Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 25/6/2010 9:40'(GMT+7)

Để thực hiện tốt Chương trình đổi mới giáo dục lý luận Mác-Lênin ở các trường đại học và cao đẳng

Thực tế này đặt ra một số vấn đề đối với cả giảng viên và sinh viên. Với giảng viên đòi hỏi trong tư duy không còn phân biệt ,yêu cầu sinh viên đại học hay sinh viên chuyên ngành này chuyên ngành khác phải học, phải hiểu nhiều hơn, sâu hơn… Đối với sinh viên yêu cầu chung là học tập, nắm vững những nguyên lý chung, cơ bản của học thuyết Mác-Lênin. Với những điều kiện, đặc điểm nêu trên tất yếu đặt ra nhiều câu hỏi. Truyền đạt những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin cho sinh viên là truyền đạt những gì? Từ thực tiễn sau một năm triển khai chương trình đổi mới này, chúng tôi thấy nổi lên một số vấn đề sau:

Trước hết phải khẳng định rằng với khối lượng nội dung lớn như trong giáo trình và với thời gian dành cho môn học như vậy thì không thể giảng dạy dàn trải theo toàn bộ nội dung mà theo chúng tôi, đó phải là truyền đạt và đòi hỏi sinh viên phải nắm vững được những khái niệm, những phạm trù cơ bản, mối liên hệ biện chứng giữa các phạm trù và những qui luật cơ bản thuộc các nội dung triết học, kinh tế chính trị và CNXH khoa học. Mặt khác cần ưu tiên những vấn đề gắn chặt với thực tiễn kinh tế-xã hội của nước ta hiện nay, giúp cho sinh viên hiểu hơn nội dung mình đang nghiên cứu và bài giảng sẽ luôn sinh động. Xác định và thực hiện những vấn đề nêu trên chính là giữ vững tính khoa học, tính thực tiễn - những nguyên tắc mang bản chất của học thuyết Mác-Lênin.

Về kết cấu của môn học : Kết cấu trong giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành năm 2009 cho thấy đó là sự lắp ghép dường như còn mang tính cơ học các nội dung triết học, kinh tế chính trị và CNXH khoa học. Tất nhiên dung lượng của mỗi phần đã được tinh gọn rất nhiều. Song theo chúng tôi nên chăng sắp tới cũng cần tiếp tục đổi mới, cải tiến, sắp xếp và kết cấu lại để các vấn đề được trình bày một cách có hệ thống, theo logic của bản thân những nội dung ấy. Chẳng hạn ở chương III: Chủ nghĩa duy vật lịch sử ở mục V: Vai trò của đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội đối với sự vận động, phát triển của xã hội có đối kháng giai cấp, trình bày khái niệm giai cấp, nguồn gốc giai cấp, vai trò của đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội đối với sự phát triển của xã hội có đối kháng giai cấp... Trong chương VII: Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, trình bày khái niệm giai cấp công nhân, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân… Ở đây có thể kết hợp nội dung của 2 chương này không? Theo chúng tôi: Nội dung nào (mục nào) có thể kết hợp nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học, tính giai cấp và tính cách mạng thì nên kết hợp để tinh gọn hơn, đồng thời tăng cường tính logic, giúp sinh viên nhận thức một cách có hệ thống. Với suy nghĩ như vậy thì khái niệm về giai cấp công nhân chính là sự phát triển của khái niệm về giai cấp nói chung. Điều kiện ra đời và tồn tại của giai cấp công nhân chính là cơ sở (cả kinh tế – xã hội, chính trị – xã hội) để lịch sử trao cho giai cấp này sứ mệnh lịch sử giải phóng toàn nhân loại khỏi áp bức bóc lột, tự giải phóng mình và giải phóng xã hội khỏi giai cấp tức xây dựng một xã hội không còn giai cấp. Tương tự như vậy các vấn đề về cách mạng XHCN (trong chương VII) cũng nên gắn với những nội dung của cách mạng xã hội nói chung trong chương III. Sau khi nêu những nội dung của cách mạng xã hội nói chung, việc trình bày về cách mạng XHCN chính là sự phát triển hơn nữa đồng thời người học thấy được : cách mạng XHCN - là loại hình cao của cách mạng xã hội.

Có thể có ý kiến cho rằng như vậy là phá vỡ kết cấu của môn học. Theo chúng tôi giờ đây với môn học mới là Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin là sự kết hợp, tích hợp 3 môn trước đây. Vậy thì kết hợp các vấn đề , nội dung như thế nào mà một mặt vẫn đảm bảo tính khoa học, tính cách mạng, tính thực tiễn của học thuyết Mác-Lênin, mặt khác, phải đảm bảo tính phát triển và logic của các nội dung nhằm tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên tiếp thu được những nguyên lý cơ bản ấy là việc cần thiết phải bàn. Trước mắt, việc triển khai giảng dạy môn Những nguyên lý cơ bản mới chỉ thực hiện trong thời gian ngắn cho nên rất cần rút kinh nghiệm, tiếp tục đổi mới biên soạn giáo trình nhằm làm cho môn học nhanh chóng thâm nhập dễ dàng hơn vào cuộc sống , vào tư duy nhận thức của người học.Việc kết cấu nội dung theo logic cũng phù hợp và tạo điều kiện để thực hiện chủ trương một giảng viên (cho dù theo chuyên môn như trước Triết học, kinh tế chính trị học, CNXH khoa học) đảm trách giảng dạy môn học từ đầu đến cuối.

Đồng thời sau mỗi chương, cần thiết biên soạn phần tiểu kết chương, nêu lên những nội dung chủ yếu, hệ thống nội dung của chương theo lôgíc chặt chẽ và hệ thống câu hỏi nhằm giúp người học tự nghiên cứu, tự hệ thống.

Đội ngũ giảng viên có vai trò quyết định tới đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận Mác-Lênin. Trong năm qua, ở các trường đại học, cao đẳng, các giảng viên vẫn được phân công giảng dạy theo chuyên môn cũ của mình (giáo viên triết giảng triết, giáo viên kinh tế chính trị giảng kinh tế chính trị và CNXH khoa học). Việc triển khai theo hướng một giảng viên (bất kỳ chuyên môn nào) giảng tất cả các nội dung chưa được thực hiện và đang gặp nhiều lúng túng, bất cập.

Cần phải khẳng định rằng xu hướng chung trong việc tổ chức giảng dạy là một giảng viên sẽ đảm trách cả 3 nội dung tách biệt trước đây là cần thiết, nhưng cũng rất cần nhìn nhận, xem xét đến thực trạng đội ngũ giảng viên hiện nay.

Đội ngũ giảng viên được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau theo chuyên ngành hẹp. Trong quá trình công tác các giảng viên cũng chỉ giảng dạy theo chuyên môn của mình. Qua nhiều năm giảng dạy, đội ngũ giảng viên hầu như không học tập, nghiên cứu, kết hợp những nội dung của chuyên môn khác (mặc dù cũng đã được học tập trong các môi trường khác nhau) vào nội dung chuyên ngành của mình. Nếu có thì ở mức độ rất hạn chế. Mặt khác bề dày kinh nghiệm giảng dạy và quản lý cũng như trình độ sư phạm của đội ngũ giảng viên là rất khác nhau. Với thực trạng như vậy, nay lại đảm nhận giảng cả 3 nội dung, đặt ra hàng loạt vấn đề cần giải quyết cho trước mắt và lâu dài.

Để đạt được yêu cầu này tất nhiên cần có thời gian song trước hết đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao trước sinh viên, trước xã hội của đội ngũ giảng viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 2 đợt tập huấn cho đội ngũ giảng viên, song như vậy chưa thể nói là đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Theo suy nghĩ của chúng tôi, nên đặt ra 2 mục tiêu để qua đó tổ chức thực hiện giảng dạy cho phù hợp .

Thứ nhất, các giảng viên phải tự học tập nắm vững kiến thức tổng hợp của cả 3 bộ môn, để từ đó có thể vận dụng nhuần nhuyễn vào bài giảng.

Thứ hai, trong quá trình tổ chức thực hiện, nhà trường, bộ môn lý luận chính trị cần triển khai các bước cụ thể:

Yêu cầu các giảng viên xây dựng bài giảng, giáo án… kỹ lưỡng, có sự thảo luận đóng góp của các chuyên môn khác nhau, hình thành bài giảng chuẩn trong đó cần khẳng định những nội dung chủ yếu. Sau đó tổ chức giảng thí điểm với sự tham dự của các giảng viên chuyên ngành khác, cùng rút kinh nghiệm, đóng góp bổ sung cho nhau. Đồng thời lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về mức độ tiếp thu của họ qua đó đánh giá được hiệu quả bài giảng. Trên cơ sở chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy sẽ triển khai trên diện rộng.

Thứ ba, cần tạo ra diễn đàn để các giảng viên và sinh viên trao đổi nội dung, phương pháp dạy và học phù hợp với yêu cầu của đổi mới. Ở trường Đại học Tôn Đức Thắng mỗi khoa đều có trang web, nhà trường có tạp chí khoa học, đó là điều kiện thuận lợi để xây dựng và mở rộng trao đổi thông tin, nâng cao tính chủ động, say mê của người học./.

 TS Nguyễn Công Hưng
Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất