Theo các chuyên gia giáo dục, đổi mới giáo dục nói chung, đổi mới kiểm
tra, thi cử nói riêng cần có lộ trình hợp lý, hợp thời, mà không thể
nóng vội chủ quan, đốt cháy giai đoạn. Nhưng mọi sự chậm trễ, chần chừ,
do dự trong đổi mới khâu quan trọng này sẽ tác động không thuận đến kết
quả, mục tiêu đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.
Một trong những vấn đề được đưa ra bàn luận trong Hội thảo khoa học “5 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Thành tựu và thách thức” do Đại học Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức là vấn đề đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá học sinh. Đây cũng là vấn đề trọng tâm được nhấn mạnh tại cuộc họp Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 mở rộng do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức mới đây.
Từ nhiều năm nay, vấn đề thi, kiểm tra, đánh giá học sinh phổ thông luôn thu hút sự quan tâm không chỉ riêng của các thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh, mà còn được dư luận xã hội đề cập nhiều lần, nhất là vào thời điểm kết thúc năm học và kỳ thi THPT quốc gia. Làm sao để việc thi, kiểm tra, đánh giá học sinh vừa sát với đối tượng, vừa bảo đảm tính trung thực, khách quan mà vẫn đạt được mục tiêu, yêu cầu giáo dục là nỗi lo thường trực của những người làm công tác giáo dục. Nhất là thời gian qua, việc kiểm tra, đánh giá kết quả học sinh các cấp ở nhiều nơi vẫn nặng về thành tích, phản ánh không đúng thực lực học tập của học sinh và những kẽ hở, sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia ở một số địa phương làm giảm niềm tin của xã hội đối với kỳ thi quan trọng này.
Thi, kiểm tra, đánh giá học sinh là khâu cuối và cũng là khâu quan
trọng nhất trong quy trình đào tạo. Nhận thức rõ vấn đề này, những năm
gần đây, ngành giáo dục và các nhà trường từng bước cải tiến về phương
pháp thi, kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng học gì thi nấy mà vẫn
giảm tải được phần nào áp lực cho người học; vận dụng và kết hợp nhiều
hình thức kiểm tra để đánh giá năng lực học sinh; ứng dụng công nghệ
thông tin góp phần nâng cao tính minh bạch, khách quan trong một số kỳ
thi quan trọng, như: Thi THPT quốc gia, thi đánh giá năng lực thí sinh
của một số cơ sở giáo dục đại học…
Tuy nhiên, việc đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá học sinh vẫn chưa theo
kịp tiến trình đổi mới, xu thế giáo dục thời đại và đáp ứng sự kỳ vọng,
mong muốn của toàn xã hội. Một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến
thực trạng này là chương trình giáo dục phổ thông vẫn nặng về kiến thức,
phương pháp giảng dạy của giáo viên còn xuôi chiều, hình thức đánh giá
chỉ coi trọng số lượng kiến thức mà chưa chú trọng đến năng lực vận dụng
sáng tạo của học sinh.
Theo các chuyên gia giáo dục, đổi mới giáo dục nói chung, đổi mới kiểm
tra, thi cử nói riêng cần có lộ trình hợp lý, hợp thời, mà không thể
nóng vội chủ quan, đốt cháy giai đoạn. Nhưng mọi sự chậm trễ, chần chừ,
do dự trong đổi mới khâu quan trọng này sẽ tác động không thuận đến kết
quả, mục tiêu đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện nền
giáo dục nước nhà. Vậy nên, trước yêu cầu bức bách của thực tiễn, đòi
hỏi những người làm công tác giáo dục phải vừa khẩn trương, quyết liệt
chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức thi, kiểm
tra, đánh giá học sinh trong thời gian qua, vừa phải nỗ lực tìm tòi các
giải pháp khả thi, thiết thực để bảo đảm việc kiểm tra, thi, nhất là kỳ
thi THPT quốc gia thật sự trung thực, khách quan và góp phần giảm áp lực
cho học sinh, phụ huynh và giảm chi phí cho xã hội.
Mới đây, đại diện Bộ GD&ĐT đã khẳng định: Cùng với việc tiếp tục
đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá vì sự phát triển năng
lực của học sinh, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 cơ bản vẫn duy trì như
năm 2018; những thay đổi, điều chỉnh chủ yếu liên quan đến vấn đề kỹ
thuật và những người tổ chức kỳ thi, còn với học sinh thì căn bản là ổn
định, không thay đổi, vì vậy các em học sinh yên tâm học tập. Hy vọng,
đây không dừng lại ở một lời tuyên bố để góp phần trấn an dư luận và các
em học sinh, mà phải là một cam kết chính trị của ngành giáo dục đối
với Đảng, Nhà nước và toàn xã hội./.
Phúc Nội (qdnd.vn)