Thứ Sáu, 29/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 6/11/2009 21:5'(GMT+7)

Doanh nghiệp bắt tay cùng nhà nông: Mối lương duyên còn mong manh...

Doanh nghiệp thu mua tinh bột sắn của nông dân (Ảnh minh họa).

Doanh nghiệp thu mua tinh bột sắn của nông dân (Ảnh minh họa).

Và cuối cùng, người hứng chịu thiệt thòi nhiều nhất nhất phần lớn là những người nông dân. Có thể khẳng định, điều tạo ra sự mong manh cho mối lương duyên này là vấn đề chia sẻ lợi ích, năng lực thực hiện hợp đồng và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các bên...Vậy phải làm gì để “mối lương duyên” này được bền chặt, đưa đến những lời kết có hậu?...

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến hàng loạt các câu chuyện buồn về sự đổ vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp và nhà nông tại rất nhiều địa phương và nhiều ngành nghề trên cả nước. Câu chuyện “mía đường” đến nay vẫn được coi là câu chuyện dài mang nhiều hơi hướng buồn chưa biết đến bao giờ mới có được hồi kết (chưa nghĩ đến lời kết có hậu). Hàng loạt các nhà máy đường phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu; hàng nghìn hộ nông dân lâm vào cảnh dở khóc dở cười khi mía được mùa, mía đến thời vụ thu hoạch không bán được, mía đưa đến tận cổng nhà máy vẫn bị doanh nghiệp “ngoảnh mặt làm ngơ”. Ngược lại, khi cần nguyên liệu để sản xuất, không ít nhà máy sẵn sàng tìm đến người dân, chấp nhận thu hoạch non, giá cao... Rồi hàng loạt các nhà máy đường được đầu tư xây dựng mà quên mất nguyên liệu chính làm ra đường – xây dựng vùng nguyên liệu. Hiện nay, giá đường trong nước đã tăng, người trồng mía phấn khởi với giá mía cũng đã tăng trên dưới 800.000đồng/tấn nhưng liệu niềm vui đó có được kéo dài khi mà từ trước đến nay đường nội luôn luôn bị lép vế trước đường Trung Quốc, Thái Lan tràn vào trong nước theo con đường nhập tiểu ngạch và nhập lậu. Đó là chưa kể đến khi chúng ta mở cửa hội nhập sâu rộng, đường ngoại nhập sẽ tự do đổ vào... Câu chuyện “mía đường” có hoán đổi thay được cho câu chuyện “mía đắng” trong suốt thời gian qua?

Bên cạnh đó là hàng loạt các câu chuyện người nuôi thuỷ sản kêu trời trước các doanh nghiệp hạ thấp giá thu mua cá tra, cá basa... khiến người nuôi cá vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long chịu nhiều thiệt thòi; Chuyện người trồng dứa ở xứ Thanh và xứ Nghệ để dứa chín, thu hoạch chất thành núi mà không có người đến “rước”... vì các nhà máy đang “bội thực” nguyên liệu, chẳng thiết tha gì với nông dân; Chuyện người dân Thái Bình, Vĩnh Phúc trồng cây Thanh Hao hoa vàng chỉ bán được trong thời gian rất ngắn đầu vụ sau đó thu hoạch về không biết bán cho ai, không biết sử dụng vào việc gì… Tất cả cùng nhìn nhau ái ngại...

Nguyên nhân của thực trạng trên là việc chia sẻ lợi ích giữa nhà nông và doanh nghiệp không công bằng, giữa nhà máy và vùng nguyên liệu, nhận thức giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông vẫn còn nhiều “khoảng cách” làm nảy sinh mâu thuẫn và xung đột. Bên cạnh đó, năng lực thực hiện hợp đồng và sự hiểu biết lẫn nhau của cả đôi bên còn thiếu và yếu...

Để khắc phục tồn tại trên, theo ông Trần Hữu Huỳnh – Trưởng ban Pháp chế, Phó Tổng thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế VCCI: Một quan hệ hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp chỉ thành công khi cả hai phía đều có lợi. Một quan hệ mà chỉ có một bên thắng, còn bên kia thua, rõ ràng là không thể bền vững, lâu dài được. Vì vậy, hai phía phải xây dựng quan hệ làm ăn dựa trên chữ tín. Ngoài ra, xét trên góc độ văn hoá, khi người nông dân bắt tay với doanh nghiệp, giữa hai đối tác này đã có sự khác nhau về trình độ, nhận thức, tư duy làm ăn... Một bên là tư tưởng “tiểu nông” sản xuất manh mún, tự do, một bên là tác phong làm việc chuyên nghiệp, với tư duy thị trường. Nếu cả hai bên bị chi phối bởi tư tưởng chụp giật, tầm nhìn “ngắn” thì quan hệ làm ăn càng có nguy cơ đổ vỡ cao. Để đảm bảo xây dựng một mối quan hệ hợp tác bền vững, điều mấu chốt chính là việc xử lý hài hoà lợi ích của cả hai phía trong quan hệ đối tác. Xét một cách khách quan, do sản xuất, kinh doanh nông sản chứa đựng nhiều rủi ro, đặc biệt là những diễn biến bất thường trên thị trường trong nước và thế giới, do vậy, chính bản thân các doanh nghiệp nhiều khi cũng rơi vào tình trạng bị động, khủng hoảng “đầu ra”, không thể thực hiện được cam kết với nông dân.

Theo bà Hoàng Diệu Tuyết, Phó chủ tịch Hội nông dân Việt Nam: Chuyện mía đường đã làm nông dân nhiều nơi lao đao, nay lại thêm sự khủng hoảng của bao nhiêu vùng nguyên liệu khác. Từ đó, cho thấy trước hết là phải đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch vùng nguyên liệu một cách khoa học. Giữa doanh nghiệp và nông dân phải thảo luận chi tiết quyền lợi và nghĩa vụ khi thiết lập quan hệ làm ăn với nhau. Khi đã có thoả thuận chắc chắn rồi thì phải chấp hành nghiêm, ai sai thì chịu phạt.

Cũng theo ông Huỳnh, để có một nền nông nghiệp phát triển lành mạnh, xây dựng quan hệ hài hoà bền vững giữa nhà nông và doanh nghiệp, trước hết phải bắt đầu từ những định hướng vĩ mô. Phải xác định cho được những lợi thế so sánh của nông nghiệp Việt Nam đặt trong bối cảnh phân cấp lao động quốc tế. Ngành nào, mặt hàng nào mà ta có thế mạnh thì tập trung đầu tư một cách bài bản, trong đó có cả việc thiết lập quan hệ hợp tác bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp. Ngược lại, ngành nào, mặt hàng nào mà ta ở thế yếu khi mở cửa thị trường thì kiên quyết từ bỏ. Như vậy mới tránh được những thiệt hại và đổ vỡ do tính toán sai. Trên thực tế, rất nhiều chương trình, dự án đầu tư trong nông nghiệp đã không tính toán được một cách tổng thể những thuận lợi và khó khăn, hiệu quả kinh tế và xã hội nên khi thực hiện thì bị thất bại và xảy ra tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong mối lương duyên giữa người nông dân và doanh nghiệp... Có vậy mới giúp cho nhà nông tạo được bộ mặt mới cho kinh tế địa phương và giúp cho doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả trong môi trường cạnh tranh./.

Ngọc Chi

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất