Để giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài,
cần phải có một giải pháp tổng thể, đồng bộ và sự thực thi tích cực, chủ
động của tất cả các bộ ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và
người tiêu dùng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trao đổi xung quanh vấn đề này.
- Xin Thứ trưởng cho biết nhằm chủ động nguồn hàng hóa trong nước,
cần phải tái cấu trúc như thế nào để tránh bị phụ thuộc vào nguyên vật
liệu nhập khẩu?
- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Nhằm hạn chế sự phụ thuộc
vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, chủ động nguồn nguyên liệu trong
nước, tôi cho rằng ngành công thương cần phải tái cấu trúc theo hướng
tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, đầu tư và hỗ trợ phát
triển có chọn lọc các ngành sản xuất nguyên phụ liệu có lợi thế cạnh
tranh trong một số lĩnh vực như cơ khí chế tạo, dệt may, da giày, điện
tử. Đặc biệt, cần tăng cường khâu chế biến tài nguyên-khoáng sản, hạn
chế tối đa việc xuất khẩu khoáng sản thô, từ đó mới nâng cao hiệu quả sử
dụng tài nguyên đất nước.
Một trong những mục tiêu nữa mà Bộ Công Thương đang nỗ lực triển khai là
tập trung mọi nguồn lực đổi mới mô hình tăng trưởng công nghiệp chuyển
từ số lượng sang năng suất, chất lượng và hiệu quả. Không những thế,
phấn đấu giảm dần tỷ trọng các sản phẩm gia công, sơ chế; phát triển các
ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn để tạo nền tảng cho quá
trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng với việc kết nối sản xuất
công nghiệp chế biến với sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và tiêu thụ sản
phẩm.
Ngoài ra, một giải pháp không kém phần quan trọng là cần có chính sách
thu hút các tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nhằm kéo theo
sự phát triển hệ thống các doanh nghiệp vệ tinh trong ngành công nghiệp
hỗ trợ. Đặc biệt là đầu tư và phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh
tranh, tha y thế hàng nhập khẩu, nhất là các loại máy móc, thiết bị, chi
tiết, phụ tùng, nguyên vật liệu..., đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động
“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam."
- Những ngành trước đây đã đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu như
dệt may, công nghiệp ôtô (trong việc nội địa hóa) thì đến nay đã có
những bước tiến triển như thế nào, thưa ông?
- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Để nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng
cho sản phẩm dệt may, chủ động đón đầu những cơ hội khi Việt Nam ký kết
các hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại
tự do giữa Việt Nam-EU, giữa Việt Nam với Liên minh hải quan..., Việt
Nam khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào sản
xuất bông, sợi, vải, hình thành chuỗi cung ứng dệt may, chủ động cung
ứng cho ngành.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang tích cực chuyển dịch phương thức
sản xuất từ gia công sản phẩm tiến đến tăng tỷ lệ sản xuất theo các hình
thức ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm), OBM (sản xuất thương
hiệu riêng).
Riêng với ngành công nghiệp ôtô, việc sản xuất linh kiện và phụ tùng ôtô
cho đến nay chưa được đầu tư nhiều. Tuy nhiên, ngành cơ khí ôtô đã
thành công ở dòng xe tải, xe khách, các sản phẩm trong nước tự sản xuất
đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, khoảng 35% đến 40% (một số mẫu xe đạt khoảng
50%, như xe Thaco Bus các loại). Tỷ lệ đáp ứng nhu cầu thị trường trong
nước đạt 70% đến 80%, cạnh tranh tốt với xe nhập khẩu trong khối ASEAN
và có tiềm năng xuất khẩu sang các nước trong khối.
Tôi cho rằng đây là ngành công nghiệp toàn cầu nên việc xác định thị
trường ôtô và linh kiện phụ tùng ôtô không phải chỉ ở trong nước, đòi
hỏi phải có đối tác chiến lược để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồng thời, thu hút đầu tư FDI sản xuất linh kiện và phụ tùng ôtô để tạo
điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam làm thầu phụ, nhằm giảm nhập
khẩu linh kiện và phụ tùng ôtô, tăng xuất khẩu những linh kiện và phụ
tùng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh.
- Vậy theo ông, quá trình triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp sẽ theo
hướng như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất và có chất lượng, thương
hiệu cũng như giá cả có thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc nhập lậu?
- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Để tái cơ cấu doanh nghiệp
đạt hiệu quả cao nhất, cần xây dựng và thực hiện phương án, lộ trình
thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty ra khỏi các ngành kinh doanh
không liên quan nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh chính, nhất là trong lĩnh
vực tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán liên quan chặt chẽ đến
đề án tái cơ cấu thị trường tài chính.
Bên cạnh đó, rà soát năng lực, trình độ công nghệ sản xuất, thực hiện
đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên
tiến; xây dựng và thực hiện phương án đầu tư, đổi mới sản phẩm, dịch vụ,
từng bước nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng tiêu
chuẩn môi trường. Mặt khác, thay thế dần các thiết bị công nghệ tiêu
tốn năng lượng, tài nguyên, nguyên vật liệu; từng bước loại bỏ sản phẩm
không thân thiện với môi trường để tăng cường hiệu quả kinh doanh và
phát triển bền vững.
Về quản lý nhà nước, cần phân định cụ thể chức năng quản lý nhà nước và
chức năng thực hiện quyền sở hữu; thực hiện phân công, phân cấp giữa
Chính phủ, bộ, ngành trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu
nhà nước, trách nhiệm giám sát, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước;
đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty,
doanh nghiệp.
- Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước những khó khăn của
thị trường trong và ngoài nước, Bộ Công Thương sẽ đưa ra những giải pháp
gì giúp doanh nghiệp chủ động cung ứng hàng hóa ngay tại thị trường nội
địa?
- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Trước những khó khăn chung
của thị trường, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất và
thị trường trong nước; khuyến khích tiêu dùng, đẩy nhanh việc tiêu thụ
hàng tồn kho. Cùng đó là những giải pháp hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp,
nông dân tiêu thụ sản phẩm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất
kinh doanh, nhất là các nông sản chủ lực.
Ngoài ra, Bộ cũng đang triển khai xây dựng chính sách khuyến khích, phát
triển hệ thống phân phối, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng
xa và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm...
Từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ thực hiện các giải pháp khắc phục những hạn
chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt là các tập đoàn kinh
tế và tổng công ty thuộc Bộ. Cùng với đó, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái
vốn đầu tư ngoài ngành, giảm và bán toàn bộ vốn nhà nước ở các doanh
nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối theo nguyên tắc
thị trường và lộ trình đã được phê duyệt.
Để khắc phục các mặt hạn chế của ngành công nghiệp hỗ trợ nước nhà, Bộ
Công Thương đang xây dựng Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ để
thay thế cho các văn bản, chính sách cũ đồng thời sửa đổi, bổ sung Danh
mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển và nghiên cứu sự
cần thiết ban hành Luật khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ. Dự
kiến Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ được trình Chính phủ
vào quý 4/2014.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Uyên Hương (TTXVN)