Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 28/8/2008 9:57'(GMT+7)

Để du khách quay trở lại Việt Nam

Theo Tổng cục du lịch, 7 tháng qua có trên 2,5 triệu khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, đạt 52,3% so với dự kiến và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2007 (theo tính toán trong năm nay ngành du lịch sẽ thu hút từ 4,8 đến 5 triệu lượt khách). Doanh thu của toàn ngành trong 7 tháng đạt 64 ngàn tỉ đồng. Đây là một kết quả đáng mừng trong bối cảnh đất nước đang gặp nhiều khó khăn về lạm phát như hiện nay.

Nhưng các con số nêu trên vẫn chưa phải là biểu thị của sự tăng trưởng bền vững. Một thực trạng đáng buồn là trong nhiều năm qua, đa số du khách nước ngoài từng tới Việt Nam đều "một đi không trở lại". Có thông tin cho biết con số này lên đến 80%. Cho dù không vui, vẫn phải nhìn vào sự thật.

Nguyên nhân chủ quan được một quan chức cấp cao của Tổng cục Du lịch nêu ra, đó là một loạt hạn chế: cơ sở hạ tầng yếu kém; giá cả cao hơn các nước trong khu vực; nhân lực thiếu chuyên nghiệp, chất lượng phục vụ kém cộng thêm sản phẩm và dịch vụ du lịch đơn điệu, nghèo nàn khiến khách quốc tế không muốn quay trở lại. Và điều này thật đối nghịch với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng; những vùng du lịch sinh thái lý tưởng cùng những di tích văn hóa thuần khiết giá trị Việt chỉ có thể tìm thấy ở đất nước này. Thông tin khu vực cho thấy: một khách du lịch đến Thái Lan chi tiêu bình quân từ 1.200 - 1.500USD; tại Singapore là 1.500 - 2000USD. Còn ở Việt Nam, từ 300 - 700USD đối với khách du lịch quốc tế thuộc diện giàu có. Có nghĩa là sau rất nhiều những nỗ lực ồn ào, chúng ta vẫn chưa làm được một điều giản dị: tạo cơ hội cho khách du lịch tiêu tiền!


Trong phát triển du lịch, hai cụm từ mỹ miều: "quy hoạch" và "chiến lược" có lẽ được nhắc tới nhiều nhất nhưng xem ra cũng là điều đang phải suy nghĩ nhất. Quy hoạch chung có, quy hoạch chi tiết không; chiến lược phát triển có; cơ sở hiện thực không. Hai thập niên đã trôi qua, du lịch Việt Nam vẫn là ngành kinh tế chưa từ giã nổi thói quen "hái lượm". Giữa khai thác và bảo tồn luôn là hai nhu cầu tréo ngoe nhau. Vịnh Hạ Long và Sapa là 2 khu vực điển hình ở phía Bắc về sự tạp nham trong kiến thiết và kiến trúc do mất cân bằng giữa quy hoạch phát triển với phương thức "xã hội hóa du lịch". Kết cục là quy hoạch tổng thể không ngừng bị phá vỡ và có lẽ còn rất lâu mới có thể khắc phục được những tổn thương này.

Sản phẩm và dịch vụ du lịch nghèo nàn, đơn điệu, thiếu điểm đi chơi, thiếu các khu giải trí cũng là những nguyên nhân khác khiến du khách quốc tế khó lòng muốn quay trở lại Việt Nam. Bên cạnh đó, nạn tranh thủ “chặt chém” khi mua hàng, quà lưu niệm kém chất lượng, nạn móc túi, đeo bám bán hàng rong... đã gây phản cảm cho du khách.

"Nụ cười Việt Nam", đó là hình ảnh có thật và là biểu tượng đẹp nhất của một môi trường du lịch thân thiện và bình ổn. Tiếc thay, đó lại là “của hiếm” trên môi nữ tiếp viên hàng không; trên mặt nhân viên hải quan khi du khách đặt chân tới nước ta. Nhiều tờ báo từng thuật lại câu chuyện hàng trăm du khách của một tầu biển du lịch quốc tế khi cập cảng Việt Nam đã được những cô gái trong bộ áo dài dân tộc xếp hàng đứng đón chào. Chỉ có điều, thay vì những nụ cười rạng rỡ trên nét mặt của các người đẹp, họ chỉ nhận được những cái vẫy chào qua cử chỉ phất cờ, vẫy hoa hờ hững như xua muỗi. Trong khi tại Olympic Bắc Kinh 2008 đang diễn ra một Chiến dịch nụ cười đã được Chính quyền thành phố phát động và được đông đảo người dân hưởng ứng. Bắc Kinh bỗng trở thành thủ đô của muôn triệu nụ cười. Có lẽ không một lời mời nào nồng nhiệt hơn như thế. Đối với du lịch Việt Nam, tạo ra một môi trường thân thiện, cởi mở và một tâm thế luôn sẵn sàng đón khách cũng lại là điểm chúng ta chưa ý thức được bằng người. Ở đây, vấn đề "xã hội hóa du lịch" mới chỉ được xem như một giải pháp đẩy nhanh tốc độ kiến thiết hạ tầng hơn là phương thức giác ngộ cộng đồng hiệu quả và bền vững.

Tăng cường quảng bá nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam là một trong 8 giải pháp được ngành du lịch đặt lên hàng đầu trong thời gian tới. Được biết, những tháng cuối năm, ngành du lịch sẽ chi khoảng 16 tỷ đồng để quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần thay đổi chiến lược thu hút du khách, nhất là với du khách đã đến lần thứ 2, thứ 3. Đó đều là những việc rất nên làm. Nhưng xin đừng quên rằng, với con người, lý do để trở lại một xứ sở từng đi qua không hề bởi vàng son hay đời sống tiện nghi mà có khi chỉ bởi một nụ cười hoặc miền cây cỏ hoặc những bầy chim hoang dã. Xứ sở này đang có tất cả những điều đó. Song du khách có đến với chúng ta không, điều đó không chỉ tùy thuộc vào nỗ lực của riêng ngành du lịch mà còn bởi tâm thế và việc làm của cả cộng đồng.

Theo Phỉ Thúy- VOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất