Thiết thực hóa "quốc sách hàng đầu"
Giáo dục là “quốc sách hàng đầu” trong sự nghiệp phát triển đất nước. Đây không chỉ là “quốc sách” của nước ta, một nước đang phải ngậm đắng nuốt cay chịu đựng một vị thế không lấy gì vẻ vang trong bảng xếp hạng các nước đang phát triển mặc dầu chúng ta luôn nói đến “truyền thống văn hiến” như một thế mạnh của ta.
Đây là một quy luật của phát triển được thế giới đúc kết từ thực tiễn của hầu hết các quốc gia đang chiếm lĩnh những vị thế của những nước đã phát triển hoặc những nước đang đang có những bứt phá ngoạn mục.
Xin chỉ gợi ra đây một dòng tin vắn cứ đọng lại mãi trong suy tư về cách người ta thực thi “quốc sách hàng đầu”. “Quốc sách” được thể hiện trong những giải pháp cụ thể và thiết thực nhưng phải khởi nguồn từ quyết định ở tầm vĩ mô. Đó là thông tin về chuyện giảm tiếng ồn, chống kẹt xe ở Hàn Quốc. Chuyện như sau:
Các kỳ thi giữa năm học của học sinh cấp hai và cấp ba sẽ được tổ chức trong những ngày 16-18.9 và 23-25.9, vì vậy, trong tháng 9 .2009, quân đội nước này sẽ cố giảm tiếng ồn ảnh hưởng đến việc làm bài của các học trò. Các cuộc tập bắn sẽ tạm ngưng, các máy bay phản lực bị cấm cất cánh hoặc hạ cánh, trừ trường hợp khẩn cấp, ít nhất 20 phút mỗi ngày lúc học trò làm bài thi kỹ năng nghe tiếng Anh.
Cùng với giảm tiếng ồn, cho dù tiếng ồn ấy là do quân đội phải thực thi nhiệm vụ quốc phòng, sẽ sắp xếp lại giờ cao điểm để giảm bớt lượng xe cộ trong thời gian diễn ra cuộc thi kỹ năng của các trường cao đẳng vào tháng 11!
Thì ra, “quốc sách hàng đầu” nhiều khi lại phải được hiện thực hóa trong những giải pháp hết sức cụ thể, thiết thực như vậy chứ không chỉ nằm đóng khung trong những khẩu hiệu. Không “khẩu hiệu”, không “đại ngôn”, nhưng phải định hình từ một tầm nhìn đủ để đưa ra được những quyết sách nhằm hiện thực hóa mục tiêu phải đạt được bằng những bước đi vững chắc và những giải pháp sống động.
Có được điều đó không dễ, lại nhớ đến ao ước của Montesquieu, nhà Khai sáng Pháp thuộc thế hệ thứ nhất, khi ông viết: “Tôi sẽ là người sung sướng nhất đời nếu có cách gì làm cho người cầm quyền tăng thêm tri thức về những việc mà họ phải quản lý, và làm cho người thừa hành thêm hứng thú khi họ tuân lệnh”.
Phải tìm cho ra “cách gì” mà người được xem là cha đẻ của tư tưởng về Nhà nước pháp quyền ao ước ấy rồi mới có thể nói đến “quốc sách”, “chính sách”, “thượng sách”, “hạ sách” được. Cách mà nhà Khai sáng Pháp nói chính là bản lĩnh của người quản lý thể hiện trong năng lực điều hành guồng máy hoạt động xã hội. Muốn có bản lĩnh đó, đương nhiên phải có trí tuệ. Trí tuệ ấy phải được thường xuyên bổ sung và nâng cao để thích nghi được với sự phát triển của cuộc sống. Thước đo của bản lĩnh ấy là hiệu qủa trong hoạt động quản lý.
Và chắc chắn rằng, mục tiêu của “quốc sách hàng đầu” càng không thể được nhìn nhận một cách hời hợt đến thế.
Tư duy về "quốc sách"
Dẫn ra câu chuyện “giảm tiếng ồn”, một chuyện rất cụ thể thiết thực, không hiểu có được gọi là “tư duy đột phá” để phải người có học vị tiến sĩ mới nghĩ ra không, nhưng chắc chắn phải được khởi nguồn từ một nhận thức sâu sắc sự quan tâm đặc biệt đến việc học của con em, đối tượng cụ thể của “quốc sách hàng đầu”!
Chuyện cất cánh, hạ cánh của máy bay phản lực, lại là phản lực quân sự, mà vì các trò nhỏ cần phải tập trung tư tưởng làm bài thi kỹ năng, cũng phải tạm gác lại. Rõ ràng lệnh này phải được ban ra không phải từ một chỉ huy sân bay, hay của một đơn vị huấn luyện tác chiến. Và chắc cũng không là lệnh của riêng ông Bộ trưởng Quốc phòng!
Rồi chuyện sắp xếp lại giờ cao điểm nhằm giảm lượng xe cộ lưu thông trên đường để không ảnh hưởng đến các thí sinh cao đẳng đi thi thì chắc không chỉ do sự sắp xếp của riêng ngành giao thông một quận, một thành phố nào đó.
Những giải pháp sống động thường lại rất cụ thể, thiết thực được nảy sinh trong cuộc sống mà guồng máy vận hành của hoạt động quản lý biết phát hiện và đưa ra những quyết định. Muốn thế, nhà quản lý phải thường xuyên “tăng thêm tri thức về những việc mà họ phải quản lý”, điều mà Montesquieu nói.
Cứ thử đặt mình vào trong cuộc, giả dụ như việc giải quyết “các lô cốt” đang làm tắc nghẽn mạch máu lưu thông đô thị tại một thành phố lớn nhất nước của ta, mà cố hình dung chuyện đưa ra giải pháp chống tiếng ồn, chống lưu lượng xe cộ làm cản trở thí sinh đi thi nói trên mới cảm nhận đủ ý nghĩa của việc ban hành và thực thi có hiệu quả những giải pháp ấy.
Chuyện ách tắc giao thông do việc dựng các “lô cốt”, cũng là chuyện chẳng đặng đừng, mà không phải do ai đó muốn "bây" ra để kiếm chác rồi tháo gỡ mãi chưa ra, gây lãng phí không biết bao nhiêu tiền của của nhà nước, lớn hơn nữa là tiêu hao “vốn xã hội” diễn ra suốt ngày dài lại đến đêm thâu không sao đo đếm xuể, hiểu ra điều đó thì mới thấy chuyện “giảm tiếng ồn” đi liền “giảm lưu lượng xe cộ” nói trên chắc không là chuyện có được trong ngày một ngày hai.
Đây là hệ quả của sự liền mạch trong điều hành vĩ mô được tạo dựng từ sự tuyển chọn chuyên gia, đào tạo viên chức, xây dựng bộ máy quản lý! Và chuyện ấy lại gắn rất chặt với “quốc sách hàng đầu” mà chúng ta đang nói.
Phải chăng lực đẩy cho việc cất cánh, hạ cánh của những chiếc máy bay phản lực quân sự kia đang được hun đúc, tinh luyện từ trên ghế nhà trường, mà vì để giảm tiếng ồn tránh làm mất tập trung tư tưởng cho các học sinh làm bài thi, các máy bay phản lực ấy phải theo đúng nghiêm lệnh về cất, hạ cánh.
Cho nên, nếu không ý thức được rằng: không chăm lo tích góp và hiện đại hóa lực đẩy ấy khi chúng mới manh nha từ những mầm sống hiện đại trong các cháu nhỏ, các cô cậu học sinh đang cắp sách đến trường, sẽ không sao có được những chiếc phản lực ngày càng hiện đại trong thế kỷ XXI.
Do đó, chuyện “giảm tiếng ồn” của máy bay phản lực, xem ra, phải từ một ứng xử đúng tầm của người hiểu rõ “quốc sách hàng đầu” để đưa ra những quyết định. Và rồi những quyết định ấy nhanh chóng được thực thi.
Tháng 9 này, con em chúng ta đang đến trường trong sự rình rập của cúm H1N1, trong ùn tắc giao thông, trong những chuyến đò sang ngang đầy bất trắc, trong những ngôi trường chưa có nhà vệ sinh, các trò nhỏ miền núi chân đất đến trường… mong sao chúng ta sẽ có những giải pháp “giảm tiến ồn”, “giảm tắc nghẽn và giảm tai nạn giao thông” để thiết thực và cụ thể biểu tỏ tình cảm và trách nhiệm trong việc thực thi “quốc sách hàng đầu” của chúng ta.
Mà thật ra, rất nhiều vấn đề thuộc về việc thực hiện “quốc sách hàng đấu” lại nằm trong những lĩnh vực không thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành giáo dục đào tạo.
Chỉ nói một chuyện hết sức cụ thể: hình như ngày nay không còn được thấy cảnh giờ tan trường, các cháu nhỏ cấp 1 ríu rít ào ra khỏi cổng trường, từng tốp nhỏ tản ra các đường phố vừa nhảy chân sáo, vừa cười đùa râm ran dọc phố, cho đến khi rẽ vào cổng nhà mình.
Bây giờ, bố mẹ phải đưa đón con tận cổng, không dám cho con đi một mình, cho dù nhà cách trường không xa, vì có đủ các nỗi sợ: sợ tai nạn giao thông, sợ bị cướp giật, sợ bị dụ dỗ bởi bọn bất lương...
Tóm lại là họ sợ sự bất trắc đang thường xuyên rình rập các cháu nhỏ, những mầm non của tổ quốc! Khắc phục nỗi bất an ấy phải chăng cũng thuộc phạm trù “quốc sách hàng đầu”?
Tương Lai (TuanVietNam ) “