Thứ Sáu, 27/9/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 8/7/2014 16:54'(GMT+7)

Đổi mới thi THPT quốc gia: chuyển từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Phạm Vũ Luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng chủ trì buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, đại diện của Bộ Giáo dục – Đào tạo đã nêu dự thảo Báo cáo tổng kết đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 40/2000/QH10 ngày 09/12/2000 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và phương hướng đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015; dự thảo đề án Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015.

Theo đó, việc biên soạn chương trình, đổi mới sách giáo khoa được triển khai theo hướng khoa học, cơ bản, hiện đại, tiếp cận trình độ giáo dục của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; chú ý đến sự liên thông trong môn học, cấp học theo nguyên tắc kế thừa và phát triển; chú ý giáo dục toàn diện các mặt đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ, thể chất, các kỹ năng cơ bản và hướng nghiệp…Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đặc biệt chú trọng chuyển từ phương thức giáo dục nặng về truyền thụ sang đào tạo năng lực. Do đó, việc đổi mới phương pháp, cách thức là căn bản chứ không phải là đổi mới kiến thức. Trong đó, khó khăn nhất là xây dựng các chương trình giáo dục và hoạt động giáo dục.

Về kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014 vừa qua, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phản ánh, là một kỳ thi có nhiều đột phá, nhận được sự đồng tình của xã hội. Kỳ thi đã đạt được các tiêu chí giảm áp lực, giảm căng thẳng, giảm tốn kém. Cách ra đề đã chuyển từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực dẫn đến hướng chuyển cách dậy, cách học. Thi cử nghiêm túc hơn, thí sinh có mang tài liệu cũng không sử dụng được, từ đó góp phần thay đổi nhận thức của học sinh. Tuy nhiên, việc lựa chọn môn thi như vừa qua, dẫn dến có trường hợp một hội đồng thi chỉ có một thí sinh thi, Bộ sẽ tiếp tục điều chỉnh,  kết hợp môn thi cho uyển chuyển để tránh tốn kém. Năm 2015, sẽ tiếp tục phát huy ưu điểm và khắc phục những hạn chế trên.

Phát biểu tổng kết tại buổi làm việc, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng lưu ý, tổng kết kinh nghiệm phải hướng đến đổi mới, phải từ thực tiễn rút ra. Trong xây dựng đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông phải làm rõ các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể với từng cấp học, từng môn học, từng học sinh, làm rõ những nội dung cốt lõi và nội dung mở rộng, phương pháp tiếp cận, tổ chức hoạt động dạy và học hiệu quả…

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đang trong lộ trình xây dựng chương trình sách giáo khoa mới, tổ chức lại các trường sư phạm, đào tạo lại đội ngũ giáo viên sư phạm để có sự đồng bộ khi thay đổi chương trình phổ thông. Trong tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Bộ cũng đã gắn kết,  nhìn nhận từ tinh thần của Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Về đổi mới phương án thi, Bộ trưởng nhấn mạnh, hướng đột phá vẫn phải là chuyển đổi từ đánh giá kiến thức sang đào tạo năng lực.

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất