Thứ Bảy, 28/9/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 13/10/2009 19:35'(GMT+7)

Để "Phái yếu" khẳng định thế mạnh trên thương trường

Những nữ doanh nhân tiêu biểu được nhận Cúp "Bông hồng vàng" (Năm 2008)

Những nữ doanh nhân tiêu biểu được nhận Cúp "Bông hồng vàng" (Năm 2008)


Trong xã hội phát triển, vai trò của người phụ nữ ngày càng được đề cao trong xã hội và họ cũng ngày càng khẳng định vị thế và khả năng của mình trong mọi lĩnh vực của đời sống. Đặc biệt trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, những thành công của phụ nữ trong hoạt động kinh doanh đã góp phần không nhỏ vào công cuộc đổi mới phát triển chung của đất nước.

Tuy nhiên, nhìn trên bình diện chung, người phụ nữ vẫn chưa được đối xử bình đẳng, vẫn bị đánh giá là “phái yếu”... Do đó, phát triển đội ngũ nữ doanh nhân hội đủ “tâm” và “tài” trong một khối thống nhất, hoạt động vì mục tiêu chung “dân giàu, nước mạnh” là cách thiết thực thúc đẩy tiến trình bình đẳng giới, góp phần bảo đảm sự hài hòa và công bằng xã hội, đưa đất nước ta tiến nhanh, tiến mạnh và vững chắc trong thời kỳ đổi mới, hội nhập.

Với sự đổi mới mạnh mẽ, môi trường kinh doanh ngày một thông thoáng và minh bạch được thể hiện cụ thể trên các đạo luật, các quy định pháp lý đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V), các hộ kinh doanh cá thể được hoạt động trong môi trường thuận lợi, bảo đảm bởi hệ thống pháp lý đang trong quá trình hoàn thiện. Chính sách mở cửa, các quan hệ kinh tế thương mại với khu vực và thế giới ngày càng mở rộng... tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển. Phụ nữ là doanh nhân, bên cạnh những phẩm chất về tính sáng tạo, lòng quyết tâm,... còn có những điểm mạnh, như sự nhạy cảm, tinh tế, khả năng xử lý tình huống mềm dẻo, linh hoạt.

Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng trên 350 nghìn doanh nghiệp, trong số đó có 25% doanh nghiệp do phụ nữ quản lý, gần 3 triệu hộ kinh doanh với khoảng 30% số hộ do phụ nữ điều hành, quản lý. Khu vực doanh nghiệp và hộ kinh doanh do phụ nữ quản lý đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, tạo ra hàng chục vạn việc làm mới cho người lao động, mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thực tế, đội ngũ doanh nghiệp, nữ doanh nhân hiện đang phải đối mặt với không ít những tồn tại làm hạn chế sự phát triển cả về lượng và chất. Thể hiện rõ rết nhất trên các khía cạnh như: Sức cạnh tranh, trình độ quản lý ở một bộ phận nữ doanh nhân còn yếu, hạn chế về khả năng thích nghi với biến động của thị trường. Chất lượng đội ngũ chưa đồng đều, quy mô hoạt động cũng có sự chênh lệch, nhất là giữa vùng thành thị với nông thôn và miền núi; Khả năng hòa nhập và sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới còn nhiều hạn chế; Trình độ ngoại ngữ và khả năng sử dụng các phương tiện khoa học - kỹ thuật hiện đại phục vụ còn hạn chế. Bên cạnh đó, họ còn gặp nhiều khó khăn đặc thù của giới, như nhận thức của xã hội chưa đầy đủ về vai trò phụ nữ, nhất là tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn tồn tại ở không ít người gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của chị em; Sự phân công lao động trong gia đình còn mang nặng định kiến giới, nên chị em phải đảm đương cùng một lúc cả việc kinh doanh và công việc gia đình; Bản thân không ít phụ nữ nói chung, nữ doanh nhân nói riêng còn thiếu tự tin, chủ động, mạnh dạn trong hoạt động kinh doanh. Mặt khác, mạng lưới nữ doanh nhân, hiệp hội doanh nhân nữ hiện nay chưa phát triển, nên chưa có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ; chính sách phát triển doanh nghiệp chưa thực sự lồng ghép với chính sách bình đẳng giới một cách hiệu quả để bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giới trong hoạt động kinh doanh, phát triển doanh nghiệp...

Chia sẻ những khó khăn này, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch SeaBank cho rằng, để tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm lãnh đạo, trước hết cần tăng cường sự hỗ trợ từ bên ngoài; Cần có những cơ chế, chính sách để hỗ trợ, tuyên truyền, tôn vinh phụ nữ; Xây dựng chiến lược, kế hoạch, mục tiêu kinh doanh rõ ràng và chủ động thực hiện... Và điều quan trọng là cần nỗ lực, chủ động, tích cực phấn đấu của bản thân trong mỗi nữ doanh nhân.

Theo bà Phạm Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thương mại Công nghiệp Việt Á, Chủ tịch Hiệp hội nữ Doanh nhân Hà Nội, muốn phát triển mạng lưới các tổ chức hỗ trợ Doanh nhân nữ cần thực hiện các biện pháp và kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế ở các ngành và địa phương. Để hỗ trợ các doanh nhân nữ trong các hoạt động kinh tế và xã hội, phát triển cả về số lượng và chất lượng cần thông qua các kênh truyền thông để tuyên truyền, phổ biến gương người tốt việc tốt, nhất là các nữ doanh nhân tiêu biểu của địa phương, của ngành, của các Hiệp hội. Bên cạnh đó cần có sự chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể của các Bộ, ngành, tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục, có đánh giá tổng kết và biểu dương khen thưởng kịp thời các địa phương, đơn vị, cá nhân làm tốt, trong đó có các doanh nhân nữ. Các Bộ, Ban, ngành cần có những chính sách và chế độ giúp cho các doanh nhân nữ có thêm nhiều cơ hội để phát triển doanh nghiệp. Các Hiệp hội, nhất là Hội phụ nữ các cấp, Hiệp hội DNN&V ở các địa phương cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn và tiếp sức cùng các chị em làm kinh tế, phát triển doanh nghiệp và thành lập các câu lạc bộ nữ doanh nhân.

Ngoài ra, cần có các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp do doanh nhân nữ quản lý tiếp cận tài chính tín dụng, nâng cao kiến thức và kỹ năng quản lý cho doanh nhân nữ. Đồng thời, cần nghiên cứu, tham vấn luật pháp, chính sách, chương trình về phát triển kinh tế, doanh nghiệp, việc làm và dạy nghề cho phụ nữ. Tổ chức và tham gia các diễn đàn để kiến nghị, đề xuất các chính sách, bảo đảm các chính sách, luật pháp liên quan đến phát triển doanh nghiệp có lồng ghép giới; Phối hợp, liên kết tăng cường các hoạt động hỗ trợ đào tạo, cung cấp tín dụng, tư vấn, thông tin... cho doanh nghiệp do doanh nhân nữ quản lý. Mở rộng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ trong doanh nghiệp; Tiếp tục thí điểm và mở rộng mô hình chia sẻ chi phí trong dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh của Hội nhằm tăng cường số lượng, chất lượng các dịch vụ và sự bền vững của chương trình; Xúc tiến việc thành lập Hiệp hội nữ doanh nhân cấp Trung ương, đồng thời phát triển hơn nữa mạng lưới câu lạc bộ, hiệp hội nữ doanh nhân trong cả nước, nhằm thu hút, tập hợp đông đảo chị em làm công tác kinh doanh tham gia, nắm bắt được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của họ, tập hợp họ thành một khối đoàn kết, thống nhất, có thể tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi cần thiết; và hội này là “cầu nối” thúc đẩy, xúc tiến việc mở rộng hoạt động kinh doanh của chị em vươn tới tầm khu vực và quốc tế; Mở rộng quan hệ, kết nối với mạng lưới doanh nghiệp nữ trong khu vực và thế giới, tạo cơ hội để nữ doanh nhân Việt Nam liên kết, xúc tiến thương mại, trao đổi, học hỏi lẫn nhau thông qua nhiều hình thức đa dạng, như: tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị trao đổi kinh nghiệm; tổ chức các đoàn công tác, đoàn giao lưu giữa doanh nhân nữ nước ta với doanh nhân nữ các nước trên thế giới...

Đề xuất chính sách, phối hợp tăng cường các hoạt động hỗ trợ tạo điều kiện cho nữ doanh nhân cân bằng bền vững giữa công việc gia đình và kinh doanh và tăng cường các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các lớp tập huấn, các buổi nói chuyện, lồng ghép tuyên truyền vào hoạt động của các dự án... nhằm đạt mục đích xã hội, đặc biệt là gia đình cần chủ động ủng hộ, chia sẻ và tích cực tạo điều kiện giúp đỡ chị em vừa hoàn thành tốt công việc xã hội (kinh doanh) vừa đảm đương tốt việc gia đình. Không chỉ tuyên truyền các gương phụ nữ kinh doanh giỏi, mà còn đề ra hình thức tôn vinh họ, từ đó tạo động lực thi đua, phấn đấu trong đội ngũ doanh nhân nữ, cũng như trong toàn xã hội, để thúc đẩy nhanh, mạnh quá trình đổi mới, làm giàu chính đáng cho đất nước, góp phần thiết thực củng cố và tăng cường vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Đặc biệt, để có được sự phát triển mạnh của đội ngũ doanh nhân nữ trong thời kỳ hội nhập cần chú ý đến sự bình đẳng về giới không chỉ trong lĩnh vực đời sống xã hội mà còn trong lĩnh vực kinh doanh. Các tổ chức đoàn thể cần có những dự án ưu tiên, đầu tư cho doanh nhân nữ, dành một phần quỹ nhà quỹ đất cho thuê với giá ưu đãi để giảm bớt một phần khó khăn cho chị em, để chị em có thêm điều kiện tham gia làm kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển đội ngũ doanh nhân nữ ngày một nhiều thêm./.

Ngọc Chi, Bộ Tài chính

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất