Chủ Nhật, 29/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 3/7/2016 14:29'(GMT+7)

Động lực để Đồng bằng sông Cửu Long hội nhập và phát triển

Đồng chí Nguyễn Quốc Việt.

Đồng chí Nguyễn Quốc Việt.

Phóng viên (PV): Những năm qua, tại ĐBSCL, MDEC thật sự đã tạo được dấu ấn và thế mạnh riêng, đồng chí có thể cho biết đôi nét về lịch sử của nó?

Đồng chí Nguyễn Quốc Việt:
Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (The Mekong Delta Economic Cooporation), gọi tắt là MDEC, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2007. Tính đến nay, diễn đàn đã qua 8 lần tổ chức. Một trong những kết quả nổi bật của nó là góp phần củng cố, tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng; giữa ĐBSCL với các bộ, ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế, các vùng, miền trong cả nước…

PV: Lý do Ban tổ chức quyết định chọn chủ đề “ĐBSCL-Chủ động hội nhập và phát triển bền vững” cho diễn đàn năm nay?

Đồng chí Nguyễn Quốc Việt:
Kết quả của MDEC luôn được kế thừa và phát huy. Mỗi lần tổ chức, chúng tôi đều cân nhắc, lựa chọn kỹ chủ đề. Mỗi kỳ MDEC đều gắn với một chủ đề thiết thực, xuất phát từ điều kiện thực tế của vùng cũng như tình hình chung của đất nước. Có thể điểm qua những chủ đề mà MDEC từng lựa chọn như: ĐBSCL chủ động hội nhập WTO; Vì sự phát triển hạ tầng giao thông; Phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL thời kỳ hội nhập; Phát huy lợi thế sông, biển-phát triển kinh tế bền vững vùng ĐBSCL; ĐBSCL-liên kết phát triển bền vững; ĐBSCL hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững; ĐBSCL hướng đến nền kinh tế xanh; Tái cơ cấu nông nghiệp-xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL… MDEC-Hậu Giang 2016 với chủ đề “ĐBSCL-Chủ động hội nhập và phát triển bền vững” là hoạt động liên kết mở nhằm góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế, bàn giải pháp chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với quốc tế; tạo môi trường thuận lợi trong việc xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL; tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường giao lưu hợp tác kinh tế; huy động các nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội...

PV: Nội dung chính của diễn đàn gồm những hoạt động gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Quốc Việt: MDEC-Hậu Giang 2016 diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 11 đến 15-7-2016) với 14 hoạt động chính, trong đó có những hoạt động nổi bật như: Hội nghị “ĐBSCL-Chủ động hội nhập và phát triển bền vững”, Hội thảo về hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL, Diễn đàn Doanh nghiệp vùng ĐBSCL, Hội thảo về giải pháp trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất và dân sinh, Hội thảo Hỗ trợ và thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

PV: MDEC luôn là sự kiện được kỳ vọng nhằm góp phần giải quyết những khó khăn chung của toàn vùng, đồng chí cho biết diễn đàn năm nay có những điểm mới nào đáng chú ý?

Đồng chí Nguyễn Quốc Việt: Chúng tôi kỳ vọng sẽ tìm ra được những giải pháp căn cơ, phù hợp nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn, thách thức mà ĐBSCL đã và đang đối mặt như: Tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng; hạn hán, xâm nhập mặn; tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; chủ động gia nhập các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Qua diễn đàn, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện giải pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ĐBSCL; xây dựng thương hiệu, thúc đẩy liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là các mặt hàng chủ lực như lúa gạo, trái cây, tôm, cá; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của vùng đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

PV: Đồng chí có thể cho biết thêm kết quả bước đầu của các hoạt động xúc tiến thương mại, mời gọi đầu tư trước khi MDEC-Hậu Giang 2016 chính thức diễn ra?

Đồng chí Nguyễn Quốc Việt: Vào cuối tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với Thành ủy, UBND TP Hà Nội cùng các bộ, ngành Trung ương và địa phương có liên quan tổ chức thành công Hội nghị hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa ĐBSCL với TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Hội nghị đã thông qua thỏa thuận chương trình hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND TP Hà Nội. UBND 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cũng đã giới thiệu hơn 100 dự án mời gọi đầu tư với tổng kinh phí 29.425 tỷ đồng và 12 tỷ USD. Riêng đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 2 doanh nghiệp vào địa bàn tỉnh với tổng số vốn 979,480 tỷ đồng.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HỒNG HIẾU (thực hiện)/QĐND

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất