Thứ Bảy, 23/11/2024
Khoa học
Thứ Sáu, 8/3/2019 14:33'(GMT+7)

Đối mặt với nội dung vi phạm quyền tác giả trên mạng xã hội

Ảnh minh họa. (Nguồn: amazeemetrics.com)

Ảnh minh họa. (Nguồn: amazeemetrics.com)

Theo báo cáo của Facebook, tính đến tháng 3 năm 2019, mạng xã hội này có 2.32 tỷ người dùng trên toàn thế giới. Cứ mỗi giây trôi qua, có trung bình 5 người dùng thay ảnh đại diện mới; mỗi 60 giây, Facebook có thêm 510.000 nhận xét, 293.000 trạng thái cập nhật và 136,000 hình ảnh mới. Mỗi ngày, trung bình có 300 triệu tấm ảnh mới được đăng lên Facebook.

Với YouTube, trang web này thu hút 63 triệu người xem mỗi ngày và có 1,8 tỷ người dùng đăng ký tính đến thời điểm hiện tại.

Thực tế cho thấy, các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram... đã dần trở thành công cụ giải trí, biểu đạt cảm xúc và ý kiến của hàng tỷ người trên toàn cầu mỗi ngày.

Với số lượng khổng lồ các thông tin được cập nhật trên các mạng xã hội hàng giờ, hàng ngày, có bao nhiêu thông tin vi phạm quyền tác giả? Các đơn vị cung cấp nền tảng có phải chịu trách nhiệm gì khi chứa các thông tin vi phạm đó?

NHỮNG VÍ DỤ "KINH ĐIỂN"

Đây chính là câu hỏi mấu chốt được đặt ra trong vụ tranh chấp kinh điển giữa Viacom và YouTube năm 2007 tại Hoa Kỳ. Viacom là một tập đoàn truyền thông của Hoa Kỳ chuyên sản xuất các nội dung điện ảnh và truyền hình cáp. YouTube là trang web chia sẻ video trực tuyến được thành lập năm 2005, nơi bất kỳ người dùng nào cũng có thể tải video lên cho người khác xem.

Hai năm sau ngày thành lập, YouTube bị Viacom kiện với hành vi gián tiếp xâm phạm bản quyền và yêu cầu được bồi thường thiệt hại 1 tỷ USD. Viacom cáo buộc rằng, YouTube đã cố tình làm ngơ và không xử lý các nội dung vi phạm bản quyền của Viacom được người dùng tải lên trang web này. Tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên bố, YouTube chỉ bị coi là gián tiếp xâm phạm quyền tác giả nếu (thứ nhất) YouTube có “nhận thức thực tế” (actual knowledge) về hành vi xâm phạm và (thứ hai) YouTube đã không gỡ bỏ hoặc vô hiệu hóa các nội dung vi phạm.

Đến năm 2014, Viacom và YouTube đã tiến hành hòa giải và dừng theo đuổi vụ kiện. Dù không biết được kết quả của vụ kiện, nhưng lý giải của các thẩm phán về phạm vi trách nhiệm của YouTube đã trở thành án lệ để xử lý các tranh chấp tương tự.

Mới đây, vào tháng 2 năm 2019, Facebook bị thua kiện ở Ý trong một tranh chấp tương tự. Công ty truyền hình Reti Televisive Italiane SpA và ca sỹ Valentina Ponzone kiện Facebook vì phát hiện một tài khoản Facebook sử dụng các hình ảnh của ca sỹ Ponzone trong bộ phim Kilari để bôi nhọ ca sỹ này. Nguyên đơn đã gửi tổng cộng 5 yêu cầu xóa tài khoản và các nội dung vi phạm đến Facebook, nhưng Facebook mất 2 năm để thực hiện yêu cầu của họ.

Về phía Facebook, mạng xã hội này phân trần họ không có “nhận thức thực tế” về việc xâm phạm, vì phía nguyên đơn chỉ gửi đường dẫn đến tài khoản người dùng vi phạm mà không chỉ đích xác nội dung vi phạm. Tòa án bác bỏ lập luận của Facebook, cho rằng đường dẫn tới tài khoản vi phạm là thông tin quan trọng để Facebook có thể truy soát các nội dung vi phạm. Nói cách khác, Facebook đã có “nhận thức thực tế” về hành vi vi phạm nhưng không thực hiện các biện pháp hợp lý để ngăn chặn các hành vi đó.

Yêu cầu về “nhận thức thực tế” là một yếu tố đầu tiên giúp xác định trách nhiệm của mạng xã hội đối với thông tin vi phạm quyền tác giả do người dùng mạng xã hội tải lên. Nếu mạng xã hội thực sự biết về hành vi vi phạm mà không xử lý, mạng xã hội đó sẽ bị coi là gián tiếp xâm phạm quyền tác giả. Trái lại, nếu mạng xã hội không biết về hành vi xâm phạm, mạng xã hội có thể được miễn trừ trách nhiệm. Đây là quy định pháp luật về bản quyền liên quan đến các nhà cung cấp dịch vụ internet trong Luật Bản quyền Hoa Kỳ, pháp luật Ý, Đức và nhiều quốc gia khác.

Quy định trên cũng là một nội dung quan trọng tại Điều 18.82 Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam vừa gia nhập.

TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ NGƯỜI DÙNG

Theo Điều 18.82, các nhà cung cấp dịch vụ internet (bao gồm các mạng xã hội) sẽ không bị coi là xâm phạm quyền tác giả khi thực hiện các chức năng như: (i) truyền dẫn, định tuyến, hoặc cung cấp kết nối đến các tài liệu mà không làm thay đổi nội dung của tài liệu đó, hoặc lưu trữ trung gian và tạm thời các tài liệu đó một cách tự động trong một quy trình kỹ thuật; (ii) lưu trữ tạm thời thực hiện thông qua một quy trình tự động; (iii) lưu trữ, theo chỉ định của người dùng, tài liệu trên hệ thống hoặc mạng được điều khiển hoặc vận hành bởi hoặc cho nhà cung cấp dịch vụ internet; (iv) chuyển hoặc kết nối người dùng đến một vị trí trực tuyến bằng việc sử dụng các công cụ định vị thông tin…

Tuy nhiên, để được áp dụng các ngoại lệ nêu trên, nhà cung cấp dịch vụ internet phải  nhanh chóng xóa bỏ các nội dung vi phạm bản quyền ngay khi có “nhận thức thực tế” về hành vi xâm phạm (ví dụ khi nhận được thông báo).

Đáng lưu ý, CPTPP yêu cầu các quốc gia thành viên không được áp đặt các nhà cung cấp dịch vụ internet phải chủ động giám sát và phát hiện các hành vi vi phạm trên nền tảng của mình. Đây là một quy định hết sức tiến bộ trong bối cảnh các mạng xã hội nhận được một khối lượng nội dung khổng lồ được đăng tải hàng ngày.

Việc chủ động giám sát các nội dung này chắc chắn sẽ gây tốn kém và tiêu tốn thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động sáng tạo của các nền tảng này. Vì thế, quy định này nhấc gánh nặng khỏi các nhà cung cấp dịch vụ internet và đặt nó lên vai của chủ sở hữu quyền tác giả bởi hơn ai hết, chủ sở hữu quyền tác giả là người quản lý tốt nhất tài sản của chính mình.

Các quy định trên trong CPTPP thực sự là một nỗ lực đáng kể của các nhà làm luật nhằm thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ trung gian trên internet thông qua việc tạo ra một lá chắn an toàn, hợp lý cho các nhà cung cấp dịch vụ internet.

Cuối cùng, trách nhiệm vẫn và nên thuộc về người dùng dịch vụ. Trên mỗi nền tảng mạng xã hội, người dùng đều phải cam kết tuân thủ các điều khoản và điều kiện sử dụng dịch vụ khi đăng ký tài khoản. Các điều khoản và điều kiện sử dụng dịch vụ luôn bao gồm yêu cầu người dùng không được đăng tải các thông tin vi phạm quyền tác giả. Một khi người dùng vi phạm cam kết này, người dùng có thể bị từ chối sử dụng dịch vụ đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cho hành vi vi phạm quyền tác giả./.

Bích Ngọc (Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất