Làng Kloong, xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) là một ngôi
làng đặc biệt, ngay từ cái tên của làng. 40 năm trước, hơn 200 người
dân làng Kloong (tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia) rời làng cũ, đi
về phía Đông để thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.
Được nhân dân và đất nước Việt Nam chở che, những người dân làng Kloong
ngày ấy đã vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên, xóa đói, giảm nghèo.
Làng Kloong hiện nay có 201 hộ với 782 nhân khẩu, trong đó có 117 hộ gốc người Campuchia với trên 500 khẩu.
Giữa cái nắng, cái gió của đại ngàn Tây Nguyên, dưới gốc cây vú sữa, già
làng Ksor Bơng (sinh năm 1952) kể lại những tháng ngày đói rét, cơ cực,
lo từng bữa ăn của dân làng Kloong dưới chế độ diệt chủng Pol Pot cho
những đứa trẻ trong làng.
Trải qua 40 năm, từ một cậu thanh niên trai tráng, già Ksor Bơng giờ đã
gần bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, song trí nhớ về những ngày
tháng cùng dân làng chống chọi với đói rét và được nhân dân, chính quyền
Việt Nam chở che vẫn hiện rõ trong từng lời nói của già.
“Ngày ấy, dân làng mình đói khổ lắm, không có gì ăn, cứ chạy hết nơi này
sang nơi khác để tìm chỗ nương náu, có cháu nhỏ lả đi vì mệt, vì đói.
Thế nhưng nạn diệt chủng còn kinh khủng hơn cả cái cảnh bi thương ấy nên
ai cũng cố gắng di chuyển. May sao dân làng mình đến được xã Ia O, được
bà con và bộ đội Việt Nam cưu mang nên dân làng đã định cư luôn ở đây
và vẫn giữ nguyên tên làng Kloong”, già Ksor Bơng nhớ lại.
Đến được vùng đất bình yên tại xã Ia O, huyện Ia Grai đã khó, nhưng để
sinh tồn tại vùng đất ấy còn khó khăn hơn nhiều bởi lạ đất, lạ nước, lạ
cả ngôn ngữ, chữ viết, giọng nói và cũng không có nhà ở, nương rẫy để
sản xuất.
May mắn nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và bộ đội Việt
Nam, khoảng 60 hộ dân ban đầu của làng Kloong đã được hỗ trợ đất sản
xuất, làm được nhà, được cấp lương thực, thực phẩm để vượt qua khó khăn.
Thế nhưng, với vốn kinh nghiệm sản xuất không nhiều, đa phần là trồng
lúa nên kinh tế của làng Kloong vẫn còn nhiều khó khăn, khi 100% các hộ
dân trong làng đều thuộc diện hộ nghèo.
Ba thế hệ dân làng Kloong sau 40 năm chuyển làng từ Campuchia về xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: TTXVN)
Thấu hiểu được nỗi vất vả ấy, Đồn biên phòng Ia O đã đưa giống điều, cao
su về trồng thử nghiệm và hỗ trợ nhân dân làng Kloong phát triển diện
tích các loại cây trồng này, thay thế cho cây lúa.
Nhờ đó, kinh tế của bà con ngày càng khá giả, cuộc sống dần ổn định. Đến
nay, làng Kloong chỉ còn 21/201 hộ thuộc diện hộ nghèo, thu nhập bình
quân đầu người đạt trên 20 triệu đồng/người/năm.
Đại úy Trần Đại Cương, Chính trị viên Đồn biên phòng Ia O, huyện Ia Grai
cho biết, thực hiện chủ trương, chỉ đạo của cấp trên, đơn vị đã hỗ trợ
giống cây trồng như đưa các giống điều năng suất cao từ huyện Krông Pa,
tỉnh Gia Lai về, giúp đỡ bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất,
mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Cùng với đó, đồn cũng nhận đỡ đầu các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn,
giúp cho các em có điều kiện để học tập; giúp đỡ các gia đình nghèo về
cả vật chất lẫn tinh thần để ổn định đời sống. Đồng thời, tuyên truyền,
vận động bà con ổn định tư tưởng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an
toàn xã hội trong khu vực biên giới.
Không chỉ phát triển kinh tế, làng Kloong còn có những mối tình “không
biên giới”, góp phần thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa nhân dân hai
nước Việt Nam và Campuchia. Chị Siu Pling là một trong những người dân
trong làng Kloong đã kết duyên cùng người chồng của mình là người Việt
Nam.
Chị tâm sự: “Mình ưng chồng mình ngay từ buổi đầu gặp gỡ nên quyết định
"bắt" anh ấy về làm chồng, hai bên vui lắm. Chồng rất giỏi, thương vợ
con và biết trồng cây, nuôi trâu. Hiện nay gia đình mình có 1 ha điều,
cho thu nhập 100 triệu đồng/năm, cùng với nuôi thêm gia súc nên kinh tế
gia đình cũng ổn định”.
Giờ đây, về với Kloong, là một màu xanh của các loại cây công nghiệp như
cao su, điều… Ven đường, những ngôi nhà khang trang đã mọc lên, thay
thế cho những mái nhà cũ kỹ, đơn sơ, đời sống nhân dân đã được khởi sắc.
Ông Siu Nghiệp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ia O, huyện Ia Grai chia sẻ,
cùng với 8 thôn làng khác trong xã, Kloong luôn được Đảng, Nhà nước
quan tâm bằng các chương trình hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn như chương
trình 134, 135, Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn
xây dựng nông thôn mới...
Đến nay, làng Kloong đã đạt 4/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa xã biên giới Ia O đạt 9 tiêu chí.
“Trong thời gian tới, chính quyền xã Ia O tiếp tục thực hiện các chương
trình hỗ trợ nhà ở, làm đường giao thông nông thôn; tuyên truyền, giúp
đỡ bà con vay vốn của Nhà nước để sản xuất kinh tế. Cùng với đó, sẽ kết
hợp cùng Đồn biên phòng Ia O hỗ trợ nâng cao nhận thức cho đồng bào,
giúp bà con ổn định cuộc sống”, ông Siu Nghiệp nhấn mạnh.
Quá khứ 40 năm đã lùi xa, những ký ức cũng dần phai nhạt trong tâm trí
của những cư dân làng Kloong ngày ấy. Giờ đây, bên dòng sông Pô Cô hiền
hòa, những thế hệ tiếp theo của làng Kloong đang dần lớn lên, hòa mình
vào sự phát triển chung của đất nước, trở thành một bộ phận không thể
tách rời của dải đất hình chữ S.
Sự đổi thay của làng Kloong là minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần đoàn
kết, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hướng đến một tương lai tươi sáng
của nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia./.
Dư Toán (TTXVN)