Thứ Bảy, 30/11/2024
Khoa học, công nghệ
Chủ Nhật, 2/2/2014 23:33'(GMT+7)

Để khoa học phát triển, phải đổi mới tư duy quản lý

Năm 2013 đánh dấu nhiều thành tựu khoa học và công nghệ quan trong trong nước. (Ảnh: http://www.vpc.org.vn)

Năm 2013 đánh dấu nhiều thành tựu khoa học và công nghệ quan trong trong nước. (Ảnh: http://www.vpc.org.vn)

PV: Xin ông cho biết những thành tựu Khoa học và Công nghệ nổi bật trong năm 2013?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Nói về thành tựu khoa học và công nghệ năm 2013 thì những hạng mục được bình chọn trong 10 sự kiện khoa học và công nghệ của năm vừa qua cũng đã nói lên một phần. Nhưng có thể thấy, thành tựu quan trọng nhất là chúng ta đã xây dựng được Luật Khoa học và Công nghệ tiếp cận được tiêu chí của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Trong đó, điều quan trọng nhất là Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi lần này đã đề cập việc tổ chức thực hiện các đề tài, dự án về khoa học và công nghệ và cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính cho khoa học và công nghệ.

Lần đầu tiên, trong Luật, chúng ta bắt buộc doanh nghiệp Nhà nước phải có trách nhiệm đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ, thông qua việc doanh nghiệp phải dành một phần lợi nhuận trước thuế để thành lập Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ. Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta khẳng định trong Luật, Bộ Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền trong việc đề xuất phân bổ dự toán ngân sách hàng năm cho hoạt động khoa học và công nghệ. Lại thêm lần đầu tiên, Luật cho phép áp dụng cơ chế của Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ trong việc tài trợ cho các đề tài, dự án nghiên cứu, cũng như cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng cho các đề tài, dự án.

Như vậy, sắp tới, các nhà khoa học sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn trước đây để có thể có được những đề tài, dự án chất lượng tốt, đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội.

Về thành tựu trong hoạt động nghiên cứu, có thể nói, trong năm 2013, các viện nghiên cứu lớn, các trường đại học và toàn ngành đã có được những đề tài, dự án có kết quả tốt. Điển hình là việc công bố bản đồ gen của 36 giống lúa bản địa Việt Nam giữa các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam với các nhà khoa học của Vương quốc Anh. Với thành tựu này, chúng ta hi vọng sắp tới sẽ hỗ trợ rất tốt cho khâu cải tạo giống, tạo ra những giống mới có năng suất cao, có chất lượng tốt hơn.

Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, năm vừa qua cũng ghi dấu đậm nét với việc chúng ta hoàn thành giàn khoan tự nâng 90 mét nước. Từ thành công này, hiện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đang tiến hành đóng giàn khoan 120 mét nước. Với việc làm chủ được công nghệ thiết kế và chế tạo giàn khoan 90 mét nước, việc chế tạo giàn khoan 120 mét nước chắc chắn sẽ thành công và được đăng kiểm quốc tế.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, năm 2013 đã có mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ rất thành công. Đó là mô hình 3 cùng của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang. 3.000 kỹ sư nông nghiệp của họ đã cùng ăn, ở, làm việc với nông dân. Từ đây, Công ty đã xây dựng nên một chuỗi giá trị cho sản xuất lúa gạo, từ gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ đến thu hoạch và bảo quản, chế biến trên quy mô công nghiệp.

Chúng ta cũng đã làm chủ được một số giống cây và một số giống con nhập ngoại đang phát triển rất tốt. Ví dụ như giống cam không hạt, là giống cho năng suất, chất lượng tốt, có giá bán cao hơn giống cam nội địa, hiện đang trồng rất thành công ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình. Chúng ta cũng đã nhập những giống hoa lan nổi tiếng từ Đài Loan, Hoa Kỳ về sản xuất thành công.

Có thể nói, trong hoạt động khoa học và công nghệ, năm 2013 đã làm được nhiều việc. Đặc biệt, ngành công nghệ sinh học Việt Nam đã thành công trong việc xử lý những vùng đất bị nhiễm điôxin tồn đọng lại sau chiến tranh chống Mỹ. Các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thành công trong việc dùng một chế phẩm sinh học để giải quyết vấn đề trên. Sau 1 năm khảo nghiệm, đề tài đã có kết quả rất tốt, hàm lượng điôxin trong đất giảm dưới mức cho phép với chi phí rẻ. Công nghệ sinh học của các nhà khoa học Việt Nam giúp triệt tiêu vĩnh viễn điôxin, hoàn toàn không để lại hậu quả và còn có khả năng áp dụng trên diện rộng.

Theo số liệu mới nhất, Việt Nam xếp hạng thứ 57 trên thế giới về công bố quốc tế và trích dẫn công bố quốc tế. Tuy thứ hạng 57 chưa phải là cao nhưng so với các lĩnh vực khác như kinh tế, lĩnh vực này cao hơn hẳn (theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới - WIPO, Việt Nam đứng thứ 132/142 quốc gia về lĩnh vực kinh tế). Xếp hạng thứ 57 là một thành tích rất tốt mặc dù các nhà khoa học chưa thật sự hài lòng với kết quả này, vì chúng ta vẫn thua kém rất nhiều nước như Thái Lan, Ma-lai-xi-a.

PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2013, chúng ta làm được rất nhiều việc, từ cơ chế chính sách đến những công việc cụ thể trong hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, còn mục tiêu gì mà Bộ đặt ra nhưng chưa thực hiện được trong năm qua?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Trăn trở lớn nhất của chúng tôi là việc xây dựng nền tảng pháp lý cho Khoa học và Công nghệ còn khó khăn. Mà cái khó khăn lớn nhất ở đây là việc đổi mới tư duy của các cơ quan quản lý. Chính vì thế, tôi rất mong giới truyền thông cùng vào cuộc và cùng có tiếng nói với Bộ Khoa học và Công nghệ. Thực ra, những thứ gọi là đổi mới của khoa học và công nghệ là đối với chúng ta, còn với cộng đồng thế giới thì những cơ chế chính sách đó đã được áp dụng từ rất lâu rồi. Ví dụ, hoạt động nghiên cứu phải thông qua cơ chế quỹ, cơ chế khoán. Thế giới hầu hết thông qua cơ chế khoán chứ không kiểm soát đầu vào quá chặt như chúng ta. Họ chỉ kiểm soát đầu ra, tức là chú ý đến sản phẩm cuối cùng. Họ không bắt các nhà khoa học phải làm các thủ tục phiền hà như hóa đơn, chứng từ.

Nếu chúng ta thay đổi cơ chế, tôi tin là rất nhiều đề tài dự án sẽ đi vào cuộc sống nhanh hơn.

PV: Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ làm gì để các chính sách đi được vào cuộc sống, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Chính sách thì còn nhiều nhưng để đi được vào cuộc sống thì vô cùng khó. Cái khó lớn nhất bên cạnh sự đổi mới tư duy của người quản lý, còn là sự phối hợp của các cơ quan có liên quan. Ví dụ, từ năm 2005, Chính phủ đã có Nghị định 115/2005/NĐ-CP về cơ chế tự chủ, trong đó cho phép tổ chức Khoa học và Công nghệ được quyền sản xuất, kinh doanh như doanh nghiệp. Tuy vậy, những văn bản, thông tư lại thiếu đồng bộ nên các Sở Kế hoạch và Đầu tư không chịu cấp giấy đăng ký kinh doanh cho các tổ chức Khoa học và Công nghệ khi có nhu cầu. Các Chi cục thuế không chịu cho miễn giảm thuế đối với các tổ chức khoa học và công nghệ khi sản xuất kinh doanh.

Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phải thực hiện hai việc. Một là phối hợp với các bộ, ngành để đồng bộ hóa các văn bản. Hai là thông qua truyền thông, thông qua tập huấn tổ chức hội nghị, hội thảo để làm sao ở cơ sở quán triệt được tinh thần để thực hiện Luật một cách vô điều kiện.

PV: Thưa Bộ trưởng, dự thảo Nghị định Quy định chính sách sử dụng, trọng dụng nhà khoa học nhận được sự hoan nghênh của dư luận. Song không ít nhà khoa học lại quan ngại, việc hành chính hóa các chức danh như nhà khoa học trẻ tài năng, nhà khoa học đầu ngành dễ dẫn đến “lạm phát” các nhà khoa học này, Bộ trưởng có thể cho biết ý kiến về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Trong quá trình dự thảo Nghị định, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã cân nhắc và nghiên cứu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học. Ở đây, các nhà khoa học được coi là đầu ngành, nhà khoa học trẻ tài năng phải đáp ứng đồng thời nhiều tiêu chí. Đó là điều không dễ! Ví dụ, các nhà khoa học đầu ngành, bên cạnh các tiêu chí theo quy định của Nghị định như đang đứng đầu một cơ sở nghiên cứu hoặc đào tạo, có trình độ cao, là tác giả chính của bài báo khoa học được đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín, chủ biên sách chuyên khảo, có sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; tham gia hoặc chủ trì các hội nghị khoa học và công nghệ quốc tế… thì quan trọng nhất, phải được sự tôn vinh của chính các nhà khoa học trong giới.

Nhà khoa học trẻ tài năng cũng như vậy, phải đáp ứng đồng thời nhiều tiêu chí như dưới 35 tuổi, có công trình đạt giải thưởng trong nước hoặc quốc tế có uy tín, có bài báo công bố quốc tế hoặc sáng chế được đánh giá tốt… Với các tiêu chí ấy, theo thống kê của chúng tôi, số lượng các nhà khoa học trẻ tài năng sẽ không bị “lạm phát”.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất