Tham gia đoàn công tác có đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản.
Về phía Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, có đồng chí Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Về phía Học viện Báo chí và Tuyên truyền có đồng chí Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường; đồng chí Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện; các đồng chí Phó Giám đốc Học viện Trần Thanh Giang, Nguyễn Đức Toàn.
CUNG CẤP NGUỒN NHÂN LỰC BÁO CHÍ, TRUYỀN THÔNG, XUẤT BẢN ĐẢM BẢO VỀ SỐ LƯỢNG VÀ CHẤT LƯỢNG
Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Minh Sơn cho biết, trong nhiều năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông nhất là từ 5 năm gần đây của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có nhiều đóng góp cho các mặt công tác lĩnh vực này cho đất nước. Cụ thể, cung cấp cho Đảng, Nhà nước và xã hội nguồn nhân lực đảm bảo về số lượng và chất lượng trong lĩnh vực này; bước đầu hình thành được đội ngũ nhân lực làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông có năng lực, trình độ chuyên môn cao, có nhận thức chính trị tốt, góp phần nâng cao chất lượng thông tin, truyền thông cho Đảng, Nhà nước về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước.
Xây dựng hệ giá trị cao trong nhận thức về chính trị, về Đảng và dân tộc; về chủ nghĩa Mác- Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cho đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông qua đó hình thành giá trị cốt lõi của đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực này ở nước ta hiện nay.
Định hình sơ đồ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực lĩnh vực tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông của Việt Nam trong thời kì đổi mới và hội nhập quốc tế.
Thông qua công tác đào tạo nguồn nhân lực làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông, Học viện đã xây dựng được đội ngũ giảng viên cơ hữu và kiêm chức đông đảo về số lượng, chuyên sâu về lĩnh vực đào tạo nghiên cứu, có tâm huyết và trách nhiệm cao đủ tầm để tham mưu cho Đảng, Nhà nước chính sách về tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông trong giai đoạn hiện nay; góp phần truyền bá hệ tư tưởng cốt lõi mà Đảng, Nhà nước ta đang tiếp tục kiên định thực hiện.
Quá trình đào tạo nguồn nhân lực làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tạo ra một hệ thống liên kết hiệu quả giữa cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, cơ quan tuyển dụng nguồn nhân lực và cơ quản quản lý nguồn nhân lực lĩnh vực này; góp phần thực hiện nhiệm vụ được giao một cách hiệu quả.
Xây dựng, cập nhật, đổi mới được một hệ thống các chương trình đào tạo phù hợp theo hướng hiện đại, tăng thời lượng thực hành, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong báo chí truyền thông đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay.
Tổ chức được nhiều hội thảo, chuyên đề, toạ đàm với các chuyên gia cao cấp, uy tín đến từ Trung ương và các Tổ chức quốc tế; nhiều sách, báo, tạp chí của đội ngũ chuyên gia và cán bộ giảng viên được xuất bản, đăng tải trên các tạp chí uy tín - là nguồn dữ liệu quý giá và phong phú giúp các học giả, nhà nghiên cứu, học viên, sinh viên. Tổ chức cho sinh viên học tập, nghiên cứu và truyền thông bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái thù địch theo Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị.
Sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh được đào tạo tại Học viện có cơ hội tham gia nhiều sân chơi, câu lạc bộ nghề nghiệp, cơ hội thực hành nghề nghiệp tốt góp phần khẳng định chất lượng đào tạo; chủ động tự tin tìm kiếm việc làm phù hợp với ngành học; nhiều người được đánh giá cao về năng lực chuyên môn và được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt; góp phần định vị rõ nét lĩnh vực công việc này trong xã hội hiện đại.
Tổng số sinh viên được kết nạp Đảng trong 5 năm trở lại đây là 1.053, chiếm gần 15% tổng số sinh viên theo học và tốt nghiệp của Học viện.
Đây cũng là điểm nổi bật của Học viện Báo chí và Tuyên truyền với tư cách là trường Đảng trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và trường đại học trọng điểm quốc gia trong hệ thống giáo dục quốc dân.
|
NHỮNG KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT VỀ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NGUỒN NHÂN LỰC LÀM CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO, BÁO CHÍ, TRUYỀN THÔNG, XUẤT BẢN
Tại buổi làm việc, các ý kiến phát biểu cũng kiến nghị, đề xuất với đoàn công tác một số nội dung như: Thứ nhất, các ban, bộ, ngành Trung ương sớm có tổng kết về công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông trên cả nước để đánh giá những thành công, hạn chế, bất cập trong công tác đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực này... Từ đó có kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước có chính sách phù hợp để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, phát huy những thành công đã đạt được trong thời gian tới. Thứ hai, tiếp tục phối hợp rà soát, phân định rõ chức năng, quyền hạn đào tạo nguồn nhân lực làm công tác báo chí, truyền thông hiện nay, nhất là giữa cơ sở công lập và dân lập. Thứ ba, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương về đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông. Xây dựng cơ chế đặt hàng một số ngành học cụ thể phục vụ chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Thứ tư, đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, đầu tư các nguồn lực cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện thành công Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, phát triển Nhà trường thành cơ giáo dục đại học trọng điểm quốc gia.
Đối với Ban Tuyên giáo Trung ương, cần tăng cường định hướng về tư tưởng, chính trị trong việc xây dựng các chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản và truyền thông. Tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng quy hoạch tổng thể các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Định hướng việc cơ cấu, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo đại học hiện nay theo hướng chính quy, hiện đại, chuyên sâu, tập trung; trong đó đặc biệt ưu tiên, quan tâm đến các cơ sở chuyên đào tạo cán bộ làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông.
Đề xuất với Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc xác định trình độ lý luận chính trị cho sinh viên tốt nghiệp các ngành lý luận chính trị, tuyên giáo, báo chí, xuất bản cũng như các ngành khác. Thống nhất với Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng và quy định về nội dung, chương trình, các điều kiện nguồn lực cán bộ trong cấp chứng chỉ và công nhận giá trị của chứng chỉ về báo chí, xuất bản, truyền thông của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng báo chí, xuất bản.
CẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐỘI NGŨ BÁO CHÍ TRUYỀN THÔNG, XUẤT BẢN
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Thanh Lâm cho biết, hiện nay, Ban Tuyên giáo Trung ương đang tích cực chỉ đạo triển khai đề án bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, phóng viên, người làm báo, xuất bản trong cả nước. Đây cũng là một trong những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa tại buổi làm việc với Học viện Báo chí và Tuyên truyền vào tháng 7/2022.
Đồng chí Trần Thanh Lâm cũng đề nghị, cần có sự tương tác, phối hợp, trao đổi thường xuyên hơn nữa giữa Học viện và các cơ quan báo chí xuất bản; mời các đồng chí lãnh đạo cấp vụ, cục, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương tham gia các hội thảo khoa học, tọa đàm, giảng dạy một số tiết học trong nhà trường để tăng tính thực tiễn. Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày báo chí cách mạng Việt Namm sắp tới, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng cần có nhiều hoạt động kỷ niệm, truyền cảm hứng, niềm tự hào về mốc son chói lọi trong lịch sử báo chí cách mạng nước nhà đối với thế hệ sinh viên, học viên của Nhà trường.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao những thành tựu của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đạt được trong thời gian vừa qua. Nhà trường đã và đang nỗ lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xứng đáng là một trong những cơ sở trọng điểm đào tạo, bồi dưỡng phóng viên báo chí, biên tập viên xuất bản; là cơ sở nghiên cứu khoa học phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tham gia góp ý xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực tư tưởng, báo chí, xuất bản và truyền thông.
Đề cập tới các ý kiến, kiến nghị, đề xuất tại buổi làm việc hết sức thiết thực, xác đáng, rõ ràng, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Nghề báo là một nghề cao quý nhưng đầy khó khăn, gian khổ và thử thách, vì vậy yêu cầu đặt ra đối với đào tạo đội ngũ người làm báo chí truyền thông, xuất bản đòi hỏi về bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, nhưng trên tất cả đó là lòng tự tôn, tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
Vì vậy, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đề nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương, các bộ, ngành, cơ quan chức năng có định hướng chỉ đạo Học viện trong việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo để bám sát nhu cầu của thực tiễn xã hội và yêu cầu về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, trong đó, đề cao việc học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong làm báo và viết báo.
Trong công tác quản lý giáo dục, cần đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ giảng dạy và đào tạo tâm huyết, yêu nghề, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ trong công tác chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp, kinh nghiệm thực tiễn.
“Cần chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí, xuất bản nhằm triển khai thực hiện Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”; “Rà soát quy hoạch ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa”. Làm thế nào để thế hệ sinh viên hiện nay đã học phải giỏi toàn diện, giỏi về chuyên ngành của mình, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra, tinh thông, chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế. Trong điều kiện hiện nay, đẩy mạnh việc đào tạo trong mảng thông tin đối ngoại, đưa các yếu tố vùng miền trong công tác đào tạo. Cần nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ báo chí truyền thông và xuất bản, vì đó là sự thể hiện văn hóa, thể hiện vị thế của một quốc gia, dân tộc”. - Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý.
Thu Hằng