Thứ Bảy, 23/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Ba, 24/7/2018 8:26'(GMT+7)

Định hướng xây dựng nền y tế thông minh

Bệnh viện quận Thủ Đức (TP HCM) ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám chữa bệnh. Ảnh: NGUYỄN THẠNH

Bệnh viện quận Thủ Đức (TP HCM) ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám chữa bệnh. Ảnh: NGUYỄN THẠNH

Theo Bộ Y tế, có 3 bài toán cấp thiết cần làm là bệnh viện (BV) thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh, quản trị hệ thống y tế thông minh. Đây cũng là cơ sở để hướng tới việc kết nối, liên thông thông tin y tế trong toàn ngành, một hệ thống quản lý thông tin y tế hiệu quả, minh bạch và chất lượng.

Đối với phòng bệnh thông minh, sẽ hướng tới xây dựng phần mềm cảnh báo dịch để giúp người dân biết được các dịch bệnh kịp thời, bản đồ dịch tễ giúp chúng ta biết được nơi nào đang có dịch để tránh. Bên cạnh đó, có những kiến thức phổ thông về y tế để phổ cập cho mọi người, xây dựng nền tảng về tri thức y tế để người dân tra cứu. “Mặc dù hiện nay có thể tra thông tin trên mạng nhưng đó là những kiến thức không chính thống.  

Điểm sáng tuyến quận

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, bệnh viện quận Thủ Đức là đơn vị đi đầu trong triển khai mô hình Khoa khám bệnh thông minh. Mô hình này được xây dựng và áp dụng từ tháng 6-2015, bằng cách triển khai hệ thống lấy số thứ tự tự động trung tâm kết nối với phần mềm quản lý tổng thể; đồng thời, bố trí màn hình hiển thị số thứ tự chờ khám tại vị trí các phòng khám, xét nghiệm, X-quang, siêu âm, nhận thuốc. Sau 3 năm đi vào hoạt động, mô hình này đã giải quyết được vấn nạn quá tải. Tình trạng bệnh nhân chen lấn, xếp hàng chờ đợi đến lượt khám bệnh, thực hiện xét nghiệm, X-quang, siêu âm… trong cảnh bát nháo, mất trật tự đã không còn, thời gian và quy trình khám chữa bệnh (KCB) được rút ngắn.

Bà Nguyễn Ngọc Ánh (66 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) chia sẻ: "Tuổi già nên bệnh tật cũng nhiều. Mỗi lần đau cái gì, tôi hay đến BV tư để khám, thêm chút tiền nhưng nhanh và khỏe hơn. Nghe thông tin BV quận Thủ Đức áp dụng mô hình Khoa khám bệnh thông minh nên con tôi đưa tôi đến khám. Đúng là mô hình thông minh thiệt, không phải chờ đợi lâu gì cả". Ngồi cạnh bên, bà Nguyễn Thị Thanh Vân (51 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) đồng tình, cho biết đi khám ở BV này nhanh hơn những nơi khác rất nhiều. "Không còn cảnh phải ngồi chờ quá lâu, phải đi từ lúc 2-3 giờ sáng để chờ bốc số. Chưa kể mình còn được chọn bác sĩ (BS) để khám" - bà Vân hào hứng nói.

Khoa Khám bệnh thông minh của BV quận Thủ Đức còn sử dụng bệnh án điện tử, loại bỏ hoàn toàn giấy tờ trong KCB. Theo BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức, triển khai bệnh án điện tử đem lại rất nhiều tiện ích. Lâu nay, hồ sơ bệnh án bằng giấy phải lưu trữ từ 10-20 năm, tốn kém chi phí lưu trữ, tìm kiếm vất vả và tốn thời gian. Đến nay, có gần 6.000 hồ sơ giấy từ năm 2015 trở về trước được BV scan toàn bộ bằng máy chuyên dụng. Việc số hóa kho hồ sơ bệnh án giúp các BS dễ dàng truy cập hồ sơ cũ phục vụ công tác điều trị và nghiên cứu khoa học.

"Bệnh án điện tử bảo đảm tránh được sai sót trong thống kê sai số lượng thuốc, sao chép, chỉ định không phù hợp về thời gian. Các bước trong quy trình KCB từ lúc bệnh nhân vào đến ra viện được số hóa tối đa, rút ngắn thời gian chờ đợi" - BS Quân cho biết. Ngoài ra, đơn thuốc điện tử cũng góp phần ngăn chặn tình trạng BS kê toa thuốc, chỉ định cận lâm sàng tràn lan, không phù hợp, vượt ngưỡng quy định…

Xu hướng tất yếu

BV Trưng Vương (TP HCM) cũng là một đơn vị thực hiện bệnh án điện tử để rút ngắn thời gian, thủ tục, đồng thời tăng sự hài lòng cho bệnh nhân và tiết kiệm nguồn nhân lực. Quy trình đăng ký khám bệnh cho bệnh nhân sẽ có một mã để dùng cho xét nghiệm, đơn thuốc… BS cho toa thuốc trên máy vi tính và được kết nối với phòng thuốc, bệnh nhân chỉ việc đến quầy nhận thuốc. Ngoài ra, BV có thể lưu trữ hồ sơ bệnh án dễ dàng, tiện lợi đồng bộ và tránh thất lạc.

BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc BV Trưng Vương, nhận định bệnh án điện tử sẽ rất có lợi khi cơ sở dữ liệu chung được đồng bộ, chia sẻ liên thông với các BV. Mỗi bệnh nhân đi khám bệnh chỉ cần đem theo CMND hay thẻ BHYT là có thể trích xuất dữ liệu và khám rất nhanh ở bất kỳ BV nào.

Đánh giá mô hình này, BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, cho rằng đây là hướng phát triển trong thời gian tới. "Thành công tại BV quận Thủ Đức sẽ được nhân rộng. Trước mắt là ở các BV đầu ngành TP, sau đó là toàn bộ cơ sở y tế, tiến tới quản lý sức khỏe bằng hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân" - BS Thượng khẳng định. Theo BS Thượng, để hiện thực được điều này, các BV phải trang bị hệ thống công nghệ thông tin đủ mạnh, với nguồn nhân lực, hạ tầng, kinh phí được tập trung đầu tư. Lãnh đạo nhiều BV trên địa bàn TP cũng nhìn nhận việc triển khai bệnh án điện tử là tất yếu, phù hợp với xu hướng phát triển y tế điện tử ở trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, mỗi cơ sở y tế đang dùng những phần mềm khác nhau dẫn đến việc chưa tương thích tại một số thời điểm, một số hạng mục, gây khó khăn trong việc chuyển dữ liệu, liên thông dữ liệu của các cơ sở y tế.

Rút ngắn thời gian khám chữa bệnh

Mới đây, BV Nguyễn Trãi và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) hợp tác triển khai áp dụng phần mềm quản lý BV VNPT-HIS level 02, góp phần tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng KCB và quản lý hoạt động BV. Theo BS Võ Văn Tiến, Giám đốc BV Nguyễn Trãi, là BV hạng I với 29 khoa, 9 phòng chức năng, quy mô 800 giường điều trị nội trú, trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận 1.500 lượt khám ngoại trú. Bệnh nhân chủ yếu mạn tính, người lớn tuổi, tần suất đi khám nhiều nên trong thời gian qua BV gặp nhiều khó khăn trong công tác thanh quyết toán thủ tục BHYT, quản lý. "Phần mềm này sẽ rút ngắn thời gian KCB, giúp BS có thời gian thăm khám hỏi bệnh nhiều hơn, quản lý về vật tư tiêu hao, thuốc… dễ dàng hơn" - BS Tiến nhìn nhận.

MINH HUẾ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất