Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 9/6/2022 20:11'(GMT+7)

Đối ngoại đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã tạo dấu ấn đậm nét

Việt Nam chủ trì cuộc họp trực tuyến Nhóm ASEAN+3 của Liên minh Nghị viện Thế giới, tháng 11/2021. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam chủ trì cuộc họp trực tuyến Nhóm ASEAN+3 của Liên minh Nghị viện Thế giới, tháng 11/2021. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 9/6, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XV tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ ba để báo cáo cập nhật tình hình hoạt động của Ủy ban giữa hai kỳ họp và thảo luận một số định hướng lớn trong triển khai công tác đối ngoại của Quốc hội trong năm 2022 và năm 2023.

Ủy ban Đối ngoại là một trong 10 cơ quan của Quốc hội có chức năng tham mưu cho Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Thay mặt lãnh đạo Quốc hội dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sự chủ động, trách nhiệm trong hoạt động của Ủy ban Đối ngoại. Từ sau Phiên họp thứ hai đến nay, Ủy ban Đối ngoại đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đến nay đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trên các lĩnh vực phụ trách về mặt lập pháp, giám sát và thực hiện các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, góp phần vào thành công chung trong công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận dấu ấn của Ủy ban Đối ngoại khi tham mưu, tổ chức thành công tốt đẹp các chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, Ấn Độ, Lào của Chủ tịch Quốc hội; đón Chủ tịch Quốc hội Lào, Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Singapore, Phó Chủ tịch Quốc hội Hungary và nguyên thủ các nước, khách quốc tế tới thăm làm việc với Quốc hội Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ủy ban tổ chức các đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự các hội nghị đa phương quốc tế trong khuôn khổ khối Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), AIPA, APF.

“Những thành tựu đối ngoại ngay đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã tạo dấu ấn đậm nét và bước đà quan trọng cho công tác đối ngoại của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao sự phối hợp chủ động, chặt chẽ của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, các cơ quan, tổ chức có liên quan đối với các hoạt động đối ngoại của Quốc hội.

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại Quốc hội trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Đối ngoại phát huy trí tuệ tập thể, chú trọng đổi mới phương thức làm việc, xác định nhiệm vụ trọng tâm, triển khai hiệu quả đối với các lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

Ủy ban Đối ngoại cần tổ chức hoàn thành thực hiện Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, Tổ Đảng ở Thường trực Ủy ban Đối ngoại trên cơ sở nắm vững quan điểm, định hướng, chủ trương tại văn kiện Đại hội XIII của Đảng trong công tác đối ngoại, đặc biệt là các nội dung quan trọng trong Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác đối ngoại ngày 14/12/2021.

Ủy ban tổ chức thực hiện các hoạt động đối ngoại chủ chốt của Quốc hội, của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nâng tầm hoạt động đối ngoại của Quốc hội chuyên nghiệp hơn, hiện đại và thiết thực.

Cùng với đó, Ủy ban cần tiếp tục thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, nắm chắc diễn biến tình hình thế giới và khu vực để kịp thời tham mưu Đảng đoàn Quốc hội các giải pháp về pháp luật thích hợp để xử lý trong công tác đối ngoại; phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao trong hoạt động tại các diễn đàn của AIPA; tiếp tục tham gia tích cực trong khuôn khổ hoạt động của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), nhất là trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Doi ngoai dau nhiem ky Quoc hoi khoa XV da tao dau an dam net hinh anh 2Bà Thái Quỳnh Mai Dung, Ủy viên thường trực Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, phát biểu tại một phiên thảo luận của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 144, ở Bali (Indonesia), tháng 3/2022. (Ảnh: TTXVN)

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Đối ngoại tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tin tưởng các thành viên Ủy ban Đối ngoại tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, huy động sức mạnh tập thể và sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò quan trọng của Ủy ban Đối ngoại đối với các hoạt động của Quốc hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội, hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai thông suốt, nhất quán, chủ động, hiệu quả, thiết thực, góp phần không nhỏ vào thành công chung của công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Nhấn mạnh tình hình thế giới và khu vực chịu tác động mạnh do đại dịch COVID-19, kéo theo những hệ lụy về chính trị, ngoại giao, kinh tế toàn cầu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết, công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại Quốc hội nói riêng đã đổi mới, thích ứng nhanh chóng với tâm thế chủ động và tích cực.

“Những thành tựu đối ngoại ngay đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã tạo dấu ấn đậm nét và bước đà quan trọng cho công tác đối ngoại của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, đối ngoại của Quốc hội đã có đóng góp quan trọng vào thúc đẩy phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch, ngoại giao vaccine phục vụ công tác phòng, chống đại dịch COVID-19”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khẳng định./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất