí chỗ", nhưng không triển khai dự án, làm cho diện tích bị thu hồi bỏ hoang nhiều năm.

Ở tỉnh Cà Mau, hàng loạt dự án quy hoạch khu, cụm công nghiệp, khu đô thị trong 8 năm qua cũng đã "nuốt chửng" hơn 120.000ha đất nông nghiệp, đưa diện tích đất nông nghiệp từ trên 200.000ha nay xuống còn 80.700ha.

Ngoài ra, việc quy hoạch và phát triển sân golf ồ ạt trong thời gian gần đây ở nhiều tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã nuốt chửng hàng ngàn ha đất nông nghiệp. Điều đáng nói là phần lớn các dự án đều trở thành dự án "treo" và đang bỏ hoang hóa, khó triển khai, trong khi nông dân phải "ly nông, ly hương", đặt ra hàng loạt vấn đề thách thức ở vùng chuyên canh lúa lớn nhất cả nước.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 12,85%, trong đó có 99 % hộ nghèo là do không có đất sản xuất hoặc ít đất.

Cần chấn chỉnh lại quy hoạch

Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, việc phát triển khu, cụm công nghiệp tràn lan, làm thu hẹp đất trồng lúa hiện nay đang cần được báo động. Hiện nay, mỗi năm cả nước mất khoảng 70.000ha đất nông nghiệp cho công nghiệp và hầu hết diện tích này đều nằm ở khu vực đất đai màu mỡ, canh tác lúa lâu năm, năng suất cao.

Nhiều địa phương đang "đua" nhau lấy đất nông nghiệp màu mỡ để quy hoạch phát triển công nghiệp. Vấn đề này đã được cảnh báo, nhưng vì muốn đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, thậm chí một số địa phương cho rằng đây là "giải pháp" để tăng nhanh GDP, nên đã ào ạt biến đất nông nghiệp thành khu công nghiệp, khu dân cư, sân golf. Để rồi, khi giá lúa gạo tăng đột biến, nhiều địa phương mới "giật mình".

Trong một cuộc họp liên quan đến sản xuất nông nghiệp bền vững vừa được tổ chức ở Cần Thơ, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Huỳnh, Khoa Nông nghiệp Đại học Cần Thơ, cũng đã nhấn mạnh: "Đồng bằng sông Cửu Long không những là vựa lúa của cả nước mà còn là vốn quý cho an toàn lương thực của cả khu vực. Dẫu biết công nghiệp hóa là xu thế tất yếu để đất nước phát triển, nhưng tiến trình phải theo sự quy hoạch của toàn vùng. Gần đây nổi lên phong trào quy hoạch khu công nghiệp, chẳng những ở cấp tỉnh mà ngay cả ở cấp huyện. Kiểu quy hoạch chạy theo thành tích và vô trách nhiệm đã băm nát ruộng vườn một cách vô tội vạ."

Điều này gây ảnh hưởng đời sống tinh thần, kinh tế của nông dân và đe dọa an ninh lương thực của quốc gia. Vì vậy, theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cần phải quy hoạch công nghiệp cho cả vùng để tránh trùng lắp, lãng phí. Đồng thời, khi quy hoạch và triển khai dự án, cần có các chính sách để hỗ trợ cho nông dân trong vùng dự án chuyển nghề, ổn định cuộc sống, thay vì chỉ làm theo kiểu cho có lệ, chưa có chính sách qui định rõ ràng như lâu nay.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cũng nhấn mạnh rằng để bảo đảm an ninh lương thực bền vững, các địa phương cần tiếp tục rà soát lại quy hoạch tổng thể đất sản xuất nông nghiệp. Đối với các dự án về công nghiệp, đô thị, dịch vụ có diện tích lớn, trước khi được phê duyệt, triển khai, cơ quan chức năng cần phải có đánh giá chi tiết, cụ thể những tác động đến nhu cầu, sự ổn định của sản xuất nông nghiệp, của địa phương, đến đời sống kinh tế, tinh thần của nông dân để có hướng giải quyết, xử lý phù hợp. Đối với các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, việc thu hồi đất đối với các dự án chậm triển khai cần sớm được thực hiện, xóa quy hoạch treo để phục hồi quỹ đất sản xuất lúa, không để tiếp tục bị hoang hóa./.

TT- theo TTXVN/Vietnam+
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất