Chú trọng công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, coi các tổ chức cơ sở đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở[1], ngày 2- 2- 2008, tại Hội nghị lần thứ 6 (khóa X), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW "Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên". Nghị quyết nêu rõ các định hướng: “Gắn tổ chức cơ đảng với tổ chức hành chính, kinh tế, đơn vị sự nghiệp”; “gắn công tác xây dựng Đảng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và đảm bảo sự lãnh đạo của tổ chức đảng đối với các tổ chức chính trị xã hội tại cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất thể hóa 2 chức danh cán bộ chủ chốt ở cơ sở và “cho phép có một số mô hình tổ chức phù hợp với tình hình, đặc điểm riêng của những địa phương, cơ quan, đơn vị có tính chất đặc thù…”, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Triển khai thực hiện Nghị quyết trên, ngày 5-3-2008, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã xây dựng Kế hoạch số 12-KH/ĐUK về Triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 (khóa X) và Kế hoạch số 67-KH/BTCĐUK ngày 4-9-2009 về “chuyển giao, tiếp nhận tổ chức đảng trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X)”. Theo đó, Đảng bộ Bộ Y tế là đảng bộ cấp trên cơ sở, trực thuộc Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, được thành lập theo Quyết định số 1012-QĐ/ĐUK ngày 5-11-2009, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý 109 chi bộ, đảng bộ cơ sở thuộc 31 đầu mối bao gồm: các đảng bộ, chi bộ các vụ, cục, tổng cục cơ quan Bộ Y tế; 5 tổ chức cơ sở đảng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ và 73 Đảng bộ trực thuộc Bộ được tổ chức, hoạt động trải rộng trên khắp các địa phương của cả nước (50 đơn vị ở miền Bắc, miền Trung, Tây nguyên có 14 đơn vị, miền Nam có 9 đơn vị, trong đó, khối bệnh viện có 34 đơn vị, khối các Viện có 23 đơn vị, khối các trường Đại học và cao đẳng có 13 đơn vị, khối các Trung tâm có 3 đơn vị).
Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) được triển khai tại các chi bộ, đảng bộ cơ sở của Đảng bộ Bộ Y tế trong điều kiện: số lượng cán bộ chuyên trách còn thiếu, địa bàn quản lý rộng với nhiều đơn vị trực thuộc đóng tại miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam gây khó khăn trong công tác chỉ đạo triển khai, giám sát, đánh giá… Hơn nữa, nhiều tổ chức cơ sở đảng hiện đang trực thuộc các thành ủy, quận ủy, thị ủy,... nên việc theo dõi, quản lý các thông tin về công tác đảng tại những đơn vị này còn chưa kịp thời thực sự là một khó khăn, thách thức.
Nhận thức rõ những khó khăn, bất cập đó, để sớm đưa Nghị quyết vào thực tiễn, Đảng ủy Bộ Y tế đã tiến hành xây dựng Đề án “Sắp xếp, kiện toàn các tổ chức đảng của các đơn vị trực thuộc Bộ về sinh hoạt tại Đảng bộ Bộ Y tế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X)”. Đáp ứng những đòi hỏi khách quan và thực hiện đúng những nguyên tắc về xây dựng Đảng, Đề án bao gồm 4 nội dung chính: 1/ Xây dựng quy trình, cách thức tổ chức thực hiện; 2/ Kiện toàn tổ chức, cán bộ Văn phòng Đảng ủy Bộ Y tế để đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý các tổ chức cơ sở đảng; 3/ Xây dựng quy chế hoạt động của tổ chức đảng cơ sở trực thuộc Đảng bộ Bộ Y tế; 4/ Triển khai các hoạt động nghiên cứu. Cùng đó, Đề án cũng xây dựng lộ trình cụ thể với 4 giai đoạn để tiến hành việc chuyển giao các tổ chức cơ sở đảng thuộc các đơn vị trực thuộc của Đảng bộ Bộ trong cả nước.
Tiếp đó, để việc tiến hành chuyên giao, tiếp nhận đảm bảo đúng quy định và dân chủ, Đảng ủy Bộ Y tế có Công văn số 50- CV/ĐU ngày 21-3-2011 gửi đảng ủy, ban giám đốc các đơn vị y tế của ngành trong cả nước xin ý kiến bằng văn bản các tổ chức đảng trực thuộc các đơn vị y tế của ngành trên cả nước về việc tiếp nhận các đảng bộ về sinh hoạt đảng bộ Bộ Y tế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X). Kết quả có 61/69 đảng thuộc đơn vị trực thuộc Bộ trong cả nước đồng ý với chủ trương chuyển đảng bộ về sinh hoạt tại Đảng bộ Bộ Y tế, để một mặt, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở; mặt khác, phù hợp với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác đảng, nhiệm vụ chuyên môn và công tác cán bộ, đảm bảo tính toàn diện của toàn ngành.
