Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã sản sinh ra một văn hóa giữ nước Việt Nam. Rồi đến lượt chính văn hóa giữ nước ấy, góp phần quyết định cho lịch sử dựng nước và giữ nước vẫn là dòng chảy liên tục từ quá khứ tới hiện tại và tương lai, giữ cho dân tộc Việt Nam mãi trường tồn.
Giữ nước là hành động văn hóa vì nó mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Đó là hành động bảo vệ quyền sống, quyền bình đẳng, bảo vệ phẩm giá con người, bảo vệ các giá trị văn hóa, văn minh, lòng tự tôn dân tộc, thể diện quốc gia. Đồng thời, giữ nước là chống lại mọi âm mưu và hành động xâm lược, nô dịch, tàn sát, cướp bóc… tức là chống lại cái ác, cái dã man, cái tham lam bất chính, chống lại những gì phản văn hóa, văn minh. Trong những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, rất nhiều anh hùng giải phóng dân tộc và chống giặc ngoại xâm cũng đồng thời là những danh nhân văn hóa, những đại biểu của văn hóa giữ nước. Tiêu biểu như vua tôi nhà Trần, vừa có công lãnh đạo toàn dân ba lần đánh thắng quân Mông, Nguyên lại cũng đồng thời là tác giả của những áng văn thơ bất hủ tràn đầy “Hào khí Đông A” - mẫu mực đỉnh cao của văn hóa thời Trung đại. Hay như Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh vừa là anh hùng giải phóng dân tộc, vừa là danh nhân văn hóa kiệt xuất của thế giới.
Mỗi quốc gia, dân tộc đều có phương thức giữ nước của mình. Chính phương thức giữ nước của mỗi quốc gia, dân tộc làm nên bản sắc văn hóa giữ nước của quốc gia dân tộc ấy. Mỗi quốc gia, dân tộc có những đặc điểm riêng về tự nhiên, lịch sử, kinh tế, tình hình dân số và tâm lý dân tộc… lại bảo vệ dân tộc trong những hoàn cảnh cụ thể, đặc thù với đối tượng tác chiến và tương quan so sánh lực lượng rất khác nhau. Do đó, đứng trước kẻ thù xâm lược, mỗi quốc gia, dân tộc phải tự tìm ra, tự lựa chọn phương thức đấu tranh sao cho phù hợp và có hiệu quả cao nhất. Sự lựa chọn và thực thi phương thức đấu tranh chống xâm lược đã hình thành và phát triển một hệ giá trị văn hóa giữ nước của dân tộc đó.
Trong khi đó, Việt Nam là một quốc gia đất không rộng, người không đông, lại nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, là đầu mối thông thương của khu vực, châu lục và thế giới, lại giàu có về tài nguyên thiên nhiên nên luôn là đối tượng bị các nước lớn nhòm ngó, lấn chiếm, xâm lược. Đứng trước những kẻ thù to lớn, hung bạo và gian manh nhất thế giới trong các thời đại khác nhau; đồng thời nhận thức rõ quy luật nghiệt ngã của đấu tranh vũ trang là “mạnh được yếu thua”, từ hàng ngàn năm trước, cha ông ta đã xác định phải huy động sức mạnh toàn dân tộc để xây dựng đất nước, để chống giặc ngoại xâm như chủ trương toàn dân đánh giặc “tận dân vi binh”, “động vi binh, tĩnh vi dân”… Từ đó, hình thành nên nét văn hóa giữ nước trong từng người dân Việt, với suy nghĩ “nước mất thì nhà tan” và hình thành quyết tâm đánh giặc giữ nước của mọi tầng lớp nhân dân, bất kể già, trẻ, gái, trai. Với tiếng hô “Đánh” vang dội của các bô lão tại Hội nghị Diên Hồng, với cánh tay xăm chữ “Sát Thát” của binh lính nhà Trần; với câu chuyện người anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản luyện võ, hội quân đánh giặc với lá cờ thêu sáu chữ vàng “phá cường địch báo hoàng ân”; với các nữ tướng Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh… với tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”…
Lịch sử thế giới đã phải ghi nhận: Khi các quốc gia, dân tộc khắp châu Á, châu Âu, từ các quốc gia nhỏ bé đến các quốc gia đất rộng, người đông… đều phải quỳ gối thần phục quân Nguyên, Mông, thì chính dân tộc Việt Nam, tuy là nước nhỏ, dân ít đã dũng cảm đứng lên ba lần đánh bại quân Nguyên Mông.
Trên thế giới này có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, trong mấy ngàn năm lịch sử đã có hơn 1.000 năm phải trực tiếp cầm vũ khí chống ngoại xâm? Nếu chỉ tính từ khi có sử liệu ghi chép rõ ràng thì từ cuộc kháng chiến chống quân Tần xâm lược đến nay, 22 thế kỷ, dân tộc ta đã phải trực tiếp kháng chiến suốt 13 thế kỷ, trong đó có khoảng 100 cuộc khởi nghĩa quy mô lớn và hơn 10 cuộc kháng chiến để giữ nước. Trong thời Cổ và Trung đại, tất cả các triều đại phong kiến thống trị ở phương Bắc: Tần, Hán, Tùy, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh - các đế chế hùng mạnh lúc bấy giờ - ít nhất là một lần, nhiều là ba lần, xâm lược thống trị nước ta. Khi không trực tiếp gây chiến tranh xâm lược thì họ cũng thường xuyên nhòm ngó, khiêu khích, lấn chiếm, gây mất ổn định đối với nước ta. Đến thời cận hiện đại sau này, dân tộc ta phải đương đầu với những kẻ thù xâm lược mạnh bậc nhất thế giới: Pháp, Nhật, Mỹ…
Một dân tộc sinh ra và phát triển trong cuộc vật lộn cam go, quyết liệt mang tính sinh tồn, trải nhiều biến cố to lớn như vậy, cho nên mọi hoạt động vật chất, tinh thần của dân tộc ta luôn phải tuân theo quy luật xuyên suốt: dựng nước đi đôi với giữ nước. Điều đó khiến cho nhân dân Việt Nam sớm có lòng yêu nước, làm cho truyền thống văn hóa Việt Nam chứa đựng tư tưởng, tình cảm, văn hóa giữ nước sâu sắc.
Anh hùng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh đã khái quát như sau:
“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa tới nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.
Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta”(1).
Nền tảng và biểu hiện cao nhất của lòng yêu nước, văn hóa giữ nước là tinh thần tự tôn dân tộc, ý chí tự lập tự cường dân tộc. Không có định phận “thượng quốc”, “phiên thuộc”, dân tộc “thượng đẳng”, dân tộc “hạ đẳng”. Cho nên mỗi dân tộc dù lớn, dù nhỏ, dù trình độ phát triển khác nhau, đều có lòng tự tôn dân tộc, tự khẳng định mình trước thiên hạ. Lịch sử thế giới và Việt Nam đã phải đổ bao xương máu để chứng minh chân lý ấy cho các thế lực tự xưng mình là “thượng quốc”, “thượng đẳng”, là “trung tâm Thiên hạ” hiểu, khi chúng cố tình tự huyễn hoặc mình.
Ngày nay, thế giới đã dần hiểu rõ về truyền thống và sức mạnh của văn hóa giữ nước Việt Nam trong tổng thể cấu thành truyền thống và sức mạnh Việt Nam:
Bơ-ran-man, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu kế hoạch chiến tranh không quân của Mỹ cũng phải công nhận: “Trong khi các nhà lãnh đạo nước Mỹ càng ngày càng đặt nhiều hy vọng vào kỹ thuật để khuất phục Đông Dương, thì các lực lượng kháng chiến lại tìm thấy sức mạnh chủ yếu của họ ở chỗ khác: trong tiềm lực văn hóa và tinh thần của nhân dân họ”(2).
Tháng 11-2000, Tổng thống Mỹ - Bin Clin-tơn (Bill Clinton) cùng đoàn Chính phủ Hoa Kỳ thăm chính thức Việt Nam. Khi đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Tổng thống Bin Clin-tơn đã ghi vào sổ vàng lưu niệm: “Với nhận định rằng việc đi thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám là tuyệt vời nhất và những thành tựu lịch sử và văn hóa mà nhân dân Việt Nam đã giành được, biểu hiện nơi đây, tỏa sáng trong mọi thời đại”(3).
Ngày 03-3-2001, Tổng thống Nga V.Pu-tin cùng đoàn đại biểu Chính phủ Nga đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám (trong chuyến thăm chính thức Việt Nam) đã ghi vào sổ vàng lưu niệm: “Văn hóa Việt Nam là một trong những nền văn hóa cổ kính và có truyền thống nhất trên thế giới. Trên cơ sở phát huy truyền thống văn hóa phong phú đó, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ giải quyết mọi vấn đề của đất nước mình với với sự khâm phục của thế giới”(4).
Và hơn ai hết, chính dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam hiểu thấu hơn tất cả về điều đó. Giáo sư Trần Văn Giàu khẳng định: “Văn hóa dân tộc ta có một sức mạnh lớn, lớn phi thường. Những kẻ địch của dân tộc Việt Nam cũng đã nhận thấy như thế, nhận thấy mà không làm gì được, không đánh bại nổi… thua ở Việt Nam là keo thua đầu tiên của Mỹ, của Hoa Kỳ trong lịch sử đã dài nhiều trăm năm của nước ấy. Vì sao Mỹ thua? Hẳn không phải vì thiếu tiền, thiếu người, thiếu súng. Chính ông Mắc-na-ma-ra (McNamara), đông đảo tướng tá, chính khách Mỹ, tất cả các nhà báo đều thừa nhận rằng Mỹ thua Việt Nam về văn hóa! Chắc chắn không phải Mỹ thua chỉ vì lý do văn hóa; còn vì nhiều lý do khác nữa…”(5).
Như thế, có thể thấy văn hóa giữ nước Việt Nam là những giá trị tinh thần truyền thống được phát huy, phát triển và sáng tạo trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành và giữ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, dân tộc. Văn hóa giữ nước Việt Nam chứa đựng những giá trị tiêu biểu như: “lòng yêu nước nồng nàn”, “ý thức cộng đồng, cố kết dân tộc”, “tính nhân văn cao cả” và “nghệ thuật đánh giặc độc đáo”. Văn hóa giữ nước vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đấu tranh chống xâm lược, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Nó xuyên suốt trong tất cả các hoạt động, các giai đoạn đấu tranh giữ nước cũng như trong phương thức giữ nước của dân tộc ta.
Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ của dân tộc ta đã chứng minh cho những kẻ thù hùng mạnh, bạo tàn, tham lam, gian manh và thâm độc nhất thế giới thấy, chúng sẽ thất bại nhục nhã và phải cuốn gói về nước nếu chúng xâm lược đất nước ta. Tuy nhiên, vẫn còn có những kẻ chưa từ bỏ dã tâm xâm lược, lấn chiếm đất nước ta. Do vậy, mỗi người dân Việt Nam cần luôn am hiểu và phát huy truyền thống văn hóa giữ nước của dân tộc. Nhân lên nhiều hơn nữa lòng yêu nước nồng nàn, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định; nâng cao ý thức cộng đồng, cố kết dân tộc trong mối liên hệ mật thiết giữa cá nhân - gia đình - họ tộc - làng xã - đất nước trong khối đại đoàn kết dân tộc. Làm cho nhân dân tiến bộ trên thế giới thấy được tính nhân văn cao cả trong văn hóa giữ nước của dân tộc ta như lời Nguyễn Trãi đã khẳng định: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Đồng thời, cần nghiên cứu, học tập và vận dụng sáng tạo nghệ thuật đánh giặc độc đáo của cha ông ta, để biết đánh và biết thắng mọi kẻ thù xâm lược./.
---------------------------------------------------
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 6, tr. 171
2. “Việt Nam - Lương tâm của thời đại”, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr. 307
3, 4. Nguyễn Thế Long: “Các nguyên thủ quốc gia nói gì về Văn Miếu - Quốc Tử Giám”, An ninh thế giới cuối tuần, số 14, ngày 13-01-2002
5. “Bản sắc dân tộc trong văn hóa văn nghệ” (in lần thứ 2), Nxb. Văn học và Trung tâm nghiên cứu quốc học, Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr. 30-32
ThS. Vũ Hải Thanh
Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự
(Nguồn: TCCS)