Chủ Nhật, 29/9/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 18/1/2014 14:43'(GMT+7)

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục: Vận hội để phát triển

Học sinh bậc Tiểu học ở xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn (Hà Giang), trong giờ trên lớp. (Ảnh: Hương Lê/QĐND)

Học sinh bậc Tiểu học ở xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn (Hà Giang), trong giờ trên lớp. (Ảnh: Hương Lê/QĐND)

Hội nghị lần thứ 8 (khóa XI) của Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Đây là một nghị quyết vô cùng quan trọng cho thấy Đảng và Nhà nước ta tiếp tục coi giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Nghị quyết đã đánh giá tình hình giáo dục hiện tại, khẳng định những thành công, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đồng thời nêu lên định hướng đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT với mục tiêu tổng quát: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân.

Chúng ta đều biết giáo dục là một vấn đề hệ trọng và phức tạp, liên quan đến mọi gia đình, liên quan đến sự phát triển của đất nước. Những thay đổi của mục tiêu, nội dung, phương pháp và cách thức kiểm tra, đánh giá sẽ có tác động đến không chỉ đội ngũ giáo viên, học sinh, các nhà quản lí giáo dục mà còn tác động trực tiếp đến hàng triệu gia đình và toàn thể xã hội. Bởi vậy mà việc đổi mới căn bản, toàn diện sẽ là một thách thức không nhỏ.

Vẫn biết rằng giáo dục đối với nước ta là quốc sách hàng đầu; vẫn biết rằng đầu tư cho giáo dục của chúng ta đã không ngừng tăng lên, nhưng vấn đề đầu tiên là vấn đề… tiền! Chúng ta đã chi cho giáo dục ở mức khá cao là 20% tổng chi ngân sách. Lần này tiến hành đổi mới, trong số những nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết ghi “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư và phát triển GD&ĐT, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi ngân sách”. Đây là mức chi ít nhất là bằng mức đã chi. Chúng ta có thể đi vay để làm giáo dục. Nhưng không phải muốn vay bao nhiêu cũng được. Vậy thì đổi mới căn bản, toàn diện, nhưng phải chọn ra khâu cơ bản nhất để tạo ra đột phá chứ không thể chia đều.

Mặt khác, những chuyên gia, những con người làm giáo dục, xét tổng thể cũng không nhiều. Nguồn lực con người cụ thể ở mỗi ngành học cũng rất có hạn. Nhân lực và tài lực đều có mức độ. Trong khi đó, chúng ta đổi mới toàn bộ hệ thống giáo dục “xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp”. Tất cả mọi cấp học, bậc học đều đòi hỏi sự đổi mới, hoàn thiện. Tất cả các mục tiêu, nội dung, phương pháp và kiểm tra đánh giá đều phải được rà soát lại, bổ sung, hoàn thiện thêm. Những công việc đó không chỉ cần cố gắng của ngành giáo dục, mà như Nghị quyết đã chỉ rõ cần “tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia đánh giá, giám sát và phản biện của toàn xã hội đối công việc đổi mới, phát triển giáo dục”.

Để chuyển từ 11 môn học xuống còn từ 3 đến 6 môn ở bậc Tiểu học; từ 13 môn học xuống còn 8 môn học ở THCS và từ 13 môn học xuống còn 3 môn bắt buộc, 3 môn tự chọn ở THPT là một công việc không hề dễ dàng với các nhà chuyên môn. Ở đây chỉ xin lưu ý rằng, trong cuộc đổi mới ở THCS, năm 1998, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Ô-xtrây-li-a, chúng ta đã thử tích hợp môn Lịch sử và Địa lí thành môn Khoa học xã hội, môn Vật lí, Hóa học, Sinh vật thành môn Khoa học tự nhiên, môn Văn, Tiếng Việt và Tập làm văn thành môn Ngữ văn… Nhưng cuối cùng, chỉ có môn Ngữ văn là thực hiện thành công, còn các môn khác vẫn là những môn riêng biệt. Có thể khẳng định phương án này đã thất bại vì có quá nhiều nguyên nhân, trong đó đáng kể là các nhà chuyên môn của chúng ta chưa sẵn sàng cho tích hợp; và các thầy cô giáo của chúng ta chưa được đào tạo kiểu liên môn và dạy liên môn như thế.

Việc biên soạn sách giáo khoa phù hợp với đối tượng học, chúng ta có kinh nghiệm nhiều hơn. Đã từng có 3 bộ sách giáo khoa Toán cho lần thí điểm phân ban đầu tiên, có hai bộ sách giáo khoa các môn cho chương trình chuẩn và nâng cao khi thực hiện chương trình năm 2006. Nhưng bây giờ, sẽ biên soạn bao nhiêu bộ sách giáo khoa là phù hợp? Sách viết theo xu hướng phân hóa môn học, hay viết theo vùng miền? Trong khi một số nước có sách giáo khoa điện tử, chúng ta có thử làm sách giáo khoa điện tử hay không? Chúng ta “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học” như Nghị quyết đã ghi như thế nào? Đó là những bài toán không dễ dàng có lời giải!

Phân tích một phần trong một nhiệm vụ, giải pháp như thế để thấy rằng biết bao là khó khăn thách thức trong cuộc đổi mới căn bản, toàn diện này. Nhưng rõ ràng, khắc phục được khó khăn, vượt qua thách thức thì giáo dục nước ta mới có thể phát triển, trở thành nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và dần dần theo kịp các nước phát triển trên thế giới. Đây chính là một vận hội cho nền giáo dục nước nhà phát triển. Có Nghị quyết của Đảng, có sự đồng thuận của toàn xã hội, cùng với sự nỗ lực hết mình của ngành giáo dục, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được những thành tựu mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế./.

PGS. TS. VŨ NHO

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

(Nguồn: QĐND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất