Thứ Bảy, 28/9/2024
Pháp luật
Chủ Nhật, 22/2/2009 17:55'(GMT+7)

Ðò ngang, ngổn ngang nỗi lo

Bến đò ngang trên sông Thu Bồn (Quảng Nam) đã xảy ra nhiều tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng.

Bến đò ngang trên sông Thu Bồn (Quảng Nam) đã xảy ra nhiều tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng.

Bến "bốn không"

Sau sự cố đắm đò xảy ra ngày 25-1 (tức 30 Tết Kỷ Sửu), trên sông Gianh, thuộc xã Quảng Hải (Quảng Trạch, Quảng Bình), Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức hai đoàn kiểm tra đột xuất một số bến khách ngang sông ở miền trung, kết quả cho thấy mối nguy cơ vẫn rất lớn. Trừ những bến có lưu lượng khách lớn, công tác an toàn giao thông tương đối bảo đảm (bến được cấp phép, phương tiện được đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện có đủ giấy phép chuyên môn), các bến còn lại rất nhiều điều đáng nói.

Nỗi lo đò ngang nằm ở đâu ?

Tỷ lệ bến đò ngang được cấp giấy phép hoạt động và phương tiện chở khách ngang sông được đăng ký, đăng kiểm còn thấp. Hai con số này ở Thanh Hóa 28/108 và 84/108, Nghệ An là 23/71 và 41/110, Hà Tĩnh 12/49 và 24/60, Quảng Bình là 23/50 và 49/55.

Còn người điều khiển phương tiện? Nghệ An có 72/130 người điều khiển phương tiện chở khách ngang sông có chứng chỉ chuyên môn, đạt khoảng 55%; Hà Tĩnh hiện có 41/60 người điều khiển phương tiện chở khách ngang sông có chứng chỉ chuyên môn đạt khoảng 68%...

Nhìn chung, đa phần các bến đò là bến tự phát có quy mô nhỏ, thường tận dụng điều kiện, địa hình tự nhiên của bờ sông, bờ kênh. Các bến đầu tư thiếu đồng bộ và không đủ tiêu chuẩn theo quy định (như thiếu nhà chờ, bậc lên xuống, biển báo hiệu, bảng nội quy, cọc neo đậu phương tiện,...). Một số bến đã được đầu tư đường lên xuống, song không được duy tu sửa chữa thường xuyên hoặc do mực nước sông thay đổi và dòng chảy biến động nên không còn tác dụng, gây khó khăn và mất an toàn cho hành khách... Tóm lại, vẫn còn những bến đò "bốn không": bến không giấy phép hoạt động, phương tiện không đăng kiểm, người điều khiển không chứng chỉ, cơ sở hạ tầng (bến, nhà chờ, bậc lên xuống) không đáng kể.

Ðối tượng sử dụng đò ngang chủ yếu là người nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc ít người, trình độ nhận thức và ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa còn hạn chế; hầu hết người đi đò không mặc áo phao (một trong những nguyên nhân làm tăng số người bị chết khi tai nạn). Tình trạng khá phổ biến là khách đi đò chen lấn, xô đẩy để tranh nhau lên, xuống đò và đò chở quá số người quy định, nhất là tại những thời điểm lưu lượng khách qua sông tăng cao (giờ học sinh đi học, có phiên chợ...), một trong những nguyên nhân chính gây chìm đò...

Quản lý còn bất cập

Quản lý nhà nước về hoạt động khai thác bến khách ngang sông cũng có nhiều điều đáng bàn. Lực lượng cán bộ huyện, xã phục vụ cho công tác kiểm tra, quản lý bến đò chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa chuyên nghiệp. Nhiều nơi, chính quyền địa phương cấp xã đã cho đấu thầu khai thác bến, mang tính chất khoán trắng cho chủ bến, chủ đò. Các chủ bến, chủ đò thường lấy mục tiêu thu lợi là chính, hơn nữa do thời gian trúng thầu khai thác ngắn (khoảng một năm) nên chưa chú trọng việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, bến bãi, phương tiện và đào tạo người điều khiển phương tiện. Một số nơi, người dân tự thành lập các bến đò ngang để phục vụ nhu cầu dân sinh mà không có sự quản lý, kiểm tra của chính quyền địa phương (như ở một số xóm ở huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh), phương tiện không được đăng kiểm, đăng ký; các hộ dân trong thôn, xóm tự cắt cử người không có chứng chỉ chuyên môn luân phiên nhau chèo đò . Tương tự như thế, nhưng về phương tiện, một số nơi (như ở huyện Con Cuông, Nghệ An) xuất hiện tình trạng người dân tự chế loại phương tiện chở khách và hàng, có thể phù hợp với điều kiện địa hình sông nước của khu vực miền núi nhưng chưa được các cấp, các ngành đưa vào quản lý...

Một vấn đề rất đáng quan tâm là: càng ở vùng sâu, vùng xa, nhất là ở miền núi, sự yếu kém về cơ sở hạ tầng và phương tiện, về người điều khiển phương tiện và ý thức người tham gia giao thông, về công tác quản lý càng gia tăng. Trong khi đó, giải pháp khắc phục vẫn chung như mọi nơi khác: tăng cường giáo dục, kiểm tra xử lý vi phạm; đẩy nhanh tiến độ cấp phép hoạt động của bến khách, đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa và đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ cho người điều khiển phương tiện; có phương án và lực lượng cứu hộ, cứu nạn...

Ngành giao thông vận tải và các địa phương nên có thêm chương trình tương tự như chương trình "xóa đói giảm nghèo" để góp phần khắc phục tình trạng mất an toàn ở các bến đò ở những vùng khó khăn. Ðối với những nơi này, cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện cao hơn để thực hiện được các giải pháp chung như đã nêu trên. Mặt khác đưa  các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng của bến đò vào danh mục các dự án thuộc các chương trình "xóa đói giảm nghèo" đặc biệt như Chương trình 135, Chương trình hỗ trợ 61 huyện nghèo nhất nước.../.

(Theo: Quang Tuấn/Nhân dân ĐT)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất