Chủ Nhật, 29/9/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 15/12/2013 8:35'(GMT+7)

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: “Nhiệm vụ trọng tâm vừa cấp bách vừa lâu dài”

TS. Nguyễn Đắc Hưng -Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương

TS. Nguyễn Đắc Hưng -Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương


Ngày 4 tháng 11 năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Nhân dịp này, Tạp chí Tuyên giáo đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương để làm rõ hơn một số nội dung của Nghị quyết.

PV: Đồng chí có thể cho biết tại sao nước ta phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo? Nội hàm của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là gì?

TS. Nguyễn Đắc Hưng: Như đã biết, đất nước ta đã có ba lần cải cách và 27 năm (từ năm 1986) thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo.

Năm 1950, khi tình hình cách mạng nước ta đang trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp ác liệt, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cách mạng lúc bấy giờ, đồng thời khắc phục những yếu kém của nền giáo dục nửa thuộc địa, nửa phong kiến, xây dựng nền giáo dục cách mạng. Vì vậy, nước ta đã tiến hành cải cách giáo dục lần thứ nhất.

Năm 1956, cả nước thực hiện hai nhiệm vụ cách mạng. Miền Bắc tiến lên CNXH và miền Nam đấu tranh chống đế quốc xâm lược. Trước yêu cầu thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng của đất nước rất cần phải tiến hành cải cách giáo dục để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ đắc lực hai nhiệm vụ cách mạng trên. Vì vậy, nước ta đã tiến hành cải cách giáo dục lần thứ hai.

Năm 1975, Tổ quốc đã hoàn toàn thống nhất. Cả nước thực hiện một nhiệm vụ là kiến thiết, xây dựng đất nước. Trước yêu cầu của tình hình cách mạng mới, nước ta phải nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sự nghiệp kiến thiết nước nhà và góp phần đưa đất nước tiến nhanh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện được mục tiêu này, cần phải thống nhất một chương trình giáo dục trong cả nước nhằm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước. Vì vậy, nước ta đã tiến hành cải cách giáo dục lần thứ ba.

Từ năm 1986 đến nay, thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng, giáo dục cũng phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp đổi mới của đất nước. Tư tưởng đổi mới giáo dục được nhấn mạnh từ Đại hội Đảng lần thứ 9; đến Đại hội Đảng lần thứ 10, tư tưởng đổi mới giáo dục đã được Đảng ta phát triển, đó là: đổi mới toàn diện giáo dục. Đến Đại hội Đảng lần thứ 11, mặc dù nền giáo dục nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khuyết điểm, trong đó có những khuyết điểm kéo dài.
Để khắc phục được những khuyết điểm “bền vững” của nền giáo dục, Trung ương quyết định phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, có như vậy, nguồn nhân lực nước ta mới có thể đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Từ sự phân tích ở trên cho thấy, trong tư duy của Đảng về giáo dục đã có sự phát triển từ đổi mới - đổi mới toàn diện - đổi mới căn bản, toàn diện. Sự phát triển về tư duy lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp giáo dục càng có ý nghĩa quan trọng khi nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Về nội hàm của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Ban Chấp hành Trung ương đã khẳng định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện đảm bảo thực hiện; đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục – đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học.

Có thể thấy, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo lần này là đổi mới bản chất của nền giáo dục, đổi mới từ truyền thụ kiến thức là chủ yếu sang phát triển phẩm chất và năng lực người học. Đổi mới từ mục tiêu người học học được cái gì sang người học làm được cái gì trên cơ sở học được. Đó là sự đổi mới căn bản và toàn diện, thay đổi về chất của giáo dục.

PV: Theo đồng chí, trong các quan điểm và giải pháp của Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo lần này, đâu được coi là khâu đột phá?

TS. Nguyễn Đắc Hưng: Qua nhiều lần hội thảo khoa học, các nhà giáo, các nhà khoa học và các nhà quản lý đều thống nhất cho rằng giải pháp mang tính đột phá của Nghị quyết lần này là công tác thi, đánh giá, kiểm định chất lượng và công tác tuyển sinh. Bởi vì, nếu tác động vào khâu này sẽ kéo theo sự thay đổi cả về cách dạy và học, từ đó sẽ đòi hỏi phải thay đổi cả nội dung, chương trình, cách thức tổ chức, đào tạo bồi dưỡng giáo viên…. Khâu đột phá có thể không phải là khâu quan trọng nhất, nhưng nó phải là khâu yếu nhất, tác động vào nó làm chuyển động cả hệ thống.

Khi đề xuất khâu đột phá trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhiều người đồng tình và mong muốn cần nhanh chóng đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Cùng với các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, thì nếu làm tốt việc đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng và tuyển sinh sẽ là bước khởi đầu trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

 PV: Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo lần này của Trung ương được người dân rất kỳ vọng và trông chờ sẽ giải quyết được những hạn chế, yếu kém kéo dài trong nền giáo dục của nước ta. Đồng chí nghĩ thế nào về điều này?

TS. Nguyễn Đắc Hưng: Có thể khẳng định rằng, cho đến nay, khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhiều nhà khoa học, những người làm công tác giáo dục và cả những người am hiểu về giáo dục rất mừng, nhưng cũng rất lo lắng, làm sao thực hiện tốt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Nghị quyết.

Điều đáng mừng là Nghị quyết đã được cả xã hội quan tâm và đánh giá cao về nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Nội dung nêu trong Nghị quyết về cơ bản giải quyết được nhiều thắc mắc, băn khoăn của người dân. Có thể ví nôm na là chúng ta đã "bắt được bệnh", đó là cơ sở quan trọng để tìm cách trị bệnh. Tuy nhiên, làm thế nào để có thể chữa được bệnh, thì đây là quả một điều rất đáng lo lắng.

Giáo dục là một công việc khó, nó ảnh hưởng đến từng người, từng gia đình và toàn thể xã hội. Hiện này, cả nước có hơn 22 triệu học sinh và gần 1 triệu cán bộ quản lý, giáo viên tham gia vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đó là lực lượng vô cùng lớn để thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ. Bên cạnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả xã hội cũng tham gia vào sự nghiệp đổi mới giáo dục. Như vậy, để làm chuyển biến nhận thức cho toàn xã hội là công việc vô cùng khó, nhưng để chuyển thành hành động cả xã hội, mà trước hết là đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục càng khó khăn hơn. Mà đặc điểm giáo dục là có sức ỳ rất lớn.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, khi tiến hành các cuộc cải cách, những người tham gia được hưởng lợi từ thành quả của cải cách. Nhưng làm cải cách giáo dục, chưa chắc những người làm cải cách giáo dục được hưởng lợi nhất, trong khi họ lại là những người vất vả nhất. Xã hội đã đồng thuận rồi, nhưng xã hội có thực sự có chung tay chung sức vào thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục dục hay không, đó là một điều băn khoăn, lo lắng rất lớn.

Trong Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, việc tạo động lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cũng là vấn đề được quan tâm sâu sắc. Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo một lần nữa khẳng định lương giáo viên phải được xếp cao nhất trong thang bảng lương của cán bộ hành chính sự nghiệp. Đồng thời có chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bên cạnh đó, phải có cơ chế sàng lọc để lựa chọn những người có đủ phẩm chất và năng lực được hưởng sự đãi ngộ và tôn vinh của Đảng, Nhà nước và xã hội; phải có cơ chế sàng lọc để kiên quyết đưa ra khỏi đội ngũ nhà giáo những người không đủ tiêu chuẩn. Có làm được như vậy, chúng ta mới thực hiện được công cuộc đổi mới giáo dục.

Quả thật, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có thể gọi là một “chiến dịch”, một chiến dịch rất lớn với sự tham gia của toàn xã hội. Sự kỳ vọng của người dân chính là nỗi lo của những người làm công tác giáo dục phải cố gắng làm tốt chức trách được giao.

PV: Vậy theo đồng chí, những người làm công tác tuyên giáo cần phải làm gì để đưa Nghị quyết này vào cuộc sống?

TS. Nguyễn Đắc Hưng: Theo chúng tôi, trước hết, những cán  bộ của ngành Tuyên giáo phải hiểu thấu đáo về vị trí, tầm quan trọng và nội dung của Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đối với sự phát triển của đất nước, của xã hội từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Thứ hai, phải nghiên cứu kỹ Nghị quyết để có thể tuyên truyền rộng rãi trong xã hội những nội dung cơ bản, sâu sắc của Nghị quyết.

Thứ ba, cần có cơ chế thu nhận sự phản hồi của xã hội, để kịp thời thông tin và tham mưu cho những cơ quan có trách nhiệm, những người có trách nhiệm thực thi công việc, nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục.

Thứ tư, cán bộ ngành Tuyên giáo phải luôn có ý thức phối hợp, đồng hành cùng với ngành giáo dục trong việc đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết trong suốt chặng đường đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Tôi tin tưởng rằng, Nghị quyết về giáo dục và đào tạo lần này chắc chắn sẽ đi vào cuộc sống!

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Thu Hằng (thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất