Triển lãm là dự án hợp tác trao đổi văn hoá giữa Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Học viện nghệ thuật Umea sẽ kéo dài từ ngày 11/12 tới 26/12 tại Trung tâm phòng lý thuyết khoa Sư Phạm, Trường Đại Học Mỹ thuật Việt Nam - 42 Yết Kiêu, Hà Nội.
Không giống với những triển lãm thông thường tụ họp các nghệ sĩ, các tác phẩm dưới cùng một chủ để mà mỗi người đã có sẵn, đang quan tâm, triển lãm lần này được hình thành nên từ quá trình làm việc và sự hỗ trợ song song giữa các curator và nghệ sĩ. Ở đó có những cuộc trao đổi liên tục, nhiều khi là tranh luận gay gắt về ý tưởng bình đẳng cũng như làm sao có thể biểu đạt nó một cách trực diện nhất thông qua ngôn ngữ tạo hình. Đây cũng là cách buộc người ta phải thay đổi thói quen ngại lập ngôn của các nghệ sĩ, họ chỉ làm còn phần nói thì dành cho các nhà phê bình.
Triển lãm sẽ mang tới vở sắp đặt “Nấc thang” của Curator Bùi Thị Thanh Mai - Nghệ sĩ: Lê Văn Sửu; Video và sắp đặt “Áo suất” của Curator Trần Hậu Yên Thế - Nghệ sĩ: Lại Thị Diệu Hà; Tranh sơn mài “Dòng sống khát” của Curator Trần Quốc Bình - Nghệ sĩ: Nguyễn Thanh Nga; Sắp đặt “Tiếng rao đêm” của Curator Trang Thanh Hiền - Nghệ sĩ Vương Thạo; Sắp đặt “Bàn tròn mơ ước” của Curator Giang Nguyệt Ánh - Nghệ sĩ Nguyễn Nghĩa Phương; Sắp đặt “Cẩm nang bình đẳng” của Curator Bùi Bích Thuỷ - Nghệ sĩ Vũ Đức Toàn; “Barie” của Curator Nguyễn Hữu Đức - Nghệ sĩ Đặng Thị Khuê; Tranh bột màu “Biển 1 - 2 - 3 – 4” của Curator Đặng Phong Lan - Nghệ sĩ Diệp Quý Hải.
Bình đẳng hay không bình đẳng nhiều khi chỉ là vấn đề rất cá nhân của nghệ sĩ, như tác phẩm của Lại Thị Diệu Hà xuất phát từ những ẩn ức thời niên thiếu sống và lớn lên trong một gia đình không có tổ ấm. Thân phận của người phụ nữ và ý tứ tác phẩm sắp đặt kết hợp với video art của cô được nảy ra từ tứ thơ bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương để tạo thành một trái phá nhắc người ta về sự bình đẳng giới. Đặng Thị Khuê lại quan sát sự bình đẳng này dưới con mắt của người từng trải để thấy được cái gianh giới của những rào cản vô hình được tạo lập nên bởi mỗi cá nhân.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, thì bình đẳng còn là cuộc chơi, là vấn đề cần được đặt lên bàn của các nhà đầu tư. “Bàn tròn mơ ước” của Nguyễn Nghĩa Phương là sự bình đẳng được đánh đổi giữa kinh tế và văn hóa, giữa số phận của những người nông dân và việc phát triển các sân golf để phục vụ lợi ích thú vui cho một số ít người. Còn Lê Văn Sửu câu hỏi về sự bình đẳng lại được tập chung vào hình ảnh cái ghế biểu tượng cho sự thăng tiến trong xã hội tham nhũng và là nguồn gốc của không ít những sự bất bình đẳng khác. Với Vương Thạo, thì một chính sách cải cách xã hội đã khiến mất đi một nét văn hóa Việt rất đặc trưng. Ở đó các giá trị về nhân quyền được đặt ra.
Với những cách đặt vấn đề nhìn từ nhiều góc độ khác nhau của cuộc sống đương đại, triển lãm bình đẳng có thể xem như một cánh cửa mở ra những hướng nhìn và sự đánh giá khác nhau trên quan điểm có hay không sự bình đẳng.
Đây cũng là lần đầu tiên một vấn đề mang tính xã hội trên một khái niệm rộng được đề cập đến trong một triển lãm mỹ thuật và thông qua các ngôn ngữ tạo hình khác nhau, đồng thời cũng là cơ hội để mọi người có được những chiêm nghiệm thú vị về giá trị của sự bình đẳng.
Theo Thiên Lam (Vnmedia)