Chủ Nhật, 24/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Ba, 18/9/2018 13:20'(GMT+7)

Đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy lý luận chính trị

Những giảng viên tham dự Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi tỉnh Thái Bình

Những giảng viên tham dự Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi tỉnh Thái Bình

Tín hiệu tích cực từ Hội thi cấp tỉnh

 Những ngày này, anh Trần Nguyên Hãn (Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hưng Hà - Thái Bình) đang tích cực soạn giáo án và nghiên cứu các tài liệu, chuẩn bị cho Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi (Hội thi) khu vực phía Bắc, dự kiến sẽ tổ chức vào trung tuần tháng 8 tới đây. Là một trong số 2 thí sinh xuất sắc nhất tỉnh Thái Bình được cử dự Hội thi khu vực, anh cho biết, rút kinh nghiệm từ Hội thi cấp tỉnh, trong phần thao giảng, anh cần thuyết trình tự nhiên hơn; sử dụng một số từ ngữ cần chắt lọc hơn. “Những kiến thức trong giáo trình là phần "cứng", mình cần phải nói thêm về những vấn đề thời sự, tình hình hiện tại của đất nước, địa phương để bài giảng có sự phong phú hơn”. Anh Hãn chia sẻ.

Cũng đang chuẩn bị cho Hội thi khu vực, chị Bình Thị Hoa (Giảng viên Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) cho biết, Hội thi cấp tỉnh đã giúp chị củng cố, rèn luyện kỹ năng soạn, giảng, học hỏi được thêm các phương pháp giảng dạy của đồng nghiệp. Theo chị, cần phân biệt rõ giữa giảng dạy, diễn thuyết và báo cáo viên. Để có một bài giảng tốt, trước hết cần phải có một bài soạn tốt, thể hiện được những kiến thức mà chương trình yêu cầu bằng nội dung cụ thể, dễ hiểu; có dẫn chứng sinh động chứng minh cho những nội dung cần phân tích. Để truyền tải được những nội dung bài giảng, giảng viên phải có phương pháp giảng bài, thể hiện ở cách nói, cách diễn giải, tác phong đi lại…

Đồng chí Ngô Thị Kim Hoàn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Bình cũng chia sẻ, Hội thi cấp tỉnh ở Thái Bình đã nâng cao năng lực, kỹ năng giảng dạy của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị của tỉnh. Đây cũng là dịp để các giảng viên trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy lý luận chính trị, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt ở các địa phương, đơn vị. Thông qua quá trình chuẩn bị tổ chức, lựa chọn và cử giảng viên tham gia Hội thi, các đơn vị đánh giá, phân loại giảng viên chính xác hơn, trên cơ sở đó có kế hoạch tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trong những năm tiếp theo. Hội thi cũng giúp cấp ủy các cấp có định hướng chỉ đạo sâu sát hơn về công tác giáo dục lý luận chính trị; về vị trí, vai trò của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện, tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện để các đơn vị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của địa phương. Tuy nhiên, theo đồng chí Ngô Thị Kim Hoàn, thành công tại hội thi mới chỉ là kết quả bước đầu. Điều quan trọng là làm sao kết quả hội thi được phát huy trong công tác thực tiễn, nhất là thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. 

Từ kết quả Hội thi cấp tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai đã đề nghị tăng cường các hoạt động dự giờ rút kinh nghiệm ở các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; trao đổi chuyên môn, bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên, nhất là giảng viên kiêm chức. Coi việc tổ chức thao giảng, thăm lớp, dự và đánh giá giờ giảng là một việc làm thường xuyên để củng cố và không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn và nghiệp vụ giảng dạy. Bên cạnh đó, tổ chức định kỳ các hoạt động trải nhiệm thực tiễn, nghiên cúu khoa học, nhất là đối với đội ngũ giảng viên trẻ, chưa có nhiều thực tế kinh nghiệm công tác. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La cũng như một số ban tuyên giáo các tỉnh, thành ủy khác đã đề nghị Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo định kỳ tổ chức Hội thi giảng dạy lý luận chính trị giỏi cấp tỉnh 5 năm một lần để thúc đẩy phong trào giảng dạy lý luận chính trị trong các trung tâm bồi dưỡng chính trị được tốt hơn.

Tham dự và làm giám khảo của nhiều Hội thi cấp tỉnh, đồng chí Mai Yến Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Lý luận Chính trị (Ban Tuyên giáo Trung ương) khẳng định, thành công của Hội thi cấp tỉnh đã phản ánh nhiều mặt hoạt động của các giảng viên, công tác bồi dưỡng lý luận chính trị của các đơn vị. Kết quả đạt được không chỉ là sự nỗ lực của từng cá nhân giảng viên, am hiểu tình hình địa phương, vận dụng nhuần nhuyễn các vấn đề vào bài giảng, mà còn là sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy đảng và thể hiện năng lực tổ chức, đào tạo và sự quan tâm đội ngũ giảng viên của Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy; của các trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Hội thi cũng đã góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, tạo sự chuyển biến về chất lượng, hiệu quả cho công tác giáo dục lý luận chính trị cấp tỉnh. Đồng thời, tạo cơ hội cho cán bộ làm công tác tham mưu, quản lý và giảng viên được trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Những hạn chế thí sinh cần khắc phục

Chia sẻ về những hạn chế cần phải rút kinh nghiệm sau Hội thi cấp tỉnh, đồng chí Huỳnh Thị Thu, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang lưu ý, một số cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị cũng như một số trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện chưa thực sự dành sự quan tâm đúng mức đến Hội thi. Điều này thể hiện ở việc phân công giảng viên tham dự không đảm bảo số lượng theo quy định, hoặc cá biệt không phân công giảng viên dự thi. Chưa có sự quan tâm kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở thí sinh chuẩn bị giáo án, thao giảng và tạo điều kiện tốt nhất cho giảng viên dự thi.

Các thí sinh đăng ký nội dung dự thi chưa đa dạng, phong phú, hầu hết tập trung vào chương trình Bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng, Bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới… Một số giáo án chuẩn bị sơ sài, chưa phát huy sự sáng tạo, sai sót những lỗi căn bản về chính tả, câu chữ, thiếu cập nhật các quy định mới. Nội dung giáo án chưa xác định được đối tượng giảng, phần nào là kiến thức cơ bản cho học viên ghi, phần nào là giảng giải, phân tích, mở rộng. Một số giáo án không có hoặc có quá nhiều ảnh minh họa dẫn đến bị rối, hoặc có trường hợp ảnh minh họa không phù hợp.

Theo đồng chí Nguyễn Vân, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông, trong phần thao giảng, thí sinh cần nắm vững nội dung kiến thức truyền dạy, thoát ly được giáo án, nêu vấn đề và phải giải quyết được vấn đề đặt ra. Các thí sinh cần phân bổ thời gian hợp lý cho phần nội dung trọng tâm của bài giảng với tổng thể thời gian thao giảng, lên lớp đủ theo các bước hướng dẫn. Các thí sinh là giảng viên kiêm chức thường chỉ sử dụng phương pháp diễn giải, thuyết trình nên cần có sự kết hợp linh hoạt trong một giờ giảng. Nội dung liên hệ tại địa phương, đơn vị phải cụ thể, sát thực tiễn. Trong phần thi trả lời câu hỏi, các thí sinh cần bình tĩnh, trả lời đúng vào trọng tâm câu hỏi, diễn đạt đủ ý. 

Chắc chắn rằng, để chuẩn bị cho Hội thi khu vực và chung khảo toàn quốc sắp tới, mỗi giảng viên cần trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng gắn lý luận với thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng, giải đáp được những vấn đề đặt ra từ thực tiễn; ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quá trình giảng dạy để nâng cao chất lượng, hiệu quả nội dung bài giảng.

Điểm mới của Hội thi cấp khu vực và Chung khảo toàn quốc

Tiếp nối Hội thi cấp tỉnh, Hội thi cấp khu vực và Hội thi Chung khảo toàn quốc giảng viên lý luận chính trị giỏi dự kiến tổ chức từ trung tuần tháng 9 đến tháng 10-2018. Hội thi năm 2018 là hội thi lần thứ 3 được tổ chức kể từ Hội thi lần đầu tiên tổ chức năm 2003. Mỗi tỉnh, thành phố được cử 2 giảng viên tham gia dự thi. Đối với các tỉnh, thành phố lớn có nhiều trung tâm bồi dưỡng chính trị được phép cử 3 giảng viên dự thi, ví dụ như Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh… Bởi các tỉnh, thành này đều có từ 22 đến trên 30 trung tâm bồi dưỡng chính trị.

Trong Hội thi cấp khu vực và chung khảo toàn quốc năm nay, dự kiến, sau phần thi thao giảng và trả lời câu hỏi của giảng viên, các thành viên hội đồng giám khảo sẽ nhận xét, đánh giá những ưu điểm, nhược điểm phần thi của thí sinh về nội dung trình bày, cách thức, phương pháp lên lớp. Điều này sẽ rất bổ ích cho thí sinh, để thí sinh có thể thực sự học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy lý luận chính trị. Đây là một trong những điểm mới của Hội thi lần này.

Đối với Hội thi Chung khảo toàn quốc, đối tượng để thí sinh thao giảng không phải là giả định. Ban Tổ chức sẽ mời học viên của lớp Kết nạp Đảng, Đảng viên mới, các lớp đoàn thể… của địa phương đến để nghe giảng trực tiếp. Thời gian thi của thí sinh là 45 phút như một tiết thực giảng. Trong quá trình thi, không chỉ giám khảo mà ngay cả học viên (người dự) sẽ đối thoại, yêu cầu thí sinh (giảng viên) trả lời những nội dung trong bài. Điều này sẽ đảm bảo sự giao lưu, đối thoại giữa người giảng, người học, tăng cường tính tích cực chủ động của người nghe và đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên. Hiện tại, Vụ Lý luận chính trị (Ban Tuyên giáo Trung ương) đã vận dụng Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 9-2-2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới” vào Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi khu vực và toàn quốc năm 2018.

Giải thưởng của Hội thi được lựa chọn từ cao xuống thấp. Giảng viên đạt giải Nhất phải đạt loại giỏi (đạt từ 8,5 điểm trở lên). Nếu không đạt loại giỏi, giảng viên cao điểm nhất cũng chỉ được giải Nhì. Giảng viên đạt giải Khuyến khích phải đạt điểm khá trở lên. Ban Tổ chức cũng dự kiến trao thêm các giải phụ như: Giảng viên giảng hay nhất, Giảng viên sử dụng phương tiện dạy học tốt nhất, Giảng viên viết chữ đẹp nhất, Giảng viên soạn giáo án tốt nhất… Căn cứ vào điểm của Ban Giám khảo, Ban Tổ chức Hội thi sẽ cấp giấy chứng nhận xếp loại và công nhận cho giảng viên có điểm thi đạt loại giỏi, khá.

Có thể khẳng định, với sự tâm huyết, yêu nghề và sự chuẩn bị bài giảng công phu của các giảng viên, sự đổi mới trong nội dung, cách thức thi, Hội thi năm 2018 sẽ lựa chọn được những giảng viên lý luận chính trị giỏi với 3 kỹ năng: soạn giáo án; thuyết trình và ứng xử. Quan trọng hơn, kết quả của Hội thi sẽ góp phần giúp cho Ban Tuyên giáo các cấp rút kinh nghiệm, thấy rõ những yêu cầu đặt ra cho từng đơn vị, giảng viên để tiếp tục thực hiện trong xây dựng quy trình đào tạo nâng cao trình độ các giảng viên; nâng cao trách nhiệm của đơn vị đối với giảng viên lý luận chính trị ở cơ sở; chuẩn hóa đội ngũ này để tạo điều kiện cho các giảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cá nhân và đơn vị.

Thu Hằng

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất