Thứ Hai, 30/9/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 18/10/2008 15:15'(GMT+7)

Doanh nghiệp giảm giá xăng: Cần xem lại cơ chế điều hành giá cả

 Cách đây 3 ngày, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã có văn bản gửi liên Bộ Tài chính - Công Thương xin điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu diezel và dầu hỏa. Theo quy định sau 3 ngày kể từ khi có văn bản xin nếu cơ quan chức năng không có ý kiến phản đối thì doanh nghiệp được phép giảm giá theo mức đề nghị. Và bắt đầu từ 8 giờ sáng 17/10, giá xăng chính thức giảm 500 đồng/lít.

Việc chậm trễ đưa ra quyết định giảm giá xăng đã gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng. “Rõ ràng khi tăng giá, các doanh nghiệp xăng dầu và từng cây xăng cũng có lời. Khi giảm giá, chỉ cần chậm một vài ngày thì doanh nghiệp cũng có lợi. Kiểu gì doanh nghiệp cũng có lợi” – TS Vũ Đình Ánh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đưa ra phân tích này khi trao đổi với VOVNews.

Không hề có bóng dáng cơ quan Nhà nước

Theo TS Vũ Đình Ánh việc tăng giá hay giảm giá phải do một cơ quan do người tiêu dùng xây dựng nên (ví dụ Hội bảo vệ người tiêu dùng) hay nếu không thì ít nhất một cơ quan Nhà nước phải đứng ra bảo vệ người tiêu dùng (đứng ra yêu cầu doanh nghiệp giảm giá và mức giảm như thế nào là phù hợp). Điều này, theo ông Ánh, nghĩa là cần phải có một cơ chế rõ ràng.

“Buồn cười ở chỗ, doanh nghiệp đề xuất giảm giá nhưng cơ quan chủ quản lại không có ý kiến gì hết, trong khi đáng ra đó là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước”- ông Ánh nói.

Qui luật của giá cả là có lên có xuống, vì thế doanh nghiệp phải trình lên cơ quan quản lý (ở đây là liên Bộ Tài chính-Công thương-PV) xem có hợp lý hay không. Về cơ bản, doanh nghiệp chỉ muốn tăng chứ không muốn giảm giá!

“Trong câu chuyện giảm giá, Nhà nước phải trả lời câu hỏi là doanh nghiệp giảm có đúng không. Bởi trong hoạt động kinh doanh còn có Luật Cạnh tranh (nước ngoài có Luật chống bán phá giá) chứ không phải là thích giảm là giảm. Giảm phải có căn cứ và mức độ” – ông Ánh bày tỏ quan điểm của mình.

Một câu chuyện nữa được ông Ánh đề cập là lập luận của các doanh nghiệp khi tăng giá xăng. Theo ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Petrolimex: Vận hành theo cơ chế giá thị trường yêu cầu doanh nghiệp phải điều chỉnh giá theo từng thời điểm cho hợp lý. Đối với Petrolimex cũng như các doanh nghiệp đầu mối khác, tối thiểu lượng dữ trữ phải đảm bảo được 20 ngày. Thời điểm hiện nay và trong giá tính toán của Petrolimex cũng lấy chu kỳ 20 ngày, trên cơ sở đó làm căn cứ để xác định giá đầu vào và các khoản khác để tính giá bán ra.

Thế nhưng ông Ánh lại cho rằng, trước đây, giá xăng chỉ tăng mà không có chuyện giảm, các doanh nghiệp biện minh rằng “giá thế giới tăng vọt thì giá trong nước phải thế”. Nhưng thực tế, doanh nghiệp mua xăng dầu từ trước đó rất lâu, vận chuyển, lưu giữ... chứ không phải mua về rồi bán luôn cho dân. Khi xăng tăng giá họ giải thích như vậy, còn giờ giảm thì lại đưa ra câu chuyện “tôi mua từ ngày xưa”. “Cách tư duy như vậy là theo từng mẻ hàng chứ không phải là tư duy đúng. Vì tư duy đúng của một công ty thì phải tính toán tổng thể. Công việc ấy là của các công ty và quan trọng hơn là cơ quan quản lý giá xăng dầu phải nắm rất chắc, tốt các thông tin và phải đứng trên vị trí đúng của mình (không thiên vị doanh nghiệp hay người tiêu dùng), mà phải là người cân đối lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng” – ông Ánh phân tích.

Cần làm rõ câu chuyện “bù lỗ”

Bắt đầu từ năm 2007, Nhà nước không bù lỗ và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải tự cân đối. Cho nên suốt một thời gian dài, giá xăng bán ra thị trường thấp hơn giá vốn rất nhiều. Nhà nước chỉ bù lỗ cho mặt hàng dầu và không bù lỗ nhưng cũng không cho doanh nghiệp điều chỉnh giá xăng, và gần như cũng điều hành giá xăng giống như với giá dầu.
Trong năm 2007, Petrolimex lỗ 200 tỷ đồng kinh doanh xăng và từ năm 2008 đến nay, Petrolimex lỗ tiếp 1.600 tỷ đồng nên doanh nghiệp đang phải gồng mình lên để bù lại khoản lỗ đó.

Như vậy, tổng số lỗ kinh doanh mặt hàng xăng của Petrolimex đến thời điểm này là 1.800 tỷ đồng.

Ông Vương Thái Dũng cho biết: Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, thay vì doanh nghiệp phải vay tiền ngân hàng để nhập hàng thì Nhà nước đồng ý ứng trước khoản lỗ đó và doanh nghiệp phải có trách nhiệm hoàn trả khoản ứng trước đó bằng cách doanh nghiệp phải trích mỗi lít xăng 1.000 đồng trước lợi nhuận. Cho nên thực tế là doanh nghiệp không vay tiền của Nhà nước mà Nhà nước cũng không bù lỗ cho doanh nghiệp.

“Câu chuyện bù lỗ có rất nhiều mâu thuẫn” – ông Ánh khẳng định. Ông Ánh đưa ra dẫn chứng, các phương tiện thông tin đại chúng lúc bảo nhà nước bù lỗ hàng chục tỷ đồng, rồi lại có thông tin doanh nghiệp đang nợ tiền bù lỗ, rồi lại có thông tin tăng thuế để bù lại số lỗ trước đó... Còn doanh nghiệp thì bảo rằng phải giữ giá để trả lại số tiền bù lỗ cho Nhà nước. “Vậy thực chất của việc bù lỗ ấy thế nào thì không ai biết. Có bù hay chưa cũng không ai biết. Bù ấy là bù một chiều, Nhà nước dùng ngân sách để bù cho doanh nghiệp hay đó là khoản tín dụng dành cho doanh nghiệp rồi sau đó doanh nghiệp phải trả lại cho Nhà nước?” – ông Ánh bày tỏ phân vân của mình.

Ông Vương Thái Dũng cũng cho biết: Quan điểm của Petrolimex sẽ vận hành theo đúng cơ chế của Nhà nước và giá thế giới. Do vậy, Petrolimex sẽ xem xét trong điều kiện có thể để sẵn sàng điều chỉnh giá, và sẽ tiên phong trong vấn đề điều chỉnh giá.

Được biết, Bộ Tài chính dự kiến từ ngày 15/10/2008, sẽ điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu xăng từ 5% lên 10%, dầu diezel đang là 0% sẽ tăng lên 5%, dầu hoả đang từ 5% sẽ tăng lên 15%, dầu mazut sẽ tăng từ 0% lên 7%.

“Nếu mức thuế này được áp dụng, chúng tôi sẽ căn cứ vào thuế nhập khẩu, vào giá nhập và các chi phí khác, cũng như phải trích 1.000 đồng/lít để hoàn trả khoản ứng trước của Nhà nước để có những tính toán và điều chỉnh cho hợp lý” – ông Dũng khẳng định./.

TG- theo Vũ Hạnh (VOV)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất