Nổi như váng mỡ....
Trước tiên phải khẳng định, thành quả xây dựng nông thôn mới nhiều năm qua đã thu về một số thành tựu đáng tự hào. Đời sống vật chất dần được nâng lên, nhiều nhu cầu về văn hoá tinh thần được đáp ứng hơn, mức độ giao lưu tiếp xúc với bên ngoài của nông dân được mở rộng hơn. Nhiều trường học mọc lên, chợ họp nhiều hơn, văn hoá, ẩm thực cũng được nâng cao và đa dạng. Nhiều phong tục tập quán cổ hủ lạc hậu đã dần được loại bỏ.
Song, những thành tích đáng kể đó cũng chỉ như muối bỏ biển trong cái đại dương mênh mông khó nhọc của nông dân. Mừng thì mừng thật, nhưng cũng lo âu lắm, bởi thành tích ấy nhiều chỗ chỉ nổi như váng mỡ.
Biểu hiện của “lớp váng” ấy là nhiều nhà ở đã được kiên cố hoá, hệ thống giao thông bê tông, trải nhựa tương đối nhiều. Nhiều nhà đua nhau mua sắm ti vi, loa đài inh ỏi; nam thanh nữ tú cũng đua nhau quần soóc, áo dây, đầu xanh đầu đỏ, điện thoại di động kêu rền rĩ, xe máy chạy rẽ tóc. Hàng loạt các nhà văn hoá mọc lên, các chứng nhận gia đình văn hoá in siêu tốc và “phổ cập” làng văn hoá ... Rồi sự du nhập lối sống, cách ăn ở, sinh hoạt na ná dân đô thị... Tất cả đang tạo nên một bộ mặt nông thôn có hình thù sự “đổi mới”.
Đó là kết quả sự nỗ lực thắt lưng buộc bụng, giảm ăn giảm mặc để đóng góp xây dựng, mua sắm. Đó còn là sự giàu đột biến nhờ tiền đền bù giải phóng mặt bằng, lấy ruộng đất nông nghiệp cho các nhà máy xí nghiệp để lấy tiền chi tiêu. Thành thử, nhiều hộ bỗng chốc có tiền thì sao nhãng làm kinh tế, chỉ chơi bời, tiêu pha hoang phí. Vì vậy, những thứ hiện đại, tiện dụng nổi lên kia có chăng chỉ là một thứ “ăn đong của con nhà nghèo”…
Bộ mặt kiến trúc nông thôn thay đổi với sự xuất hiện nhiều nhà tầng, kín cổng cao tường. Những toà nhà kiến trúc kiểu “thấy thích thì làm”, hay “tiền nào của ấy” mọc lên một cách thiếu quy hoạch, thiếu định hướng; biểu hiện một sự lai căng chưa thành đô thị, cũng chẳng còn nét đẹp của nông thôn bao đời nay. Rồi hàng loạt những con đường, những bờ mương xây dựng bằng tốc độ rùa, nhưng lại tàn phá cây xanh bằng tốc độ... cưa máy!.
Những nguy cơ lâu dài
Nông dân được tiếng đang khá lên, nhưng không ít gia đình không còn sức nuôi con ăn học, không có tiền để quan tâm chăm sóc sức khoẻ bản thân bằng những dịch vụ y tế tối thiểu.
Không ít nơi, xây dựng mới nhà văn hoá theo xóm trong khi đang có nhà văn hoá cũ vẫn còn sử dụng được. Như thế vừa tốn đất, vừa tốn tiền. Trong nhà văn hóa thì không sách báo, không đài, không ti vi, không dụng cụ thể thao....có chăng chỉ là nơi tập trung ngồi họp xóm khi cần hoặc tụ tập cờ bạc dịp lễ tết, hội hè.
Nguồn nước sạch ngày càng khan hiếm vì bị ô nhiễm nghiêm trọng. Rác thải ruộng đồng và sinh hoạt ngày càng nhiều và thải ra tuỳ tiện.
Những nét đẹp truyền thống trong gia đình, họ mạc, hàng xóm láng giềng cũng phai nhạt dần do sự gia tăng kiên cố kín cổng cao tường, sự xâm lấn của quan điểm sống “sòng phẳng”, “tiền trao tráo múc” rất cực đoan. Rồi thanh niên bắt chước ăn chơi, đua đòi theo người thành phố. Con cái bất hiếu với cha mẹ ngày càng nhiều. Cờ bạc, nghiện ngập cũng gia tăng...
|
Đám cưới ở làng... |
ĐKhông ít người trẻ tiếp thu nhanh xu thế hiện đại, ngược lại với đa phần người cao tuổi cố giữ những giá trị truyền thống, dẫn tới nhiều mâu thuẫn.
Cứ thế, sự đô thị hoá nông thôn cũng đang ngấm ngầm tàn phá nông thôn. Những khu thị tứ thị trấn, những khu “phố làng” mọc lên cùng các nhà máy, xí nghiệp “lởm chởm” giữa những cánh đồng, làm ô nhiễm môi trường, vàng lá cây xanh, gia tăng các bệnh về hô hấp. Đó là còn chưa kể đến nước thải trực tiếp ra sông suối, mương máng, ngấm vào mạch nước ngầm.
Lối đi nào?
Chúng ta chấp nhận sự đô thị hoá nông thôn như một quá trình tất yếu. Nhưng con người cần có sự can thiệp, định hướng để quá trình ấy diễn ra đồng bộ, có giá trị thực sự cho nông thôn mới.
Sự can thiệp ấy phải hài hoà trên 4 phương diện:
Chúng ta cần thiết đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ về với nông thôn. Cần có sự đô thị hoá dần dần, theo quy hoạch chiến lược chứ tuyệt đối không làm kiểu “chộp giật”, càng không thể hùng hục chặt phá cây xanh, lấp hồ ao, lấy đất trồng trọt … để xây dựng nhà máy, để chia nhau làm nhà mặt đường... Như thế sẽ phá tan hết cảnh quan tự nhiên, môi trường rồi thay vào cái bộ mặt gọi là mới nhưng thực chất là một sự giẫm đạp vào nông thôn!.
Phải gắn việc định hướng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới với những nhu cầu thiết yếu về điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, xử lý rác thải...
Cần phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức đoàn thể xã hội trong việc định hướng giúp bà con trong việc sử dụng đồng tiền sao cho tiết kiệm, có ích, lâu dài để phát triển gia đình bền vững.
Đặc biệt nghiêm túc trong việc rót vốn về với danh nghĩa xoá đói giảm nghèo, tránh ồ ạt mà thiếu giám sát quá trình giải ngân và sử dụng vốn đúng mục đích. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều hộ nông dân đua nhau vay vốn nhưng không đầu tư làm kinh tế mà mua loa đài, ti vi, xe máy... Đành rằng đó là nhu cầu tiện nghi, nhưng chỉ hưởng thụ mà không làm, sẽ là “vung tay quá trán”.
|
Cần phải giữ được những giá trị truyền thống |
Cốt lõi để giải quyết vấn đề đô thị hoá nông thôn phải là: gắn kết chất lượng đô thị với giữ gìn bản sắc, kiến trúc truyền thống trên cơ sở đảm bảo điều kiện tiện nghi cuộc sống đô thị cho người dân và đảm bảo phù hợp về cảnh quan đô thị mới tại nông thôn. Mang cái hiện đại, cái văn minh về nhưng không đánh mất cái chất quê, cái hồn quê; đó mới là phát triển bền vững!
Theo Trần Xuân Thân (VOVNews)