Bác sĩ và dược sĩ đều thiếu
Theo các chỉ tiêu tại Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2015, mỗi địa phương trong cả nước phải có 8 bác sĩ (BS) và 2 dược sĩ (DS)/vạn dân; đến năm 2020, con số này lần lượt là 9 BS và 2,2 DS/vạn dân. Đây là quyết định về chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
"So với các chỉ tiêu của Quyết định 122 và tỷ lệ bình quân cả nước đạt được thì khu vực ĐBSCL vẫn còn ở mức thấp. Năm 2016, khu vực ĐBSCL mới đạt 6,8 BS và 1 DS/vạn dân, trong khi tỷ lệ bình quân cả nước là 8,6 BS và 1,9 DS/vạn dân" - ông Võ Trọng Hữu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa-Xã hội, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết.
Khảo sát gần đây của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cũng cho thấy, hiện BS và DS trình độ đại học tại các địa phương khu vực ĐBSCL đang thiếu hụt trầm trọng. Trong năm 2017, tất cả địa phương ở khu vực ĐBSCL đều không đạt tỷ lệ 2 DS/vạn dân, trong đó thấp nhất là các tỉnh: Long An (0,66 DS/vạn dân), Tiền Giang (0,83 DS/vạn dân), An Giang (1,03 DS/vạn dân). Riêng tỷ lệ BS thì có phần “khả quan” hơn, đã có hai địa phương đạt tỷ lệ 10 BS/vạn dân là TP Cần Thơ và tỉnh Cà Mau. Ông Trương Hoài Phong, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng chia sẻ khó khăn: "Sóc Trăng nằm trong nhóm có tỷ lệ BS, DS thấp nhất ở khu vực ĐBSCL. Hiện ở Sóc Trăng mới có gần 79% trạm y tế có BS và còn 19 xã chưa có trạm y tế. Nguyên nhân thiếu hụt nhân lực là do phần lớn BS mới ra trường không chịu về làm việc ở tuyến y tế cơ sở".
Minh chứng cho thực tế trên, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Long An cũng than phiền rằng nhiều trường hợp được cử đi học để nâng cao trình độ, nhưng học xong lại xin nghỉ việc ở địa phương và chọn TP Hồ Chí Minh làm nơi lập nghiệp.
Là địa bàn có đặc thù y tế biển, đảo, biên giới, những năm qua, tỉnh Kiên Giang có nhiều nỗ lực đào tạo, thu hút đội ngũ BS, DS đến làm việc, công tác nhưng mới chỉ đạt tỷ lệ 7,12 BS và 1,42 DS/vạn dân. Ông Lê Hoàng Anh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho biết: "Hiện Kiên Giang có 3 xã đảo biên giới nhưng chỉ có 1 BS. Với nhân lực y tế quá mỏng, cơ sở vật chất thiếu thốn, nên ngay cả việc khám và điều trị bệnh thông thường cho người dân cũng còn gặp khó khăn, nói gì đến xử lý các trường hợp cấp cứu phức tạp".
“Chuyên ngành hiếm” càng… hiếm
Không chỉ thiếu BS, DS trình độ đại học, hiện hầu hết các tỉnh, thành phố ở khu vực ĐBSCL cũng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế ở 5 “chuyên ngành hiếm” là: Lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh. Theo báo cáo của ngành y tế các địa phương, toàn vùng có 13 trung tâm pháp y nhưng chỉ có 4 BS chuyên ngành pháp y đang làm việc. Các tỉnh, thành phố như: An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long và TP Cần Thơ đều không có BS pháp y.
Khu vực ĐBSCL có 8 bệnh viện lao và bệnh phổi đi vào hoạt động từ lâu nhưng số BS chuyên ngành lại rất ít. Các tỉnh: Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu chỉ có từ 1 đến 5 BS chuyên ngành lao; riêng tỉnh Kiên Giang không có. Đặc biệt, hiện còn 8 địa phương (cấp tỉnh) ở khu vực ĐBSCL không có BS chuyên ngành phong; 5 địa phương không có BS chuyên ngành giải phẫu bệnh; 3 địa phương không có BS chuyên ngành tâm thần. Cũng theo báo cáo của ngành y tế các địa phương khu vực ĐBSCL, trong số 152 BS đang làm việc tại 5 “chuyên ngành hiếm” thì đến năm 2020 sẽ có hơn 50% số này đến tuổi nghỉ hưu, khiến cho “chuyên ngành hiếm” ngày càng... hiếm. Ông Võ Trọng Hữu thông tin: "Trước thực trạng trên, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, thống nhất xác định: Năm 2015 và 2016, mỗi năm khu vực ĐBSCL có thêm 150 chỉ tiêu đào tạo “chuyên ngành hiếm”, phân bổ theo nhu cầu của từng địa phương".
Nên cân nhắc áp lực chỉ tiêu và chất lượng đào tạo
Trong năm 2017, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tiếp tục làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo và được đồng ý cho bổ sung thêm 390 chỉ tiêu (giao Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đào tạo). Theo ông Võ Trọng Hữu thì số chỉ tiêu đó được ưu tiên phân bổ cho các huyện nghèo, biên giới, hải đảo; đào tạo theo địa chỉ sử dụng, đào tạo theo hình thức liên thông chính quy, vừa học vừa làm và cho nhóm “chuyên ngành hiếm”. Tuy nhiên, trước áp lực thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, các địa phương khu vực ĐBSCL đều có mong muốn được tăng chỉ tiêu đào tạo, đồng thời đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tiếp tục đề xuất duy trì hình thức đào tạo liên thông và đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang lập luận: Việc đào tạo theo địa chỉ sử dụng và đào tạo liên thông góp phần giảm áp lực về thiếu hụt nguồn nhân lực y tế và hạn chế tình trạng BS học xong lại đi làm ở nơi khác. Cùng quan điểm đó, lãnh đạo ngành y tế của nhiều địa phương đều cho rằng, sẽ rất khó đạt được tỷ lệ BS, DS/vạn dân theo chỉ tiêu tại Quyết định 122 của Thủ tướng Chính phủ nếu như không có chương trình đào tạo liên thông.
"Đề nghị duy trì hình thức đào tạo liên thông và đào tạo theo hệ thống tín chỉ thêm một thời gian nữa để giúp các địa phương giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế. Nên liên thông vì ĐBSCL là vùng đặc thù, nếu không cho liên thông sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực trong thời gian tới"-ông Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, kiến nghị.
Điều dễ nhận thấy là việc tăng chỉ tiêu đào tạo hoặc áp dụng các hình thức đào tạo như đề xuất của các địa phương khu vực ĐBSCL phần nào sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, nếu đầu vào và đầu ra không được kiểm soát chặt chẽ. Vì thế, trong thời gian tới, các địa phương cũng nên cân nhắc lựa chọn giữa áp lực chỉ tiêu và chất lượng đào tạo trong giải bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực y tế./.
Hồng Hiếu (Báo QĐND)