Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết kết quả nổi bật trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh năm qua?
Đ/c Lê Thị Lựu: Trong năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em của tỉnh ta đạt được những kết quả nổi bật. Hầu hết các em được đáp ứng các quyền cơ bản, được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh: 100% trẻ em được đăng ký khai sinh; trẻ em được tiêm chủng đầy đủ đạt 98%; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ và được ưu tiên khám, chữa bệnh miễn phí; 100% đơn vị cấp xã được công nhận tiếp tục đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục THCS...
Lớp học vẽ cho thiếu nhi tại Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh. Ảnh: Minh Quang
Ngoài ra, Sở LĐTBXH còn chú trọng chăm lo đến đời sống tinh thần cho trẻ em như tổ chức đưa trẻ em đi tham dự các Diễn đàn trẻ em cấp quốc gia, tổ chức diễn đàn trẻ em cấp xã; triển khai các mô hình câu lạc bộ “Quyền trẻ em”, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em; hoạt động trải nghiệm về nguồn… thu hút nhiều trẻ em tham gia. Vào ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, Sở LĐTBXH phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức thăm, tặng quà các đối tượng trẻ em trong tỉnh với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, Sở LĐTBXH cũng chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan thường xuyên tuyên truyền công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại cộng đồng như: Tổ chức tư vấn trực tiếp cho đội ngũ cán bộ xã, giáo viên các trường THCS, Tiểu học, Mầm non, các tổ chức quần chúng và đại diện hộ gia đình có trẻ em về các kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, xâm hại, bạo lực, bóc lột cho trẻ em; In ấn băng zôn, khẩu hiệu, tờ rơi tuyên truyền về kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại, bạo lực, bóc lột, sao nhãng trẻ em; phòng tránh TNTT cho trẻ em, đặc biệt là phòng tránh đuối nước ở trẻ em… Qua đó, trẻ em được chăm sóc, giáo dục và bảo vệ toàn diện, hiệu quả.
PV: Thực tế hiện nay vẫn còn những trẻ em phải sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Ngành đã có những hoạt động cụ thể gì để huy động sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng dành cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ấy, thưa đồng chí?
Đ/c Lê Thị Lựu: Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 239.439 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 25,3% tổng dân số. Trong đó, có 5.053 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 2,11% tổng số trẻ em. Thời gian qua, công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có bước chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em được phát triển hài hòa về thể chất, trí tuệ và tinh thần, giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên hòa nhập cộng đồng. Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho trẻ em thuộc đối tượng Bảo trợ xã hội. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp hiện nay đạt 87,6%; bình quân mỗi năm hỗ trợ kinh phí phẫu thuật cho 15 trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh; 60 trẻ em khuyết tật vận động; 30 trẻ em bị sứt môi, hở vòm họng; trao hàng trăm suất học bổng, bảo trợ dài hạn, 40 xe đạp; tặng gần 100.000 hộp sữa tươi, sữa bột, 10 máy giặt… cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 2 tỷ đồng mỗi năm. Đồng thời phối hợp với các tổ chức, bệnh viện khám sàng lọc, tư vấn, phẫu thuật tim bẩm sinh, khuyết tật vận động cho hàng trăm trẻ em. Đặc biệt mỗi dịp Tết đến, Xuân về... Sở LĐTBXH tham mưu với UBND tỉnh tặng quà cho 145 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại các xã, phường, thị trấn; trẻ em đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh; trẻ em tại Trường Giáo dưỡng số 2, với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng.
Ngoài việc thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước thì hàng năm, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng tích cực vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhận đỡ đầu, tặng quà, học bổng, xe đạp, hỗ trợ kinh phí phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật. Hiện nay, ngành đang triển khai chương trình “Cặp lá yêu thương” cho 29 trẻ em; chương trình “học bổng bảo trợ dài hạn” cho 6 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; chương trình phẫu thuật cho trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo; chương trình phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật vận động; chương trình phẫu thuật cho trẻ em bị sứt môi, hở vòm họng…
PV: Xin đồng chí cho biết chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 là gì? Ngành LĐTBXH sẽ tập trung vào những hoạt động trọng tâm nào?
Đ/c Lê Thị Lựu: Để thực hiện hiệu quả quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và thế giới công nghệ số, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chọn chủ đề Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 là: “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”. Chủ đề này nhằm tăng cường và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, gia đình và chính các em trong việc thực hiện tốt Luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường mạng.
Để chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em tạo nên sức lan tỏa rộng khắp, ngành LĐTBXH sẽ phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh truyền thông và quảng bá sản phẩm truyền thông về đảm bảo an toàn lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số và môi trường mạng; tuyên truyền nhận thức cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ về mặt tích cực và tiêu cực của môi trường mạng đối với trẻ em; tuyên truyền để các nhà trường dạy cho trẻ kỹ năng sử dụng công nghệ số; tổ chức lồng ghép các nội dung sinh hoạt hè gắn với chủ đề Tháng hành động vì trẻ em năm 2018; phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các điểm truy cập internet, điểm kinh doanh trò chơi điện tử công cộng...
Cũng trong Tháng hành động vì trẻ em, Sở LĐTBXH cũng chỉ đạo các địa phương, đoàn thể tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích, lành mạnh và an toàn cho trẻ em; thăm, tặng quà cho các cháu thiếu nhi nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tai nạn giao thông, tai nạn đuối nước cho trẻ em; tiếp tục vận động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hảo tâm nhận đỡ đầu, tặng quà, tặng học bổng cho trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ kinh phí phẫu thuật cho trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh; trẻ em bị khuyết tật vận động; trẻ em sứt môi – hở vòm miệng...
PV: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện!
Theo báo Ninh Bình