Các ý kiến phản hồi cũng đồng ý việc thực hiện chuyển giao, tiếp nhận các tổ chức cơ sở đảng của Đảng bộ Bộ Y tế theo nguyên tắc: 1/Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở, phù hợp với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác đảng, nhiệm vụ chuyên môn và công tác cán bộ, đảm bảo tính toàn diện của đơn vị; 2/ Có sự nhất trí của đơn vị được chuyển giao; 3/ Có sự đồng thuận của các cấp ủy tổ chức cơ sở đảng đang trực thuộc.
Theo kế hoạch, Đảng bộ Bộ Y tế đã chủ trương chọn 1 chi bộ cơ sở và 6 Đảng bộ cơ sở làm thí điểm, để vừa làm vừa rút kinh nghiệm trong quá trình chuyển giao và tiếp nhận. Thông qua việc tiến hành làm hồ sơ nhận thí điểm 7 tổ chức cơ sở đảng của các đơn vị trực thuộc, Đảng bộ đã và đang có kế hoạch triển khai tiếp các chi đang bộ cơ sở còn lại. Những Đảng bộ đã hoàn tất xong thủ tục chuyển giao và tiếp nhận trong đợt thí điểm là các chi đảng bộ đóng trên địa bàn quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng và huyện Từ Liêm: Đảng bộ Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương; Viện Kiểm định Quốc gia Văcxin và sinh phẩm Y tế; Đảng bộ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Đảng bộ Viện Dinh dưỡng; Đảng bộ Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường; Đảng bộ Trung tâm Nghiên cứu – sản xuất Văcxin sinh phẩm y tế; Đảng bộ Viện Huyết học và truyền máu Trung ương. Ngoài các đơn vị làm điểm, các quận/huyện ủy đã có văn bản nhất trí chuyển giao vẫn đang tiếp tục chờ ý kiến của Thành ủy Hà Nội.
Dù mới chỉ hoàn tất việc chuyển giao 7 chi đảng bộ, xong quá trình thực hiện việc chuyển giao, tiếp nhận các tổ chức Đảng thuộc Đảng bộ Bộ Y tế theo tinh thần của Nghị quyết số 22 cho thấy: Ban Cán sự và Đảng ủy Bộ Y tế đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết và đã thống nhất cao về việc chuyển giao, tiếp nhận các tổ chức Đảng trực thuộc các đơn vị y tế trong cả nước hiện tại đang sinh hoạt tại các địa phương về sinh hoạt trong Đảng bộ Bộ Y tế. Do được sự quan tâm sát sao của Đảng ủy Bộ, sự đồng thuận cao của các cấp ủy và nhất là do làm công tác tư tưởng tốt, phần lớn các tổ chức cơ sở đảng thuộc 73 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ đồng thuận nhất trí cao việc chuyển giao này. Ngoài việc để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung và thống nhất trong Đảng bộ, việc tiến hành chuyển các đảng bộ về sinh hoạt tại Đảng bộ Bộ đã góp phần đáp ứng yêu cầu chỉ đạo về thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn và công tác cán bộ của ngành Y tế. Theo đó, sự lãnh đạo của Đảng trong ngành Y tế trên các lĩnh vực dự phòng, khám chữa bệnh, giám định y khoa, phục hồi chức năng, an toàn vệ sinh thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm…được tăng cường.
Bên cạnh đó, việc thống nhất về chủ trương và kế hoạch chuyển giao có lộ trình của Đảng bộ Bộ Y tế cũng cho thấy sự trăn trở và quyết tâm cao của lãnh đạo ngành trong việc tăng cường sự thống nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự, Đảng ủy Bộ trong lĩnh vực khám, chữa bệnh đối với những bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đầu ngành luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân, cơ chế tự chủ về tổ chức, biên chế và tài chính hoạt động chuyên môn đang còn nhiều bất cập… Và việc kiện toàn và sắp xếp này, dù mới đang trong quá trình thực hiện cũng mang lại những bài học quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp các tổ chức cơ sở đảng tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ. Đây thực sự là tiền đề cho việc định hướng chiến lược xây dựng cơ chế, chính sách áp dụng cho toàn ngành Y tế trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả ban đầu đó, việc mới chỉ có 61/69 đảng bộ thuộc đơn vị trực thuộc Bộ trong cả nước đồng ý với chủ trương chuyển đảng bộ về sinh hoạt tại Đảng bộ Bộ, cũng đặt ra một số khó khăn cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Theo đó, việc chuyển giao, tiếp nhận này cũng vấp phải sự thiếu đồng bộ, chậm của các văn bản, hướng dẫn của Trung ương về công tác xây dựng Đảng, trong đó có những quy định về thẩm quyền, thủ tục chuyển giao tổ chức đảng vừa chưa rõ mốc thời gian cụ thể của việc chuyển giao, tiếp nhận, vừa rườm rà, và thiếu cụ thể để thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức của các tổ chức cơ sở đảng đồng bộ, thống nhất với các tổ chức của hệ thống chính trị ở cơ sở. Theo đó, khi có quyết định thực hiện chuyển giao, tiếp nhận thì việc hoàn tất thủ tục còn chậm trong chuỗi liên hoàn: Từ đảng ủy nơi chuyển giao thống nhất làm công văn đề nghị lên Đảng ủy Khối; từ Đảng ủy Khối xem xét, thẩm định và làm công văn đề nghị Ban tổ chức Trung ương. Hơn nữa, hầu hết các đảng bộ trực thuộc các đơn vị thuộc Bộ Y tế dự kiến chuyển về sinh hoạt tại Đảng bộ Bộ Y tế đều đóng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trên cả nước, xa nhất là các tỉnh miền tây Nam bộ và Đảng bộ của các đơn vị này hiện đang sinh hoạt và trực thuộc địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; còn các bệnh viện, viện nghiên cứu, các trường đại học của ngành thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ cho địa phương (đây cũng là một cơ sở để các địa phương phát triển về chính trị, kinh tế, văn hóa và tinh thần cho nhân dân), chính vì vậy nhiều thành ủy, quận ủy, huyện ủy trực thuộc cũng không sẵn sàng việc thực hiện chuyển giao…
Từ những kết quả đạt được và cả những hạn chế cần phải khắc phục, và nhất là để việc chuyển giao, tiếp nhận các tổ chức đảng của Đảng bộ Bộ Y tế trong thời gian tới đạt được theo đúng kế hoạch, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, nên chăng cần thực hiện theo nguyên tắc:
Thứ nhất: Đối với tổ chức đảng trong các doanh nghiệp thuộc Bộ, sắp xếp theo hướng: 1/Những tổ chức đảng trong các doanh nghiệp công ích, phục vụ trực tiếp nhiệm vụ chính trị của ngành thì chuyển về trực thuộc Đảng bộ Bộ. 2/Những tổ chức đảng trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc loại doanh nghiệp đặc biệt do Thủ tướng quyết định thành lập hoặc phê duyệt thì chuyển về trực thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương. 3/Những tổ chức đảng trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuần túy thì chuyển về trực thuộc các cấp ủy địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở.
Thứ hai: Đối với các đảng bộ bệnh viện nên để tổ chức sinh hoạt với địa phương, vì có tính đặc thù đặc biệt liên quan đến nhiệm vụ chính trị trực tiếp của địa phương. Đồng thời xây dựng kế hoạch chuyển giao các tổ chức đảng ở các trường đại học, các viện nghiên cứu về sinh hoạt với đảng bộ.
Thứ ba: Kiện toàn tổ chức, cán bộ văn phòng Đảng ủy Bộ để đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý các tổ chức đảng.
Thứ tư: Việc thực hiện chuyển giao tiếp nhận cần được thực hiện theo lộ trình: 1/Đối với các đảng bộ thuộc các đơn vị phía Bắc, triển khai lần lượt tiếp nhận theo từng đợt, ưu tiên thí điểm 05- 10 đơn vị trên địa bàn Hà Nội. 2/ Đối với các đảng bộ thuộc các đơn vị Miền Trung, Tây Nguyên, nên để 14 đảng bộ các đơn vị trực thuộc Bộ sinh hoạt đảng tại địa phương. 3/Đối với các đảng bộ thuộc các đơn vị phía Nam, tiếp nhận 9 tổ chức cơ sở đảng của các đơn vị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh về sinh hoạt Đảng ủy khối cơ sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh./.
Ths. Vũ Thị Minh Hạnh
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách Y tế
[1] ĐCSVN: Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (Khoản 1, điều 21, chương V), Nxb.CTQG, H, 1996, tr.32.