Thứ Hai, 30/9/2024
Pháp luật
Thứ Hai, 20/10/2008 21:50'(GMT+7)

Đội mũ bảo hiểm kém chất lượng không phải lỗi của dân

Người điều khiển phương tiện giao thông không chịu trách nhiệm về chất lượng mũ bảo hiểm. Ảnh: VNN

Người điều khiển phương tiện giao thông không chịu trách nhiệm về chất lượng mũ bảo hiểm. Ảnh: VNN

ĐBQH không đồng tình điều 30 dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) quy định người điều khiển phương tiện giao thông nói trên phải đội mũ bảo hiểm "bảo đảm tiêu chuẩn".

Theo đại biểu Phan Văn Tường của tỉnh Thái Nguyên, nếu luật quy định chung chung như vậy sẽ rất khó áp dụng khi được hiểu ám chỉ người điều khiển phương tiện giao thông phải chịu trách nhiệm về chất lượng mũ bảo hiểm. 

Đại biểu Tường ví von nghịch lý quy định: "Nếu luật quy định xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy đội mũ bảo hiểm kém chất lượng thì người uống sữa hay uống rượu kém chất lượng cũng phải bị xử phạt".

Chia sẻ quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân của tỉnh Khánh Hòa cho rằng nếu người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm về cài quai mũ bảo hiểm như luật quy định thì đó là "lỗi cố ý". Nhưng nếu trót đội phải mũ bảo hiểm không đảm bảo tiêu chuẩn thì không phải lỗi của họ mà đó là "lỗi vô ý".

Theo đại biểu Tuân, trách nhiệm quản lý mũ bảo hiểm chất lượng là do cơ quan quản lý Nhà nước chứ không phải do người tiêu dùng.

Uống bao nhiêu là say?
Góp ý cho khoản 8 điều 8 của dự thảo luật liên quan đến cấm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phú Thọ) cho rằng chỉ số nồng độ cồn 50 mg/100ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở đủ để khiến thể trạng người Việt Nam say, không đủ tỉnh táo để điều khiển phương tiện.

Do đó, đại biểu Huyền cho rằng: "Dự thảo Luật không nên phân ra đối tượng bị cấm thành hai nhóm". Trong đó, nhóm thứ nhất là đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng thì nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia. Nhóm thứ hai là đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy thì chỉ cấm trường hợp điều khiển phương tiện mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở.

Trong khi đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật do Chủ nhiệm UB Quốc phòng và an ninh Lê Quang Bình trình bày tán thành qui định nồng độ cồn trong máu và khí thở cơ bản vẫn giữ như quy định của Luật hiện hành (nồng độ cồn trong máu quy định không được vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc 40 mg/1 lít khí thở) nhưng có sửa chỉ số nồng độ cồn trong khí thở cho tương ứng với chỉ số nồng độ cồn trong máu.

Công an xã kiểm soát giao thông mức độ

Liên quan đến điều 87 về huy động lực lượng cảnh sát khác và công an xã tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết, Chủ nhiệm UB quốc phòng và an ninh QH trình bày tán thành quy định này. Tuy nhiên, việc huy động này chỉ thực hiện trong trường hợp cần thiết và phải do Chính phủ quy định.

Cùng quan điểm tán thành nhưng đại biểu Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh Chính phủ phải có những quy định chi tiết để tránh việc áp dụng tùy tiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng đồng tình phải có quy định cụ thể trường hợp nào, mức độ tham gia ra sao đối với công an xã khi làm nhiệm vụ kiểm soát trật tự, an toàn giao thông. "Nếu không chi tiết, quy định sẽ bị lợi dụng hoặc ngược lại, có thể ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn cho công an xã trong trường hợp nghiệp vụ hạn chế nhất định", bà Huyền nói.

TT- theo Xuân Linh- Vietnamnet

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất