Thứ Sáu, 29/11/2024
Cuộc sống số
Chủ Nhật, 31/8/2014 16:21'(GMT+7)

Đơn giản hóa thủ tục hành chính nhờ “chính quyền điện tử”

Chính quyền điện tử giúp người dân và doanh nghiệp rút ngắn thời gian chờ đợi các thủ tục hành chính.

Chính quyền điện tử giúp người dân và doanh nghiệp rút ngắn thời gian chờ đợi các thủ tục hành chính.

Hiện tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng được 5 TTHCC tại Móng Cái, Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn, Uông Bí. Quảng Ninh đang xây dựng nền hành chính hiện đại, bộ máy hành chính gọn nhẹ, hiệu quả, giảm tầng nấc, không bị chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, có đủ năng lực và công cụ chính sách để kiến tạo phát triển; thủ tục hành chính đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp cận với sự hỗ trợ của CNTT và được đưa vào các TTHCC. Đây là đầu mối chịu trách nhiệm tổ chức, thực hiện việc tiếp nhận, hướng dẫn và giải quyết thủ tục hành chính của các tổ chức, công dân. Với cách làm đó, TTHCC là mô hình mới trong cả nước. 

Kể từ khi đưa vào hoạt động, TTHCC tỉnh Quảng Ninh đã tiếp hơn 12.000 lượt công dân và nhận được tổng số 5.808 hồ sơ thuộc các lĩnh vực; trong đó, 5.601 hồ sơ đã giải quyết, 94 hồ sơ đang chờ bổ sung, tỷ lệ trả kết quả đúng hẹn đạt hơn 96%.  

Tại Hội thảo Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam được tổ chức ngày 29-8 tại Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, khẳng định: “CNTT là động lực thúc đẩy cải cách hành chính, vừa là điều kiện để cải cách hành chính thành công. Phát triển chính phủ điện tử giúp đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tăng cường năng lực quản lý của chính quyền, giúp nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác và đầy đủ để đưa ra các quyết định hành chính phù hợp, nâng cao hiệu lực pháp luật, giúp quản lý Nhà nước hiệu quả và minh bạch hơn”.

Theo báo cáo về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT và truyền thông (Vietnam ICT Index) năm 2014, có 91% số cán bộ công chức, viên chức sử dụng thư điện tử trong công việc tại các cơ quan Nhà nước ở Trung ương cũng như địa phương và 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố đã triển khai ứng dụng quản lý văn bản, điều hành công việc trên mạng của 5 năm gần nhất. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT vào giải quyết các thủ tục hành chính cần có sự tương tác hai chiều giữa cán bộ công chức và người dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Ngọc Nam, Phó giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Chúng tôi xác định ngay từ đầu là làm sao để có hiệu quả tốt nhất sau khi triển khai CQĐT. Chúng tôi thấy rằng, một số địa phương sau khi triển khai xây dựng hạ tầng rồi công bố các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao rất nhiều, nhưng người dân tiếp cận chưa được bao nhiêu. Chúng tôi xác định có ba nguyên nhân, một là người dân chưa biết; hai là người dân chưa biết cách sử dụng; ba là người dân chưa tin. Trong thời gian tới, song song với việc đầu tư, chúng ta cần tuyên truyền rộng rãi, tập huấn và đào tạo cho người dân tham gia vào sử dụng CQĐT; thấy được kiểu làm việc mới, nhanh hơn, gọn hơn và trong suốt hơn, không có những chuyện tiêu cực xảy ra thì việc tiếp cận sẽ được đẩy nhanh hơn. Về lâu dài, thay vì mình đầu tư bằng ngân sách thì chúng ta sẽ thuê. Doanh nghiệp nào mà công bố được tính ưu việt hơn thì sẽ được lựa chọn”.

Với khoản đầu tư 646 tỷ đồng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh quyết tâm cao về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng chí  Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, khẳng định: “Để không ngừng phát huy lợi thế, giải quyết mâu thuẫn xung đột, tháo gỡ những nút thắt, thách thức kìm hãm sự phát triển, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng CQĐT với mục tiêu giảm bớt các thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp, tăng cường công khai, minh bạch với trọng tâm là đẩy nhanh và hoàn thiện chương trình tổng thể cải cách hành chính, vận hành có hiệu quả các TTHCC, xây dựng CQĐT, đào tạo công dân điện tử”.

Được biết, sau tỉnh Quảng Ninh, đề án xây dựng CQĐT sẽ được triển khai tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Với quy mô phát triển ở mức cao, cùng với hệ thống phục vụ dân sinh xã hội được đầu tư phát triển, hy vọng, việc xây dựng CQĐT thông minh sẽ tạo điều kiện sống thuận lợi nhất cho người dân./.

Thuỳ Dung (QĐND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất