Thứ Bảy, 23/11/2024
Môi trường
Thứ Năm, 15/3/2018 9:10'(GMT+7)

Đề xuất các giải pháp phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công

Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Hội nghị có tham gia của đại diện 17 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam nhấn mạnh: Hiện nay, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã được mở rộng thêm 5 tỉnh Tây Nguyên. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các con sông suy giảm dòng chảy mùa kiệt, biến động dòng chảy mùa lũ, gây ra các tác động nghiêm trọng tới đời sống xã hội và phát triển kinh tế tại các địa phương. Vì vậy, Việt Nam có trách nhiệm cùng với các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Công tham vấn về các chính sách lớn, các vấn đề pháp lý, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, dự án cấp bách liên quan tới địa phương, liên quan tới vùng, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Theo đánh giá của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, năm 2018 được dự báo là năm tiếp tục có nhiều biến động về khí tượng thủy văn trên lưu vực sông Mê Công. Biến đổi khí hậu cùng với các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục là thách thức đối với phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Trong bối cảnh gia tăng các hoạt động phát triển ở thượng nguồn sông Mê Công, gây tác động bất lợi tới Việt Nam, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cần phải rà soát lại các nhiệm vụ, kiện toàn tổ chức; triển khai nghiên cứu tác động chi tiết của phương án phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Công; xây dựng các biện pháp ứng phó; chủ động đề xuất các chủ trương, đối sách của Việt Nam.

Những đề xuất, kiến nghị, đối sách cụ thể này sẽ được trình lên Chính phủ để chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao lần thứ ba của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, sẽ diễn ra vào tháng 4/2018 tại Siêm Riệp, Campuchia.

Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở hạ lưu châu thổ sông Mê Công có diện tích gần 4 triệu ha, chiếm 12% diện tích toàn quốc và 5% diện tích lưu vực sông Mê Công. Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và là địa bàn trọng điểm trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia, đóng góp 50% sản lượng lương thực, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Sông Sê San và Srêpôk ở Tây Nguyên là hai sông nhánh chính phía bờ trái của sông Mê Công. Lưu vực của hai sông này nằm trên địa phận 5 tỉnh Tây Nguyên và có nguồn tài nguyên nước phong phú kết hợp với địa hình dốc được xem là lợi thế để phát triển thủy điện, tưới tiêu, cấp nước công nghiệp, sinh hoạt góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống của người dân.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất