Thứ Sáu, 27/9/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 3/9/2016 20:42'(GMT+7)

Định hướng nghề nghiệp đúng đắn cho học sinh

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Thị trường đang rất thiếu lao động có tay nghề cao, có chuyên môn kỹ thuật theo yêu cầu ngày càng khắt khe của nhà tuyển dụng. Một phần nguyên nhân của thực trạng trên chính là công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh chưa được thực hiện tốt; tâm lý "sính" bằng cấp của cả xã hội đè nặng khiến công tác hướng nghiệp nhiều năm qua vẫn trong vòng luẩn quẩn. 

Hằng năm, cả xã hội thường “nóng” lên vào mỗi khi vào kỳ thi đại học. Nhà nhà đưa con em đi thi, gửi hồ sơ xét tuyển và thấp thỏm chờ đợi kết quả, kèm theo đó là không ít kỳ vọng. Tâm lý khoa bảng, phải vào đại học bằng mọi giá của nhiều bậc cha mẹ vô tình đã đặt gánh nặng lên vai con cái mình. Nhiều gia đình không lượng hết sức học của con, không hiểu rõ con có năng khiếu gì mà chỉ cố thúc con thi bằng được ngành "hot" này, nghề mới nổi kia; thậm chí ép buộc con phải quyết chí thi 2-3 lần để vào bằng được đại học. Để vừa lòng cha mẹ, nhiều em buộc phải lựa chọn con đường tương lai không phù hợp với năng lực, niềm đam mê của bản thân; đăng ký thi đại học theo số đông bạn bè, hiểu biết rất mơ hồ về ngành mình sẽ học... Bởi vậy mới có chuyện khi vào học nhiều sinh viên có cảm giác như mình ngồi nhầm trường, luôn ta thán, buồn chán về ngành mình đang học.

Chưa có thống kê chính thức về tỷ lệ cử nhân, kỹ sư sau khi ra trường có việc làm theo đúng chuyên ngành được đào tạo là bao nhiêu. Nhưng có thể thấy xu hướng hiện nay, sau khi ra trường các cử nhân phải làm trái ngành là khá phổ biến. Người học chuyên ngành xã hội nhân văn thì đi làm kinh doanh. Thậm chí, cử nhân tốt nghiệp loại ưu nhưng phải ngậm ngùi xin đi làm công nhân ở các khu công nghiệp... Một bộ phận không nhỏ sinh viên sau khi ra trường không sử dụng đến những kiến thức được đào tạo, đây là sự lãng phí tiền của, công sức không chỉ của bản thân mà còn của gia đình, nhà trường; gây tâm lý chán chường, hoài nghi về tương lai của một bộ phận lao động trẻ.

Trong quan niệm của xã hội hiện nay, học nghề chỉ là lựa chọn cuối cùng, được cho là con đường không sáng sủa bằng việc vào đại học. Thế nhưng, tại rất nhiều khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang có nhu cầu rất lớn trong việc tuyển các công nhân kỹ thuật. Thay vì học 4-5 năm đại học, học sinh có thể học bài bản một nghề kỹ thuật mà thị trường lao động đang cần trong 2-3 năm thì ra trường đã có thể có được công việc với mức thu nhập khá. Tất nhiên là cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ hơn giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc đào tạo, tìm việc làm cho học viên.

Hiện nay, Cộng đồng ASEAN đã chính thức hình thành. Trong thời gian tới, thị trường lao động Việt Nam có nguy cơ trở nên chật chội hơn với nguồn lao động từ các nước ASEAN. Vì thế, công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh theo phương châm thực tế, hiệu quả trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Xác định đúng hướng đi cuộc đời cho lao động trẻ cũng chính là góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội cho đất nước, tránh việc đất nước ta bị thua thiệt trên chính sân nhà./.

Trần Minh Hạnh (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất