Thứ Sáu, 29/11/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 30/8/2011 13:53'(GMT+7)

Điện Biên: Giáo dục vùng sâu tự tin vượt khó

Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Thị Nghĩa làm việc với UBND tỉnh Điện Biên về việc triển khai các đề án, quyết định của Chính phủ

Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Thị Nghĩa làm việc với UBND tỉnh Điện Biên về việc triển khai các đề án, quyết định của Chính phủ

 Do đi học xa, thiếu ăn, không có chỗ ở... nên việc duy trì sĩ số học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng đặc biệt khó khăn luôn là một thách thức lớn đói với các cấp chính quyền và nhà quản lý giáo dục. Mấy năm trở lại đây thực trạng này đã được cải thiện rất nhiều nhờ vào công tác xã hội hóa giáo dục. Nhưng về lâu về dài chưa phải là giải pháp tối ưu để giáo dục ở vùng sâu, xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn phát triển bền vững.

Năm học 2010 - 2011, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 183 trường phổ thông với 20.465 học sinh bán trú, số trường có học sinh bán trú chiếm 62,8%. Tại các trường có 1.586 phòng nội trú, trong đó chỉ có 725 phòng nội trú kiên cố với 63 bếp ăn tập trung, 82 công trình nước,  91 công trình vệ sinh được huy động bằng các nguồn vốn: Chương trình 135, vốn xây dựng cơ bản tập trung hàng năm của tỉnh, vốn các nhà tài trợ...

Hiện số phòng ở nội trú chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu ở nội trú của học sinh. Số học sinh phải đi ở nhờ, thuê trọ hoặc dựng lều tạm trên 10.000 em. Nhà ở của các em chủ yếu mang tính tự phát, đáp ứng nhu cầu cấp bách giải quyết khó khăn trước mắt nên không đảm bảo về diện tích, thiếu độ an toàn, độ bền vững, ánh sáng... ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, học tập.

Điều kiện học sinh bán trú đa số hoàn cảnh gia đình khó khăn, các em ở rải rác nên rất khó khăn việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng... Trường có học sinh bán trú không có cán bộ phụ trách, nhân viên y tế. Việc quản lý ở các trường sau giờ lên lớp chủ yếu giao cho giáo viên chủ nhiệm làm công tác kiêm nhiệm, theo dõi học sinh bán trú lớp mình. Giáo viên kiêm nhiệm không được hưởng chế độ, chưa có kiến thức hiểu biết quản lý học sinh bán trú, nên không thể sát sao đạt được hiệu quả.  

Khu nhà nội trú của trường PTDTBT Mường Mùn, huyện Tuần Giáo sẽ được kiên cố hóa (trong giai đoạn 2011 - 2015)
Khu nhà nội trú của trường PTDTBT Mường Mùn, huyện Tuần Giáo sẽ được kiên cố hóa (trong giai đoạn 2011 - 2015)

Thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đầu năm học 2011 - 2012 toàn tỉnh có 45 trường (20 trường tiểu học, 25 trường THCS) đủ đều kiện đổi tên thành lập trường PTDTBT.

Sở Giáo dục - Đào tạo lên kế hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt giai đoạn 2011 - 2015, 100% trường PTDTBT được xây dựng kiên cố với 105 trường; 1.569 phòng ở nội trú, 6.276 giường tầng, 148 nhà tắm, 174 công trình vệ sinh, 85 bếp ăn, 117 phòng ăn; 100 công trình nước, 18.278 dụng cụ thể thao sinh hoạt văn hóa, văn nghệ.

Đề án phát triển giáo dục dân tộc rất ít người, xây dựng mới 16 phòng học, 17 phòng công vụ, 7 công trình vệ sinh, 7 công trình nước và 4 tường bao, sân chơi... tại các xã: Pa Thơm (huyện Điện Biên), Chung Chải, Nậm Kè, Pa Tần (huyện Mường Nhé). Năm học 2012 - 2013, 100% trường PTDTBT được bổ sung biên chế đầy đủ theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, hợp đồng nhân viên làm nhiệm vụ nuôi dưỡng và bảo vệ.

Các trường PTDTBT thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên theo thông tư số 24/2010/TT - BGD&ĐT. Hàng năm Sở tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản lý, chăm sóc và giáo dục học học sinh cho từ 20 - 25% cán bộ, giáo viên của 100% trường phổ thông có học sinh bán trú.

Phòng ăn được xây dựng kiên cố hóa ở trường PTDTBT Tiểu học Chà Nưa, huyện Mường Chà.
Phòng ăn được xây dựng kiên cố hóa ở trường PTDTBT Tiểu học Chà Nưa, huyện Mường Chà.

Vào năm học mới, nhiều chính sách ưu đãi của Chính phủ và kế hoạch đề ra của UBND tỉnh Điện Biên sẽ là động lực, góp phần quan trọng tạo ra diện mạo mới cho sự nghiệp giáo dục ở vùng sâu, khó khăn.


Phạm Kiên Cường/GD&TĐ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất