Chủ Nhật, 29/9/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 5/8/2012 15:53'(GMT+7)

Đồng chí Võ Chí Công với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng

Đồng chí Võ Chí Công đến thăm đồng bào dân tộc thiểu số xã Phước Trà (Hiệp Đức) năm 1991. Ảnh tư liệu

Đồng chí Võ Chí Công đến thăm đồng bào dân tộc thiểu số xã Phước Trà (Hiệp Đức) năm 1991. Ảnh tư liệu

 Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà cách mạng Võ Chí Công (7/8/1912 – 7/8/2012), ngày 5/8, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, , Tỉnh uỷ Quảng Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học: “Đồng chí Võ Chí Công với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng”.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Chi, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; đại diện các ban, bộ ngành Trung ương, các nhà nghiên cứu cùng đại diện gia tộc đồng chí Võ Chí Công.

Tại hội thảo, đã có hơn 60 tham luận của các chứng nhân lịch sử, nhà quản lý, nghiên cứu đến từ nhiều đơn vị nói rõ về truyền thống gia đình, quá trình tích cực tham gia cách mạng, tính cách giản dị luôn chăm lo đến đời sống của người dân cũng như những quyết sách đầy tâm huyết mang tầm chiến lược của đồng chí Võ Chí Công trong quá trình hoạt động cách mạng như: Đồng chí Võ Chí Công - người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng; Bản lĩnh và nhân cách của đồng chí Võ Chí Công: tư tưởng tấn công, tính quyết đoán và tôn trọng thực tiễn; đồng chí Võ Chí Công với công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam; Tác động của truyền thống quê hương, gia đình đến sự hình thành tư tưởng yêu nước, cách mạng của đồng chí Võ Chí Công...

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Chi, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ: Đồng chí Võ Chí Công sinh ra trong một gia đình nhà nho, từ nhỏ đồng chí đã được giáo dục về tinh thần dân tộc, yêu nước và chịu ảnh hưởng của nhiều chí sĩ đất Quảng như Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... và các phong trào đấu tranh chống thuế, đòi dân sinh dân chủ của dân chúng vùng Nam Trung kỳ. Do đó, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động phong trào thanh niên từ năm 1930 đến 1934. Năm 1935, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam . Trải qua các cuộc chiến tranh vệ quốc, đồng chí luôn là người chỉ huy tin cậy, là chỗ dựa về tinh thần vững chắc của quân và dân ta, lập nên nhiều chiến công như chiến thắng Thượng Đức, chiến thắng Buôn Ma Thuột... Sau ngày đất nước thống nhất, dù ở cương vị nào, đồng chí Võ Chí Công cũng luôn gắn bó, sống vì Đảng vì dân, chí công vô tư. Đồng chí đã đưa ra nhiều quyết sách mới trong công cuộc xây dựng đất nước như tham mưu cho Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, tháo gỡ sự trì trệ trong nông nghiệp, tạo ra luồng gió mới trong xây dựng nền sản xuất nông nghiệp thời kỳ mới.

Là một trong những người con ưu tú của quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng, với 99 tuổi đời, hơn 80 năm một lòng đi theo Đảng, làm cách mạng, bằng tài năng và đức độ của mình, đồng chí Võ Chí Công là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta, người chiến sỹ cách mạng kiên cường, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trải qua nhiều cương vị khác nhau, đồng chí luôn thể hiện là người cộng sản kiên trung, có tầm nhìn chiến lược, là nhà hoạt động thực tiễn, có tinh thần trách nhiệm cao, thể hiện sự nhạy bén, góp phần chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến bờ thắng lợi.

Đồng chí Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Đồng chí Võ Chí Công tham gia cách mạng từ rất sớm. Sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương (9/3/1945), đồng chí đã tham gia lãnh đạo nhân dân giành chính quyền ở Quảng Nam – Đà Nẵng. Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước, đồng chí Võ Chí Công đã lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân miền Nam mà đặc biệt là quân dân Khu V luôn đi đầu trong phong trào thi đua diệt Mỹ, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau ngày hoà bình lập lại, được bầu vào những cương vị trọng trách của đất nước, đồng chí đã có nhiều ý kiến chỉ đạo, lãnh đạo các hoạt động tích cực trên các lĩnh vực: đổi mới cơ chế quản lý kinh tế; đổi mới quản lý nhà nước, tập trung vào lĩnh vực lập hiến và lập pháp bổ sung, hoàn thiện Hiến pháp và hệ thống luật pháp, tạo cơ sở pháp lý cho công cuộc đổi mới của nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi. Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Võ Chí Công được tổ chức trọng thể đúng vào lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thành công của hội thảo góp phần tăng thêm động lực tinh thần, động viên các cấp, các ngành, các địa phương; cổ vũ cán bộ, đảng viên và đồng bào, chiến sỹ cả nước hăng hái thi đua lao động sáng tạo, công tác, học tập và rèn luyện để thực hiện thắng lợi các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giáo dục truyền thống yêu nước, do đó Hội thảo càng có ý nghĩa thiết thực./.

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất