Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến 31/12/2016, các doanh nghiệp FDI mặc dù chỉ chiếm 7,7% tổng số doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BHTN nhưng đã đóng góp đáng kể vào kết quả thu và mở rộng đối tượng tham gia BHXH, với số tiền thu chiếm đến 47,2%; số lao động chiếm đến 42,9%.
Cụ thể, tính đến 31/12/2016, tổng số doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 208.397 đơn vị, trong đó số doanh nghiệp FDI là 16.085 doanh nghiệp, chiếm 7,7% tổng số doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN khối doanh nghiệp tính đến 31/12/2016 là 151.581 tỷ đồng. Trong đó số thu từ các doanh nghiệp FDI là 71.670 tỷ đồng, chiếm 47,2% tổng số thu của khối doanh nghiệp.
Tổng số lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN từ khối doanh nghiệp là 8.747.106 người, trong đó số lao động thuộc doanh nghiệp FDI là 3.754.814 người.
Thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ- CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/6/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, công tác triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả bước đầu.
Theo đó, BHXH Việt Nam thường xuyên sửa đổi, hoàn thiện quy trình, hồ sơ trong tất cả các lĩnh vực từ thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đến giải quyết, chi trả chế độ BHXH, BHYT, BHTN theo hướng ngày càng giảm bớt các thủ tục, đơn giản các biểu mẫu, tiêu chí. Cụ thể, cắt giảm từ 263 thủ tục hành chính (năm 2009) xuống còn 32 thủ tục hành chính (năm 2016); trong đó: Lĩnh vực thu từ 76 thủ tục xuống còn 7 thủ tục; Lĩnh vực cấp sổ BHXH, thẻ BHYT từ 46 thủ tục xuống còn 02 thủ tục; Lĩnh vực giải quyết chế độ BHXH từ 89 thủ tục xuống còn 15 thủ tục; Lĩnh vực giải quyết chế độ BHYT từ 22 thủ tục xuống còn 4 thủ tục; Lĩnh vực chi trả chế độ BHXH từ 30 thủ tục xuống còn 4 thủ tục.
Tính đến ngày 31/12/2016, BHXH Việt Nam cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, số đơn vị đăng ký giao dịch điện tử là 236.546 đơn vị. Trong năm 2016, tổng số hồ sơ giao dịch điện tử là 2.375.633/6.646.453 hồ sơ giao dịch (chiếm 36%).
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, BHXH Việt Nam thực hiện đa dạng hóa nhiều hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính để doanh nghiệp lựa chọn khi giao dịch với cơ quan BHXH. Ngoài phương thức giao dịch trực tiếp tại bộ phận một cửa, qua giao dịch điện tử, từ cuối năm 2014, BHXH Việt Nam còn khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện qua dịch vụ bưu chính (doanh nghiệp không phải trả phí), qua đó đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp do không mất thời gian đi lại, chờ đợi tại cơ quan BHXH.
Hiện nay, BHXH Việt Nam cùng với các doanh nghiệp dịch vụ công, dịch vụ công ích ngày càng hoàn thiện hơn những thỏa thuận nhằm duy trì hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp thực hiện giao dịch với cơ quan BHXH qua giao dịch điện tử và dịch vụ bưu chính công ích./.
Lê Công/Tạp chí BHXH