Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 15/5/2012 23:57'(GMT+7)

Đổi mới lâm trường quốc doanh trong công tác bảo vê rừng

 

Hội thảo được Viện tư vấn phát triển (CODE) phối hợp với Trung tâm tư vấn Quản lý bền vững tài nguyên và Phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM), Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (CRD), Quỹ Phát triển nông thôn và Giảm nghèo Quảng Bình (RDPR) tổ chức.

Nguyên nhân của tình trạng này là do có sự chồng chéo quyền quản lý, sai lệch về diện tích và vị trí trên thực địa, có tình trạng cấp sổ đỏ cho LTQD trong khi người dân vẫn còn sử dụng và canh tác. Thực tế trên, dẫn đến xung đột, mâu thuẫn giữa lâm trường, các đối tượng sử dụng đất rừng với các hộ dân, ảnh hưởng đến sản xuất của lâm trường và quyền lợi của người dân.

Theo đó, diện tích đất rừng cần thu hồi để trả lại cho địa phương của LTQD quá ít, đến năm 2010 chỉ có 490.000ha – chiếm 44% diện tích dự kiến trả lại cho địa phương, vì vậy chưa đáp ứng được nhu cầu sinh kế, chưa khắc phục được tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân, đặc biệt là các vùng đông dân cư, điều kiện sản xuất nông nghiệp hạn chế. Cũng theo khảo sát của CODE, hết năm 2011, vẫn còn hơn 132.000ha rừng thuộc quản lý của LTQD còn bị bỏ hoang hoá, chưa sử dụng.

Ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện CODE khẳng định: Việc đổi mới, sắp xếp LTQD sau 8 năm thực hiện đã không đạt được kết quả như mong muốn của Chính phủ đề ra vì vấp nhiều lực cản, chỉ dừng ở việc đổi mới tên, chưa chuyển đổi căn bản về nội dung quản lý.

Đến nay, cả nước đã có 51 tỉnh, thành phố hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt “Đề án sắp xếp đổi mới và phát triển nông, LTQD”. Từ 256 lâm trường, công ty lâm nghiệp, sau khi sắp xếp còn 136 công ty TNHH một thành viên, 14 công ty cổ phần, 36 BQL rừng được thành lập và 14 nông lâm trường quốc doanh bị giải thể. Tuy nhiên, do năng lực quản lý yếu, diện tích quản lý lớn nên rừng tự nhiên do các lâm trường quốc doanh quản lý tiếp tục bị xâm hại (trung bình mỗi năm mất khoảng hơn 20 nghìn ha trong giai đoạn 2006-2010), thực trạng chặt phá rừng diễn ra khá phổ biển, chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.

Tiến trình rà soát, sắp xếp đổi mới và phát triển LTQD diễn ra chậm và gặp nhiều vướng mắc chưa giải quyết được, đặc biệt việc rà soát, đánh giá đất đai của LTQD mới chỉ dựa trên báo cáo tự đánh giá của chính các lâm trường. Việc rà soát đất đai thiếu sự tham gia của người dân và chưa xem xét đến nhu cầu sử dụng đất rừng của người dân địa phương nên vài năm trở lại đây, mâu thuẫn tranh chấp đất rừng giữa người dân địa phương với các lâm trường ngày càng nhiều. Trong khi đó việc thu hồi đất rừng giao lại cho địa phương rất chậm, đến năm 2011 mới được 720.000 ha, tương đương 63,2% dự kiến.

Nghiên cứu của CODE, CIRUM, CRD và RDPR cũng chỉ ra: Nếu không giải quyết được các xung đột hiện có trong tiến trình sắp xếp, đổi mới LTQD, rất có thể Việt Nam sẽ khó tiếp cận với nguồn lực từ bên ngoài như chương trình REDD+ (Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua việc hạn chế mất rừng và suy thoái rừng) trong thời gian tới.

Do đó, theo các đại biểu tham dự Hội thảo, để đảm bảo quá trình sắp xếp, đổi mới LTQD thuận lợi, cần phải rà soát, đánh giá đất đai của LTQD trên cơ sở đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên, xây dựng mô hình quản lý rừng phù hợp và hiệu quả với từng vùng miền, nghiên cứu đánh giá tổng kết kịp thời việc triển khai Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị và Nghị định 200/2004/NĐ-CP đề xuất các giải pháp điều hành chính sách và tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương sắp xếp, đổi mới LTQD nhằm quản lý sử dụng bền vững tài nguyên rừng. đất rừng và đảm bảo đời sống cho cộng đồng các dân tộc miền núi gắn với rừng.

Hội thảo diễn với hai phiên thảo luận theo nhóm chủ đề: Thực trạng quản lý sử dụng đất rừng giữa LTQD và người dân địa phương” và “Giải pháp giải quyết mâu thuẫn về quản lý đất rừng giữa LTQD và người dân”. Hội thảo là cơ hội để các đại biểu trao đổi, thảo luận và chia sẻ những vấn đề bức xúc, vướng mắc và tồn tại hiện nay trong quản lý, sử dụng đất rừng, đề xuất kiến nghị các giải pháp khắc phục nhằm ổn định xã hội, điều chỉnh và bổ sung các chính sách phù hợp để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, tổ chức sắp xếp lại hoạt động của LTQD để phát huy hiệu quả trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới hiện nay./.

Tuấn Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất