Thứ Sáu, 27/9/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 26/9/2011 20:38'(GMT+7)

Để sau tốt nghiệp… không thất nghiệp

Sinh viên tìm việc làm. Ảnh minh họa

Sinh viên tìm việc làm. Ảnh minh họa

 Những bất cập

Qua các cuộc điều tra do các tổ chức khác nhau thực hiện (đã công bố trên báo chí) cho thấy, khoảng hơn 50% sinh viên tốt nghiệp đại học ở Việt Nam không tìm được việc làm đúng chuyên môn. Một bằng chứng cho thấy sự thiếu liên kết nghiêm trọng giữa giảng dạy và nhu cầu của thị trường. Có thể lấy việc Intel tuyển kỹ sư cho cơ sở sản xuất của họ ở thành phố Hồ Chí Minh làm ví dụ. Khi công ty này thực hiện một cuộc kiểm tra đánh giá theo tiêu chuẩn với 2.000 sinh viên Việt Nam chuyên ngành công nghệ thông tin, chỉ có 90 ứng viên, nghĩa là 5% vượt qua cuộc kiểm tra, và trong nhóm này chỉ 40 người có đủ trình độ tiếng Anh đạt yêu cầu tuyển dụng. Intel xác nhận rằng đây là kết quả tệ nhất mà họ từng gặp ở những nước mà họ đã đầu tư.

Tình trạng thiếu lao động chất lượng cao không chỉ xảy ra với các doanh nghiệp nước ngoài, mà ngay những công ty trong nước với đòi hỏi thấp hơn nhưng vẫn khó tìm được người bởi nhiều nguyên nhân. Anh Cao Văn Hội là cán bộ Công ty TNHH Song Hương cho biết, cán bộ công ty đã nhiều lần đến sàn giao dịch việc làm Hà Nội để tuyển nhân sự làm kế toán và giám sát, yêu cầu trình độ cao đẳng trở lên, vậy mà nhiều người đã rút lại hồ sơ vì cho rằng công việc này chưa hấp dẫn, trong khi họ đang thất nghiệp.

Do chương trình giáo dục đại học của nước ta nặng về lý thuyết, nhiều cơ sở đào tạo ở trong tình trạng thiếu giảng viên và trang thiết bị phục vụ học tập, dẫn đến tình trạng sinh viên mới tốt nghiệp tiếp xúc với thực tế đều tỏ ra lúng túng. Vừa qua, Tập đoàn Lotte ở Hà Nội nhận được 195 hồ sơ ứng tuyển của sinh viên mới ra trường, nhưng chỉ có 12 người trúng tuyển. Giám đốc nhân sự dự án Lotte Center Hanoi, ông Kwon Jae Young, cho biết: “Công ty có môi trường làm việc tốt, hiện đại nên đòi hỏi các nhân viên phải có chuyên môn vững. Ban đầu Tập đoàn sẽ tổ chức đào tạo định hướng cho nhân viên mới ở Việt Nam trong khoảng 10 ngày. Sau khi làm việc khoảng một năm, các nhân viên này sẽ được cử sang Hàn Quốc để tiếp tục đào tạo khoảng chín tháng nữa.” Ông cũng chia sẻ, phía công ty sẽ sẵn sàng hợp tác với nhà trường trong lĩnh vực đào tạo.

“Lệch” cơ cấu ngành trong giáo dục đại học cũng là vấn đề bất cập hiện nay. Thực tế cho thấy với các sinh viên tốt nghiệp khối ngành kinh tế, tài chính… sẽ có cơ hội việc làm tốt hơn các bạn học khối ngành khoa học cơ bản. Bạn Đinh Quang Vũ tốt nghiệp ngành Tâm lý học, đã nộp hồ sơ hết nơi này nơi khác mà không nơi nào chịu nhận. Vũ phải học thêm nghề thiết kế mới xin được làm việc cho một công ty quảng cáo tại Hà Nội. Trường hợp của bạn Nguyễn Thị Chuyển thì kém may mắn hơn. Chuyển là một sinh viên nghèo học giỏi, tốt nghiệp cao đẳng Lao động xã hội từ năm 2004, liên hệ mãi không xin được việc làm ở đâu nên cuối cùng lại về quê làm công nhân. Khác với Vũ và Chuyển, bạn Hoàng Thị Trang, sinh viên năm cuối Đại học Y, có năng lực lại đang học chuyên ngành mà xã hội đặc biệt cần, nhưng cũng không bớt âu lo: “Chúng em thi được vào trường đã khó, suốt sáu năm học vô cùng vất vả vì đặc thù nghề nghiệp phải chịu áp lực cao. Nhưng ra trường để xin được công việc theo nguyện vọng của mình thật khó. Nếu như không có “mối quan hệ” thì không vào làm được ở những nơi tốt...”

Một nguyên nhân khác chưa hẳn do trình độ, nhiều sinh viên có chuyên môn vững nhưng vẫn “rớt” việc làm, vì yếu “kỹ năng mềm”, xử lý những tình huống cụ thể chưa tốt, và điều đó làm “mất điểm” ngay từ lần đầu tiếp xúc với các nhà tuyển dụng.

Đâu là giải pháp?

Được hỏi về chất lượng đào tạo hiện nay ra sao? Phó Vụ trưởng Giáo dục đại học, ông Ngô Kim Khôi trả lời khá lạc quan: Thủy điện Sơn La do các kỹ sư nước ta làm đấy. Qua các cuộc thi quốc tế, các học sinh – sinh viên đã đem về nhiều huy chương danh giá cho đất nước. Vậy chất lượng giáo dục đại học phải phát triển thế nào mới được như thế chứ? Trường hợp thất nghiệp sau một thời gian ra trường, ít thôi.

Đặt vấn đề giải pháp nâng cao chất lượng đại học Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đến từ các nước phát triển đang đầu tư ở nước ta chia sẻ: Phải đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn nữa hỗ trợ cho việc giảng dạy và học tập; nâng cao trình độ giảng dạy và nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên; đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước; biên soạn lại giáo trình đào tạo phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng và thực thi chuẩn đầu ra.

Nâng cao chất lượng giáo dục đại học luôn là đòi hỏi cấp bách của thực tiễn đối với không chỉ ngành giáo dục mà toàn xã hội. Theo nhiều nhà nghiên cứu nhận định, để chất lượng đại học có hiệu quả phải nhanh chóng cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp. Cần thay đổi chính sách tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhân tài, trước hết trong cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Về phía ngành giáo dục, cần có “chiến lược chất lượng” rõ ràng và có kế hoạch, biện pháp cụ thể để thực hiện các chủ trương công tác đúng đắn như “ba công khai”, kiểm định chất lượng đào tạo, liên kết giữa các trường với đơn vị sử dụng lao động; kiên quyết chấm dứt hoạt động của các trường không đạt chuẩn.

Từ cuối năm 2010, Bộ Giáo dục- Đào tạo đã đề nghị phải xây dựng chuẩn đầu ra cho tất cả các ngành đào tạo. Và, tính đến thời điểm này hầu hết các trường ĐH, CĐ đã thực hiện và báo cáo lên Bộ. Đây là tín hiệu đáng mừng, hy vọng với những cố gắng của ngành giáo dục, bản thân các sinh viên và toàn xã hội, trong tương lai không xa bức tranh chất lượng đại học sẽ sáng sủa hơn.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Kinh nghiệm đào tạo của nhiều nước phát triển rất đáng cho các trường dạy nghề và đại học nước ta tham khảo. Ví dụ, mô hình liên kết giữa trường học với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp đầu tư 70%, nhà trường đầu tư 30% kinh phí cũng như thời gian học. Ở ta, ngay cả con số chỉ tiêu đào tạo hằng năm cũng không căn cứ trên kết quả điều tra và dự báo khoa học về nhu cầu của thị trường lao động.


Khúc Hồng Thiện

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất