Chủ Nhật, 24/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Tư, 6/12/2017 11:11'(GMT+7)

Định hình và phát triển nền sản xuất công nghiệp thông minh trong tương lai

Chiều 5/12, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội thảo và Triển lãm quốc tế về phát triển công nghiệp thông minh (Smart Industry World 2017) đã diễn ra 3 hội thảo chuyên đề "Đổi mới các ngành sản xuất với công nghệ đột phá: xu hướng và giải pháp"; “Thúc đẩy phát triển thương mại và dịch vụ trong kỷ nguyên số”; “Chiến lược xây dựng đô thị thông minh”. Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG tổ chức.
 

Đổi mới các ngành sản xuất với công nghệ đột phá

Phát biểu khai mạc hội thảo chuyên đề "Đổi mới các ngành sản xuất với công nghệ đột phá: xu hướng và giải pháp", Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát nhấn mạnh: Công nghiệp thông minh với nhiều công nghệ đột phá là sự kết hợp tiến bộ kỹ thuật trong các lĩnh vực vật lý, số hóa, sinh học, nhiều lĩnh vực khác, từ đó xuất hiện ngày càng nhiều ngành nghề kinh doanh mới với chất lượng, hiệu quả khác biệt vượt trội. 

Cùng với đó, nguồn lao động giá rẻ có thể sẽ mất dần lợi thế do tự động hóa, robot hóa trong công nghiệp. Công nghệ thông tin có thể sẽ làm giảm lợi thế của phương thức sản xuất tập trung. Tài nguyên thiên nhiên từng bước được thay thế bởi vật liệu tổng hợp mới. Những tiến bộ lớn về công nghệ trong sản xuất năng lượng tái tạo (như năng lượng mặt trời, gió) đang nhanh chóng làm giảm giá thành, từ đó giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch...

Đứng trước bối cảnh mới, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng chiến lược, chính sách, huy động nguồn lực để thực hiện. Việt Nam là quốc gia đang trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc phát triển công nghiệp thông minh với các công nghệ đột phá là cần thiết để tạo điều kiện nâng cao năng suất lao động, năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. 

Nếu không nhanh chóng chuyển đổi sang các công nghệ đột phá theo xu hướng mới, Việt Nam sẽ đối mặt với các thách thức, tác động tiêu cực như: tụt hậu hơn về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp;suy giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế…

Ông Kishore Natarajan, Giám đốc điều hành khối Chiến lược kinh doanh toàn cầu, Tập đoàn Schneider Electric đánh giá: Công nghệ số tạo ra giá trị trong 3 lĩnh vực quan trọng: vận hành hiệu quả và tăng lợi nhuận; lực lượng lao động được phân quyền; hiệu suất sử dụng tài sản. Cơ hội kinh doanh đến từ công nghệ kết nối không chỉ là sự thay đổi về kỹ thuật số mà còn là sự thay đổi mang tính cạnh tranh, đặt ra yêu cầu chuyển đổi mô hình kinh doanh với mức độ an toàn và an ninh mạng mới. Đại diện Tập đoàn FPT cũng nêu rõ: Trong thời đại mới đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ và đạt được hiệu quả cao của nhiều doanh nghiệp khi ứng dụng công nghệ thông tin; nhất là "sự phát triển đột phá với trí tuệ nhân tạo và công nghệ robot".

Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH, cho rằng: Nông nghiệp 4.0 là ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào nông nghiệp, dựa trên các thiết bị thông minh. Nông nghiệp 4.0 mở đường cho sự tiến hóa tiếp theo, bao gồm những hoạt động không cần sự có mặt trực tiếp của con người. Cần thiết phải mở ra một kỷ nguyên công nghệ cao mới, tại đó tự động hóa và dữ liệu cập nhật có thể giúp nông dân Việt Nam giải quyết nhiều thách thức trong tương lai, tập trung sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Các chuyên gia trong nước, quốc tế đã phân tích, thảo luận sâu những xu hướng công nghệ của một số ngành sản xuất; yêu cầu đặt ra, khả năng ứng dụng công nghệ số, công nghệ sinh học, vật liệu mới, robot, năng lượng tái tạo, công nghệ in 3D, internet vạn vật, các bộ cảm biến có độ chính xác cao vào các ngành, lĩnh vực, nhất là nông nghiệp thông minh, công nghiệp chế tạo, cơ khí chính xác, công nghiệp năng lượng với mức độ tự động hóa cao… 

Các chuyên gia cũng chia sẻ kết quả, kinh nghiệm của doanh nghiệp trong việc lựa chọn công nghệ, đầu tư phát triển công nghiệp thông minh; làm rõ vướng mắc về thể chế, chính sách; đề xuất giải pháp thiết thực, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận, lựa chọn và nâng cấp lên công nghệ sản xuất hiện đại.

Thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ trong kỷ nguyên số

Còn tại Hội thảo “Thúc đẩy phát triển ngành thương mại dịch vụ trong kỷ nguyên số”, các đại biểu đã phân tích làm rõ các điều kiện để phát triển các ngành thương mại, dịch vụ trong kỷ nguyên số tại Việt Nam; tiềm năng, thế mạnh, cơ hội và thách thức trong phát triển ngành thương mại dịch vụ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Một số chuyên gia cũng đánh giá cụ thể việc ứng dụng khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ tại Việt Nam, đặc biệt là một số lĩnh vực sớm chịu tác động như ngân hàng - tài chính, y tế, giáo dục, thương mại điện tử, du lịch, giao thông vận tải…; thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai trên thực tế, khả năng thích ứng với những thay đổi mang tính bước ngoặt trong hoạt động của ngành, đơn vị.

Một số đại biểu đã đề xuất các giải pháp trong từng lĩnh vực để có thể nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hiện thực hóa trong vận dụng vào điều kiện Việt Nam; cơ chế, chính sách để phát triển các ngành thương mại dịch vụ trong kỷ nguyên số; những kinh nghiệm quốc tế mà Việt Nam có thể tham khảo, vận dụng.

Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, trong bối cảnh các thành tựu khoa học công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên thế giới có tác động sâu sắc đến phương thức sản xuất và tiêu dùng, lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng phải thay đổi mang tính đột phá, cách mạng. Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đến năm 2020 phấn đấu tỷ trọng dịch vụ trong GDP khoảng 45%. Để nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam cần nhanh chóng có định hướng tiếp cận, chương trình hành động cụ thể, rõ nét trong từng ngành, lĩnh vực nhất là đối với các ngành, lĩnh vực đang chịu tác động mạnh như ngân hàng - tài chính, y tế, giáo dục, thương mại điện tử, du lịch, giao thông vận tải…

Xây dựng đô thị thông minh lấy người dân làm trung tâm

Tại Hội thảo chuyên đề “Tầm nhìn và chiến lược xây dựng đô thị thông minh”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm tham luận: Xây dựng đô thị thông minh đang là xu thế của nhiều đô thị trên thế giới. Cho dù có sự khác nhau về tầm nhìn và cách triển khai nhưng tất cả đều thống nhất sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông là phương tiện nhằm giải quyết tốt hơn các áp lực lên đô thị xung quanh 6 lĩnh vực gồm: kinh tế thông minh, quản trị thông minh, giao thông thông minh, môi trường thông minh, cuộc sống thông minh và cư dân thông minh.

Thứ trưởng Phan Tâm nêu bật một số bài học kinh nghiệm chủ yếu trong xây dựng đô thị thông minh như: Phải lấy người dân làm trung tâm, công nghệ thông tin là phương tiện hỗ trợ; hình thành được môi trường pháp lý về chia sẻ dữ liệu, bảo vệ an toàn thông tin. Về tổ chức, cần kết hợp cả hai cách tiếp cận từ trên xuống và từ dưới lên, trong đó chính quyền địa phương đóng vai trò chủ động. Về thị trường, cần tạo môi trường thúc đẩy doanh nghiệp có cơ hội phát triển nhưng phải cân bằng được lợi ích giữa ba chủ thể chính là chính quyền, người dân và doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, hơn 20 địa phương trong cả nước đang xây dựng các đề án phát triển đô thị thông minh, trong đó một số địa phương đã phê duyệt đề án tổng thể như Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bình Dương… Hầu hết những khó khăn mà Việt Nam đang gặp phải trong xây dựng đô thị thông minh cũng tương tự như các nước trên thế giới, nhất là những nước có hiện trạng kinh tế - xã hội, quản lý đô thị như Việt Nam.

Cuối năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ động nghiên cứu, báo cáo lãnh đạo Đảng, Chính phủ về các lĩnh vực như cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng đô thị thông minh bền vững trên thế giới và Việt Nam. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh và hướng dẫn các địa phương thực hiện, bảo đảm việc đầu tư thiết thực, hiệu quả, phù hợp với khả năng cân đối vốn và điều kiện của từng địa phương… Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã dự thảo nội dung Hướng dẫn các nguyên tắc định hướng về xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam và đang lấy ý kiến góp ý của các địa phương, bộ, ngành, hiệp hội liên quan.

Bộ tiêu chí này được có nguồn từ các tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn quốc gia,… đặc biệt là những nước có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và có điều kiện tương đồng với Việt Nam. Dự kiến, quý II năm 2018 sẽ hoàn thành dự thảo đầu tiên của bộ tiêu chí; sau đó sẽ tiến hành thử nghiệm ở một số địa phương để hoàn thiện, ban hành tiêu chí đánh giá đô thị thông minh phiên bản 1.0. Qua thực tiễn áp dụng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan tiếp tục hoàn thiện bộ tiêu chí này ở các phiên bản tiếp theo.

Ông Tomaso Andreatta, Chủ tịch Ủy ban Phát triển xanh, Hiệp hội Thương mại châu Âu tại Việt Nam chỉ rõ, sự phát triển của các thành phố thông minh đang là một xu hướng tất yếu trên toàn cầu và châu Âu. Điều này đã chứng tỏ vai trò tiên phong trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, quản lý tài nguyên thiên nhiên thông minh. Dẫn chứng một số thành phố thông minh ở các nước châu Âu như Barcelona, Amsterdam… ông Tomaso Andreatta nhấn mạnh, các thành phố này đã triển khai thành công các giải pháp như chính phủ điện tử, hệ thống quản lý môi trường, năng lượng, giáo dục thông minh và phòng chống thảm họa dựa trên các nguyên tắc cơ bản của công nghệ thông tin và truyền thông.

Tại hội thảo, các nội dung về việc chuẩn hoá, kết nối dữ liệu trong việc xây dựng thành phố thông minh; khung kiến trúc tổng thể cho đô thị thông minh;… cũng được các đại biểu phân tích, cho ý kiến cụ thể.

TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất