Không ai nghi ngờ tài năng của những người soạn sách. Vậy thì tại sao mấy năm gần đây lại rộ lên dự luận khá ồn ào về chất lượng sách giáo khoa các cấp?
Gắn bó với các cuốn Trích giảng văn học, Văn, Văn học, và bây giờ là Ngữ văn đã gần ½ thế kỉ,… với tinh thần khoa học, xây dựng, tôi thấy: các cuốn sách Ngữ văn hiện nay đều có vấn đề khiến cho những ai quan tâm đến giáo dục Việt Nam đều phải băn khoăn. Nỗi niềm ấy đã nhiều lần vang lên trên diễn đàn Quốc hội. Việc nên hay không nên đưa Tuyên ngôn Độc lập vào giảng dạy trong trường phổ thông; chuyện giáo dục giới tính cho học sinh lớp 5 có hợp lí hay không… đã thành chuyện quan tâm của toàn xã hội. Không phải nhà khoa học mà một học sinh, phụ huynh bình thương nếu để ý cũng phát hiện ra lỗi của sách giáo khoa Ngữ văn, sách tham khảo môn văn do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Người ta thường nói đến rau sạch, sữa sạch… giờ có lẽ phải nói đến sách "sạch". Bao giờ người học, người dạy văn mới được sử dụng một cuốn sách giáo khoa "sạch" - không có lỗi. Đòi hỏi ấy đâu có cao siêu?
Trong Chương trình Ngữ văn hiện hành, tại sao tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chủ yếu được bố trí học THCS. Gần nửa thế kỉ qua (kể từ năm 1960 – khi Nhật kí trong tù xuất bản lần đầu tiên), tại sao câu hỏi thế lực nào bắt giam vô cớ Hồ Chí Minh ở Quảng Tây – Trung Quốc vẫn chưa được soạn giả trả lời thống nhất.
- “Khi vừa tới Túc Vinh (một thị trấn thuộc huyện Thiên Bảo), Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ và giam cầm trong 13 tháng” (Ngữ văn 12, nâng cao, tập một, trang 24).
-“Vừa tới xã Túc Vinh thuộc huyện Đức Bảo, tỉnh Quảng Tây thì Người bị bọn hương cảnh Trung Quốc bắt giữ (…) Chúng giam cầm và đầy đoạ Người rất giã man…” (Ngữ văn 11, nâng cao, tập hai, trang 66); hương cảnh là cảnh sát ở làng xã.
-“Khi đến gần thị trấn Túc Vinh thì Người bị chính quyền địa phương ở đây bắt giữ…” (Ngữ văn 8, tập hai, trang 37; 38).
Đơn giản hơn, câu hỏi: Nhật kí trong tù có bao nhiêu bài thơ? Bác Hồ bị giam giữ tại bao nhiêu nhà tù? Ngày Bác bị bắt … ở mỗi cuốn sách giáo khoa, học sinh đều nhận được sự trả lời khác nhau.
-“Ngày 27/8/1942 (…) Người bị bọn hương cảnh Trung Quốc bắt giữ. Chúng giam cầm đầy đọa Người rất giã man trong mười ba tháng, giải qua giải lại gần 18 nhà giam của mười ba huyện” (Ngữ văn 11, nâng cao, tập hai, trang 66).
- “Sau nửa tháng trời đi bộ, đến Túc Vinh, Quảng Tây (29/8), Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. (Văn 12, phần văn học Việt Nam, trang 19).
-“14 tháng ở tù (từ mùa thu 1942 đến mùa thu 1943)” (Văn 12, sđd, trang 19).
-“Người đã viết Nhật kí trong tù bằng thơ chữ Hán, gồm 133 bài…” (Ngữ văn 8, tập hai, trang 38).
-“Trong suốt mười ba tháng ở tù… Hồ Chí Minh vẫn làm thơ. Người đã sáng tác 134 bài thơ bằng chữ Hán, ghi trong một cuốn sổ tay, đặt tên là Ngục trung nhật kí (Nhật kí trong tù)” (Ngữ văn 11, tập hai, trang 41).
Nếu tôi không nhầm thì người trực tiếp biên soạn, đồng thời là tác giả cuốn Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cũng là đồng Chủ biên của nhiều cuốn Ngữ văn. Vị này đã từng tuyên bố: Không đưa những bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh do ông nghiên cứu vào sách giáo khoa thì người thiệt thòi chính là Hồ Chí Minh và các em học sinh! Bây giờ đọc lại các trích dẫn đầy mâu thuẫn trên đây, soạn giả nghĩ gì? Còn tôi, tôi không thể cười được vì bất kì ai có trình độ học vấn phổ thông, bất kì học trò nào học tập nghiêm túc, đã một lần đọc Nhật kí trong tù, thuộc một số câu thơ của Bác, của Tố Hữu sẽ đều nhận ra nội dung sai của sách giáo khoa. Có khó gì đâu - vì học sinh nào cũng biết ba tư liệu sau:
- Lại thương nỗi đọa đầy thân Bác
Mười bốn trăng tê tái gông cùm
(Tố Hữu)
- Quảng Tây giải khắp mười ba huyện
Mười tám nhà lao đã trải qua
(Hồ Chí Minh)
-“Nhật kí trong tù là tập thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong những ngày Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trái phép…” (Lời nhà xuất bản, trong cuốn Nhật kí trong tù, NXB Chính trị quốc gia, năm 2003, trang 9).
Chính quyền điạ phương của Tưởng Giới Thạch và chính quyền Tưởng Giới Thạch có sự khác nhau. Ngày ấy, các lực lượng cách mạng đã thông qua Tưởng Giới Thạch - Tổng Tư lệnh quân đội Quốc dân Đảng để đòi tự do cho Hồ Chí Minh. Không hiểu vì sao nhiều số liệu trong sách giáo khoa cứ ngược với các số liệu trong Ngục trung nhật kí?
Nhật kí trong tù có 133 hay 134, 135 bài? Đâu có cần bàn cãi, nghiên cứu. Bản gốc chữ Hán có đánh dấu thự tự từ 1 đến 133, vậy thì cứ nói 133 bài - việc gì phải nhiễu chuyện nêu thêm con số 134, 135 cho rắc rối.
Khác các cuốn sách giáo khoa trước đây, Ngữ văn 12 vừa ra đưa vào sử dụng năm học 2008 - 2009 không giới thiệu thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong khi nhiều tài liệu khẳng định: “Bà Hoàng Thị Loan (1868 – 1901) sinh trưởng trong một gia đình nhà nho, là một phụ nữ thông minh, cần cù chịu khó, thương yêu chồng con và giàu lòng nhân ái… Cuộc đời bà tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại hình ảnh về một phụ nữ Việt Nam sống tình nghĩa và có ảnh hưởng rất lớn tới tư cách của các con mình”.
Nhiều nhà giáo băn khoăn: giới thiệu Nguyễn Du, Ngữ văn 10 (nâng cao) viết: “cha ông là Nguyễn Nghiễm, từng ở ngôi tể tướng mười lăm năm. Mẹ ông là Trần Thị Tần, vợ thứ, người Bắc Ninh, có tài hát xướng”; giới thiệu gia đình Tố Hữu, Ngữ văn 12 ca ngợi “Ông thân sinh Tố Hữu là một nhà nho, bà mẹ nhà thơ cũng là con một nhà nho, cả hai người đã truyền cho con tình yêu thiết tha văn học dân gian” (trang 94). Vậy thì vì sao Ngữ văn 12 không giới thiệu thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Học sinh không thể không băn khoăn khi thấy nhiều sách giáo khoa THCS, THPT, tuy có mắc lối viết hoa nhưng đều giới thiệu danh hiệu mà Nguyễn Du, Nguyễn Trãi được tôn vinh một cách rất trang trọng.
- “Năm 1965, Hội đồng Hoà bình thế giới đã công nhận Nguyễn Du là danh nhân văn hoá thế giới và ra quyết định kỉ niệm trọng thể nhân dịp 200 năm ngày sinh của ông” (Ngữ văn 10, tập hai, trang 93)
- Nguyễn Du “được suy tôn danh hiệu Đại thi hào dân tộc và Danh nhân danh hoá thế giới” (Ngữ văn 10, nâng cao, tập hai, trang 159)
- “Nguyễn Trãi là bậc anh hùng dân tộc, một nhà văn hoá lớn. Năm 1980, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Nguyễn Trãi là danh nhân văn hoá thế giới” (Ngữ văn 10, tập hai, trang 9).
- Năm 1980, Nguyễn Trãi được Tổ chức Giáo dục, Khoa học, và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Danh nhân văn hoá thế giới và tổ chức kỉ niệm 600 năm năm sinh của ông”.
Vậy mà trong 10 cuốn sách Ngữ văn phổ thông chỉ có Ngữ văn 12 (nâng cao, tập 1) khẳng định Hồ Chí Minh là danh nhân văn hoá thế giới. Khi giới thiệu tiểu sử Hồ Chí Minh, không cuốn sách giáo khoa nào nhắc đến thời gian Người bị các thế lực thù địch bắt giam.
Chưa nói đến một số nhận định thiếu chính xác, không khách quan về nội dung, nghệ thuật thơ văn Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, ngay cả đến tên các tác phẩm của Người cũng được giới thiệu mỗi nơi mỗi khác.
Cuốn “Truyện và kí Nguyễn Ái Quốc” NXB Văn học, Hà Nội, năm 1974 được sách Ngữ văn 12, tập một nhắc đến với tiêu đề “Truyện và kí” (trang 26, dòng 20)
Cuốn Hồ Chí Minh toàn tập (NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội ấn hành) được coi là tài liệu gốc để học tập, nghiên cứu tư tưởng, thơ văn Hồ Chí Minh. Vậy mà khi chú giải nguồn gốc, xuất xứ văn bản, soạn giả sách thường viết sai lệch.
-“Nguyễn Ái Quốc, Bản án chế độ thực dân Pháp, trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995” (Ngữ văn 8, tập hai, trang 90)
- Chú giải xuất xứ văn bản “Tuyên ngôn Độc lập”, Ngữ văn 12, tập một viết “Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995” (trang 41).
- Chú giải xuất xứ văn bản “Chiều tối”, Ngữ văn 11, tập hai lại viết “Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002” (trang 41).
Như vậy là cùng một cuốn sách, cùng một tên nhà xuất bản, thế mà sách Ngữ văn đã viết rất khác nhau. Học sinh không biết tên sách là “Toàn tập”, hay “Hồ Chí Minh toàn tập”, hay “Hồ Chí Minh, Toàn tập”. Tên nhà xuất bản cũng được viết hoa không đúng.
Ở nước ta, Giải thưởng Hồ Chí Minh là phần thưởng cao quý nhất dành cho nhưng ai có cống hiến lớn lao cho đất nước trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ. Buồn thay, cả mười cuốn Ngữ văn, không cuốn nào viết đúng danh hiệu, và sự tôn vinh danh hiệu này. Cá biệt Ngữ văn 7, tập 2 còn viết hoa không đúng và gọi sai tên giải thưởng. Năm 1996, Đặng Thai Mai “được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn hóa – Nghệ thuật” (trang 36). Đúng ra thì năm 1996, Đặng Thai Mai “được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ (đợt 1); lĩnh vực khoa học xã hội vì các công trình nghiên cứu văn học Việt Nam và văn học thế giới).
Tương tự như thế, Ngữ văn 7, tập 2, trang 61 cũng mắc lỗi: Năm 2000, Hoài Thanh “được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn hóa – Nghệ thuật”. Câu này phải chữa lại là: "Năm 2000, Hoài Thanh được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật (đợt 2)”.
Thế Lữ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000 (đợt 2). Thế mà Ngữ văn 8 (tập hai, trang 6) lại viết thành 2003. Hơn nữa cần nói rõ, Thế Lữ được nhận Giải về lĩnh vực sân khấu - chứ không phải văn học.
Như vậy là riêng lỗi chỉnh sửa việc giới thiệu danh hiệu Giải thưởng Hồ Chí Minh của các tác giả được đưa vào sách giáo khoa cũng đã rất nhiều.
Những lỗi như tôi vừa đề cập có thể tìm thấy dễ dàng khi đọc sách giáo khoa. Nguyên nhân tình trạng trên không phải do trình độ chuyên môn yếu kém của người soạn sách; nó nằm trong ý thức trách nhiệm chưa cao của người họ. Theo tôi, cái gốc của ý thức ấy là tư tưởng chủ quan, lối viết sách, xuất bản sách độc quyền tồn tại hàng chục thập niên qua. Phải chăng một số người đã tự cho rằng chỉ có mình viết được sách ? Muốn có sách không mắc lỗi, phải phá bỏ nhanh chóng thế độc quyền trong việc viết và xuất bản sách giáo khoa.
Theo Văn Hiến (VnMedia)