Lời của bài hát "Quà của bố" được các cháu hát đi hát lại nhiều
lần với những câu chứa chan tình cảm: "Bố em là bộ đội/ Ở tận vùng đảo
xa/ Chưa lần nào về phép/ Mà luôn luôn có quà/ Bố gửi nghìn cái nhớ/ Gửi
cả nghìn cái thương/ Bố gửi nghìn lời chúc/ Gửi cả nghìn cái hôn/ Bố
cho quà nhiều thế/ Vì biết em rất ngoan/ Vì em luôn giúp bố/ Tay súng
thêm vững vàng".
Những người vợ - hậu phương của người lính đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa là những người rất thủy chung, đảm đang và bản lĩnh.
Ở tổ dân phố Mỹ Ca, phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh
Hòa, có rất nhiều gia đình là thân nhân của người lính Trường Sa.
Ngày giáp Tết, vừa bước chân đến tổ dân phố này, chúng tôi đã được nghe
tiếng hát của các cháu nhỏ là con những người lính đang làm nhiệm vụ ở
Trường Sa.
Lời của bài hát "Quà của bố" được các cháu hát đi hát lại nhiều
lần với những câu chứa chan tình cảm: "Bố em là bộ đội/ Ở tận vùng đảo
xa/ Chưa lần nào về phép/ Mà luôn luôn có quà/ Bố gửi nghìn cái nhớ/ Gửi
cả nghìn cái thương/ Bố gửi nghìn lời chúc/ Gửi cả nghìn cái hôn/ Bố
cho quà nhiều thế/ Vì biết em rất ngoan/ Vì em luôn giúp bố/ Tay súng
thêm vững vàng."
Các cháu nhỏ ở đây cứ Tết đến là lại tập hát. Cháu nào cũng muốn hát hay
để đến Tết hát qua điện thoại tặng cho bố đang công tác ở Trường Sa -
chị Nguyễn Thị Mùa cho biết. Chị Mùa là vợ của người lính đang công tác ở
đảo Sinh Tồn thuộc huyện đảo Trường Sa.
Tết này chồng chị Mùa cũng không về được nhưng ba mẹ con chị cũng đã
quen với cái Tết thiếu vắng người chồng, người cha rồi. Tuy còn nhỏ
nhưng các con của chị Mùa đều hiểu và rất tự hào về nhiệm vụ mà bố đang
làm.
Chồng làm nhiệm vụ, không về ăn Tết cùng gia đình nhưng chị Mùa vẫn lo
cho hai con có cái Tết đầy đủ và ấm cúng, để chồng chị yên tâm công tác ở
Trường Sa. Dù bận rộn, chị Mùa vẫn tự tay gói và nấu bánh chưng.
Chị bảo gói bánh chưng có bận rộn nhưng chị muốn các con cảm nhận được
hương vị ấm áp của ngày Tết cổ truyền. Chị đã mua quần áo mới, quà cho
các con, lên kế hoạch đưa con đi thăm người thân trong những ngày Tết.
Vợ chồng chị Mùa cưới nhau được 10 năm, khi chị mang thai đứa con đầu
lòng được 6 tháng thì anh nhận nhiệm vụ đi Trường Sa công tác.
Lần anh về nghỉ phép đầu tiên, con đã được một tuổi rưỡi. Tuy xa cách,
nhưng vợ chồng chị Mùi luôn động viên nhau hoàn thành tốt công việc được
giao.
“Ba mẹ con chăm sóc nhau và làm tốt mọi việc để anh yên tâm công tác.
Ngược lại, anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo
của Tổ quốc, là tạo thêm niềm tin, động lực cho vợ con vươn lên” - chị
Mùa tâm sự.
Những người vợ của những người lính đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa chuẩn
bị đón Tết cho gia đình từ khá sớm. Bởi lẽ, mọi việc các chị đều làm
thay chồng, từ sơn lại bức tường, cánh cửa cổng cho đến cắt, tỉa cây
cảnh.
Các chị vẫn thường nói vui với nhau, lấy chồng là người lính, làm nhiệm
vụ ở Trường Sa, các chị bỗng... giỏi giang hơn. Các chị có thể làm mọi
việc, từ sửa điện, máy bơm nước đến cả việc xây nhà.
Trò chuyện với hậu phương của những người lính ở Trường Sa, chúng tôi
lại nhớ dịp đi công tác ra Trường Sa và được gặp Thiếu tá Vũ Đức Hùng -
người đã có 15 năm công tác ở đảo. Ngồi dưới gốc cây bàng vuông, anh
Hùng đã tâm sự hồi mới ra Trường Sa, mỗi khi có tàu từ đất liền ra là
mừng lắm.
Trên chuyến tàu đó, mong nhất là lá thư của vợ. Có lần anh nhận được thư
của vợ vào đúng dịp Tết, cầm lá thư đọc mà lòng chộn rộn.
Trong thư, vợ anh kể tất cả những công việc chuẩn bị cho cái Tết, từ chăm lo cho các con đến thăm hỏi bố mẹ, anh em họ hàng.
Tuy vậy, vợ anh Hùng tuyệt nhiên không nói đến sự vất vả mà luôn động viên để chồng vững tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Người lính Trường Sa bản lĩnh, kiên cường nhưng cũng rất tình cảm. Các
anh thấu hiểu sự hi sinh thầm lặng của người vợ nơi hậu phương để các
anh vững vàng nơi đảo xa.
Vì nhiệm vụ, nhiều người lính không về nhà đón Tết cùng người thân nhưng
ở đất liền, hậu phương của các anh vẫn đón Tết trong niềm tự hào, tình
yêu thương và sự chia sẻ.
Sóng điện thoại đã giúp kết nối những chia sẻ của các anh với vợ con
được thường xuyên hơn. Những món quà mang hương vị Tết do chính tay
người vợ thân yêu của các anh làm đã được gửi theo những chuyến tàu ra
Trường Sa, đong đầy tình cảm của gia đình, người thân gửi tới các anh.
Sự quan tâm, hỗ trợ của đơn vị, đồng đội và xã hội cũng giúp gia đình của người lính Trường Sa có cuộc sống ổn định hơn.
Năm nay, mẹ con chị Lê Thị Ngọc Thủy ở phường Cam Nghĩa, thành phố Cam
Ranh được đón Tết trong ngôi nhà vừa xây xong. Chồng chị Thủy đang công
tác ở Trường Sa. Chị Thủy nói: Biết vợ con được đón Tết trong căn nhà
mới khang trang thế này, chồng chị vui lắm.
Anh còn dặn, mua thêm mấy chậu hoa, đèn trang trí cho không khí Tết thêm
rộn ràng. Nhớ lại cái Tết đầu tiên sau khi cưới, vợ chồng đã phải xa
nhau, chị Thủy tâm sự nếu nói không tủi thân là không thật với lòng
mình. Nhưng cảm giác đó cũng qua nhanh, bởi chồng chị luôn hiểu và
thường xuyên động viên, an ủi chị. Quan trọng nhất là chị đã hiểu hơn về
nhiệm vụ cao cả mà anh đang làm.
Còn chị Nguyễn Thị Nụ - cũng là một người vợ có chồng làm nhiệm vụ ở Trường Sa lại tâm sự chị luôn tự hào về anh.
Mỗi dịp anh được về phép là hai con lại quấn quýt với bố. Tối nào cũng
vậy, hai con lại bắt bố kể chuyện về Trường Sa đến khuya mới chịu ngủ.
Đến khi ra cầu cảng tiễn bố đi Trường Sa công tác, hai đứa con lại ôm
chặt bố rồi nói, khi nào con lớn bố cho con đi theo để bố con mình cùng
làm bộ đội Trường Sa.
Ở phường Cam Nghĩa, từ năm 2013 câu lạc bộ “Phụ nữ hậu phương Trường Sa" đã được thành lập.
Chị Ngọc Thủy, Chủ nhiệm câu lạc bộ “Phụ nữ hậu phương Trường Sa” cho
biết các hoạt động của câu lạc bộ nhằm khơi dậy trong chị em lòng tự
hào, tình yêu biển đảo của Tổ quốc nói chung, Trường Sa nói riêng, đồng
thời có những việc làm thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần
cho các chị có chồng công tác ở Trường Sa, góp phần xây dựng hậu phương
vững chắc, động viên người lính yên tâm, vững vàng bảo vệ biển, đảo của
Tổ quốc./.
Nguyên Lý (TTXVN)