"Các doanh nghiệp nhà nước mà nòng cốt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đang giữ vị trí then chốt, là xương sống và trụ cột của nền kinh tế, làm lực lượng vật chất chủ yếu để Chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô, có vai trò quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế và các sản phẩm, dịch vụ công ích cho nhân dân".
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh điều này tại buổi làm việc với lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước ngày 8/8 ở Hà Nội khi đánh giá tình hình hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước 7 tháng đầu năm 2008. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cùng chủ trì buổi làm việc.
Nhân tố quyết định ổn định kinh tế vĩ mô
Thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức gay gắt nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn đảm bảo kế hoạch. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, doanh thu đã đạt 59% kế hoạch, lợi nhuận đạt 53% kế hoạch, nộp ngân sách đạt 67% kế hoạch. Trong đó 18 tập đoàn, tổng công ty 91 nộp ngân sách đạt 62.992 tỷ đồng, bằng 70% kế hoạch năm.
Thủ tướng chỉ rõ, 7 tháng đầu năm 2008, các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đã góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá cả, duy trì tăng trưởng, đẩy mạnh xuất khẩu làm giảm mạnh nhập siêu, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế như điện, xăng dầu, sắt thép, phân bón, thuốc chữa bệnh, dịch vụ vận tải...với những kết quả hết sức thiết thực.
Tổng công ty Xăng dầu đã chủ động tìm các biện pháp bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.
Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam ổn định giá bán than cho các doanh nghiệp sản xuất điện, giấy, xi măng, phân bón; đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu thụ than trong nước, bảo đảm xuất khẩu.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, quyết liệt giảm tổn thất điện năng đáp ứng nhu cầu điện ngày càng cao của sản xuất và đời sống.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông và Tổng công ty Viễn thông Quân đội bảo đảm cung cấp đầy đủ dịch vụ bưu chính, viễn thông cho nhu cầu ngày càng cao của xã hội; thực hiện nhiều đợt giảm cước ở các dịch vụ viễn thông khác nhau (bình quân từ 13-14%).
Tập đoàn Dầu khí đáp ứng nhu cầu về khí cho thị trường trong nước, nộp ngân sách ở mức cao (đạt 75% kế hoạch năm). Tổng công ty Hóa chất mặc dù giá nguyên liệu nhập ngoại tăng cao (từ 2-6 lần so cùng kỳ 2007) nhưng vẫn duy trì giá bán phân bón ổn định để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tổng công ty Xi măng đã thực hiện nghiêm túc không tăng giá bán xi măng tại hầu hết các nhà máy trực thuộc; bảo đảm cân đối cung cầu xi măng trên cả nước.
Các Tổng công ty Lương thực miền Bắc, miền Nam bảo đảm nhu cầu lương thực thị trường trong nước, chủ động thu mua gạo để xuất khẩu. Với vai trò của mình, 2 Tổng công ty đã dập tắt ngay tin đồn thất thiệt về mất cân đối cung - cầu gạo thời gian qua.
Các Tổng công ty Đường sắt và Hàng không không tăng giá vé hành khách, cước vận chuyển. Tổng công ty Dược không tăng giá thuốc trong 6 tháng đầu năm để góp phần bình ổn giá thuốc, bảo đảm đủ thuốc khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Bên cạnh đó, cùng góp phần kiềm chế lạm phát, các doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện nghiêm việc cắt giảm đầu tư. 55 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã cắt giảm đầu tư 1.445 dự án với tổng giá trị gần 34 nghìn tỷ đồng. Đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, công trình sắp hoàn thành đưa vào sử dụng.
Nỗ lực cao nhất trong vai trò nòng cốt của nền kinh tế
Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ các nhiệm vụ trọng tâm các doanh nghiệp nhà nước phải tập trung thực hiện và yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải nỗ lực phấn đấu cao nhất, thể hiện tốt nhất vai trò nòng cốt của nền kinh tế.
Trong đó mỗi tập đoàn, tổng công ty phải tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cân đối cung, cầu hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu với tinh thần hết sức quyết liệt để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi về tình hình kinh tế với các lãnh đạo tập đoàn, tổng Công ty nhà nước bên lề cuộc họp - |
Các ngân hàng phải cấp đủ vốn cho sản xuất, kinh doanh, vốn cho xuất khẩu và cho các dự án sắp hoàn thành.
Tiếp tục rà soát lại kế hoạch, bảo đảm đầu tư có hiệu quả; cắt giảm những công trình kém hiệu quả; tập trung đầu tư cho các công trình dự án phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất ngành nghề kinh doanh chính; trong sản xuất, kinh doanh phải thực hành tiết kiệm, áp dụng công nghệ tiên tiến.
Bên cạnh đó, phải tăng cường kiểm soát giá cả, thực hiện giá bán theo quy định và tiếp tục giữ ổn định giá bán một số hàng hóa đến hết năm 2008 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục đổi mới doanh nghiệp mà trọng tâm là cổ phần hóa cũng là nhiệm vụ trọng tâm Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty tập trung thực hiện.
"Việc hoàn thành kế hoạch của doanh nghiệp nhà nước góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Tuy khó khăn còn lớn, nhưng với sự đồng tâm, hiệp lực, biến khó khăn thành thời cơ, chúng ta sẽ từng bước đẩy lùi lạm phát, đưa giá cả giảm dần, duy trì tăng trưởng bền vững", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh./.
(Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)